Trẻ em Trung Mỹ bị “xã hội đen” truy sát
- Thực trạng bi đát của người tị nạn
- Hàng trăm người tị nạn tấn công biên giới, tràn vào lãnh thổ Tây Ban Nha
- Người tị nạn châu Phi ồ ạt tấn công hàng rào biên giới Tây Ban Nha
- Trẻ em tị nạn Syria ở Lebanon đối mặt với bạo lực và lạm dụng tình dục
- 2 ngày có 240 người tị nạn chết ở Địa Trung Hải
Báo New York Times (NYT) kể câu chuyện từ hơn một năm qua Veronica và em gái phải trốn chui trốn nhủi ở El Salvador, hy vọng được Chính phủ Mỹ cấp quyền tị nạn.
Làm nhân chứng dễ bị “xã hội đen” thủ tiêu
Trước đó, hai chị em đang ngồi học bài ở phòng ăn trong nhà, thì một bọn xã hội đen bịt mặt của băng đảng tội phạm khét tiếng MS-13 xông vào nhà, bắn chết ông bà nội của hai chị em. Cặp vợ chồng hành nghề y tá này bị đồn rao rằng họ “chỉ điểm” bọn tội phạm có tổ chức cho cảnh sát biết.
Khi nói chuyện với NYT, Veronica 9 tuổi chụp lấy cục đất sét, nặn thành hình người rồi dùi những cái lỗ trên mặt tượng, nói: “Bà cháu chết như thế này”. Reina là cô của Veronica, đã làm chứng về vụ giết người, nói: “Chúng tôi không thể ở yên trong nhà nữa. Tuần trước, bọn chúng gọi điện dọa sẽ tìm ra dù chúng tôi có trốn dưới bất kỳ hốc đá nào”.
Reina cho biết cô càng sợ vì đã có nhiều vụ bắt bớ, dẫn đến việc gia đình càng bị dọa giết: “Tôi đã được giúp rời khỏi nước này, nhưng tôi không thể ra đi cho đến khi nào cháu tôi được đến Mỹ an toàn”.
Reina kể, cô đã vay 6.000 USD để trả công cho một tên buôn lậu, để hắn dẫn đứa con trai 15 tuổi của cô vượt biên đến Dallas (Mỹ). Con trai Reina cũng đã làm chứng trước tòa về vụ giết người.
Lính biên phòng Mỹ áp giải người tị nạn El Salvador. |
Oscar Torres, công tố viên phụ trách vụ án mạng ở nơi mà mẹ của Reina và cha dượng bị giết, thừa nhận cả gia đình gặp nguy hiểm nghiêm trọng, dù họ đã làm chứng hai vụ giết người hay không. Ông nói có 7 tên tham gia vụ giết người này, 4 tên đã bị bắt chờ ngày ra tòa, một tên bị truy nã, một tên khác bị giết trong vụ đấu súng với cảnh sát, và một tên vị thành niên được bảo lãnh tại ngoại.
Một trong những tên bị buộc tội giết người là gã trùm có biệt danh “Hổ dữ”. Ông Torres nói rằng khi một trùm bị buộc tội, bọn đàn em thường giết gia đình của nhân chứng.
Kết thúc chương trình tị nạn của Obama
Từ đó, như hàng ngàn người khác, Reina làm đơn xin tị nạn ở Mỹ cho hai đứa cháu gái, theo một nỗ lực đặc biệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm đối phó với tình trạng băng đảng bạo lực ở khu vực Trung Mỹ vốn đẩy nhiều người tuyệt vọng đi bộ đến biên giới Mỹ.
Năm 2014, Chính phủ Obama bắt đầu lập một chương trình cấp quyền tị nạn hoặc nhập cảnh đặc biệt cho một số trẻ em Trung Mỹ, hy vọng ngăn chặn làn sóng trẻ em đi bộ đến Mỹ. Hơn 11.000 người đã làm đơn xin thụ hưởng chương trình này, và theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến ngày 22-2 vừa qua, chỉ mới 2.400 người được quyền vào Mỹ; và trong tháng đầu tiên ông Trump làm tổng thống, có 316 người được nhận vào Mỹ.
