Đại sứ Nga bị ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ:

Truy tìm kẻ đứng sau vụ án

Thứ Sáu, 23/12/2016, 12:46
Tổng thống Putin đã quyết định chuyển buổi họp báo thường niên sang ngày 23-12 để dự lễ tang Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức hôm 22-12 và truy tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Andrei Karlov.


Ông Putin gọi vụ ám sát ông Andrei Karlov là "vụ giết người đê hèn" và là hành động khiêu khích, nhằm phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và giải quyết tình hình Syria. Trước đó, khi phát biểu trên truyền hình Nga, ông Putin tuyên bố sẽ tìm ra kẻ đã tổ chức vụ sát hại ông Andrei Karlov.

Người dân Moskva đặt hoa gần Bộ Ngoại giao Nga tỏ lòng tiếc thương Đại sứ Andrei Karlov.

Đồng thời khẳng định, đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và sẽ phối hợp chặt chẽ với Ankara để điều tra, làm rõ vụ việc. Ông Putin cũng chỉ thị cho các cơ quan hữu trách phải "duy trì cảnh giác tối đa và khả năng cơ động", phải tăng cường phối hợp với các đồng nghiệp trên thế giới để đảm bảo an ninh.

Ngoài ra, Tổng thống Putin còn họp với Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov và Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài Sergei Naryshkin.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, các cuộc điều tra do ông giám sát. Được biết, ngay sau khi tới Thổ Nhĩ Kỳ, 18 thành viên của tổ điều tra đặc biệt do Nga thành lập đã phối hợp với 7 đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, khẩn trương điều tra thủ phạm đứng sau vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã quy trách nhiệm cho mạng lưới của Giáo sĩ Fethullah Gulen, sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999, về vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov.

"Tôi được Thủ tướng cho biết, để tưởng nhớ Đại sứ Nga, con phố nơi có Đại sứ quán Nga sẽ được đặt theo tên ông Andrei Karlov", ông Mevlut Cavusoglu nói với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi tới thủ đô Moskva.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ông Mevlut Cavusoglu nói rằng, tổ chức của Giáo sĩ Fethullah Gulen (FETO) đứng sau vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov. Thị trưởng Ankara Ibrahim Melih Gokcek cho rằng, Mevlut Mert Altintas là thành viên của FETO.

Nhưng đại diện của Giáo sỹ Fethullah Gulen đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến cái chết của Đại sứ Andrei Karlov. Ngày 21-12, Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định, Ủy ban hỗn hợp Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đã bắt đầu điều tra và sát thủ là thành viên của FETO.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã siết chặt an ninh xung quanh Đại sứ quán Nga tại Ankara sau vụ ông Andrei Karlov bị ám sát.

Theo giới chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ, hung thủ có thể đã lên kế hoạch với đồng phạm bởi vụ ám sát được thực hiện chuyên nghiệp và đây không phải là "công việc của một người". Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt 7 người, bao gồm bố mẹ, chị gái, 3 người họ hàng và bạn cùng phòng với sát thủ để thẩm vấn.

Ngày 20-12, thi thể Đại sứ Andrei Karlov đã được đưa về Moskva bằng máy bay và lễ tưởng niệm dành cho ông được tổ chức trước đó tại sân bay Esenboga ở Ankara. Ông Andrei Karlov là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Nga bị sát hại, kể từ sau vụ Đại sứ Nga tại Ba Lan bị ám sát năm 1927.

Tờ Izvesstia vừa dẫn nguồn tin trong giới ngoại giao Nga cho biết, Moskva đang xem xét ngừng đàm phán về cơ chế miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Đại sứ Andrei Karlov bị ám sát.

Bởi mấy tháng trước, Đại sứ Andrei Karlov đã kêu gọi không nên vội vàng miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vì theo ông, Ankara chưa thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh.

Ông Andrei Karlov đã bị Mevlut Mert Altintas ám sát khi đang phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm tranh ở thủ đô Ankara hôm 19-12.

Một đoạn video mới được công bố cho thấy cảnh tượng kinh hoàng khi Mevlut Mert Altintas rút súng bắn ông Andrei Karlov - bình tĩnh đi lại đằng sau Đại sứ Nga khi ông phát biểu trước báo giới mà không có nhân viên an ninh nào bên cạnh.

Trong khi Đại sứ Andrei Karlov phát biểu, hắn đã bắn ông từ phía sau (bắn 11 phát đạn, trong đó 9 viên nhắm vào nạn nhân) và hô lớn "Đừng quên Aleppo", "Đừng quên Syria", "Thánh Allah vĩ đại". Sau đó hắn còn đấu súng với cảnh sát khoảng 15 phút trước khi bị bắn chết.

Theo đài truyền hình NTV, Mevlut Mert Altintas từng bảo vệ Đại sứ quán Nga ở Thủ đô Ankara hồi đầu tháng 12, thời điểm diễn ra các cuộc tuần hành phản đối sự tham gia của Moskva tại Syria và tình hình chiến sự ở Aleppo.

Mevlut Mert Altintas, thủ phạm bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đã phục vụ hơn 2 năm trong lực lượng cảnh sát, đã tốt nghiệp trường cảnh sát ở Izmir và phục vụ trong lực lượng cảnh sát chống bạo động của Ankara từ năm 2014.

Nhóm Jabhat Fatah al-Sham, tiền thân là nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra Front (thành lập năm 2012 và là chi nhánh al-Qaeda ở Syria) nhận trách nhiệm đứng sau vụ ám sát Đại sứ Nga. Tuyên bố của Jabhat Fatah al-Sham diễn ra trong bối cảnh giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt 13 người để điều tra vụ ám sát ông Andrei Karlov.

Trịnh Huyền My

.
.