Thủ tục xét duyệt rất chậm, việc xét cấp quyền rất lâu trong khi tiêu chuẩn được tị nạn rất cao nhưng không cản người bị tội phạm truy sát xin được tị nạn. Nhiều trẻ em chọn cách bỏ trốn thay vì chờ được xét duyệt, và các em phải chịu nguy hiểm mất mạng trong khi hồ sơ của các em được xem xét.
Những người mẹ dẫn con nhỏ đi xin tị nạn ở biên giới Mỹ. |
Hồi tháng 7, các quan chức Mỹ mở rộng chương trình, để xét luôn cả những người trong gia đình. Nên nhiều thiếu niên El Salvador, Guatemala và Honduras đang hy vọng được rời khỏi quê hương vì sợ bọn tội phạm bắt nạt, buộc trẻ trai gia nhập băng đảng của chúng và dọa hiếp dâm các trẻ gái.
Nhưng vào ngày 6-3 vừa qua, Chính phủ Mỹ công bố “treo” 4 tháng đối với các đơn xin tị nạn ở Mỹ, để cải tiến thủ tục an ninh và có lẽ trên hết là giảm tổng số người tị nạn được phép nhập cảnh Mỹ xuống hơn một nửa: từ 110.000 người được phép tị nạn thời Tổng thống Obama xuống còn 50.000 người.
Nhưng số suất tị nạn này hầu như đã có người hưởng. Từ khi năm tài khóa Mỹ bắt đầu từ tháng 10-2016, đã có hơn 37.000 người tị nạn từ khắp thế giới đã được đến Mỹ. Tính đến ngày 6-3, chỉ còn 12.700 chỗ trong hạn ngạch 50.000 suất tị nạn của ông Trump.
Năm tài khóa 2016, Liên Hiệp Quốc xếp hơn 100.000 người tị nạn từ khắp thế giới được tái định cư ở Mỹ. Chính quyền Obama nhận gần 85.000 người trong năm này, trước khi nâng mức trần lên đáng kể cho năm 2017. Nhưng nay, sắc lệnh của ông Trump sẽ khiến hàng chục ngàn gia đình bơ vơ, tuyệt vọng mong được hưởng số suất còn lại.
Veronica và em gái - tên họ được NYT giấu để bảo vệ nhân thân các em - đã chờ đợi trong lo lắng vì không biết có được cho tị nạn hay không. Hai em cùng cha đã được gọi phỏng vấn 4 lần, nhưng nhiều tháng trôi qua, họ vẫn chưa được tị nạn ở Mỹ. Trong khi đó, bọn tội phạm MS-13 liên tục gọi điện thoại dọa giết, nên buộc hai em cùng với người cha, cô và cậu phải liên tục thay đổi chỗ ở.
Các quan chức và các tổ chức giúp đỡ di trú ở Trung Mỹ lo ngại chính quyền Mỹ viện sự nguy hiểm từ việc đón nhận bọn khủng bố tiềm năng từ các nước như Syria đến giả xin tị nạn, nên chính phủ Trump bỏ mặc hàng chục ngàn người bị băng đảng tội phạm khủng bố.
Berta Guevara, một luật sư của Tổ chức Giám sát độc lập ở El Salvador chuyên giúp người xin được tị nạn, nói nhiều người bị nguy hiểm nay tin rằng Mỹ không còn muốn đón nhận họ nữa.
Trốn “xã hội đen” thì không được xét tị nạn
Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ (DHS) John Kelly cho biết sắc lệnh mới của Tổng thống Trump “sẽ giúp nước Mỹ an toàn hơn, giải quyết mối quan ngại lâu nay về sự an ninh trong hệ thống di trú quốc gia”. Ông nói Mỹ phải nghiêm túc xét lại các chương trình xét cấp quyền tị nạn và xét cấp visa, để làm tăng sự tin tưởng vào các quyết định cấp phép nhập cảnh vào Mỹ cho di dân và du khách, và nói: “Chúng tôi không thể liều lĩnh để bọn xấu lợi dụng hệ thống di trú để cướp mạng sống công dân Mỹ”.
Ngay trước khi có sắc lệnh này, các quan chức DHS nói họ không nhận thêm hồ sơ nào nữa, từ lúc ông Trump muốn ngưng việc tiếp nhận người tị nạn vào cuối tháng 1-2017, khiến “đóng băng” các đơn xin tị nạn.
Sắc lệnh mới sẽ kéo dài sự “đóng băng này” ít nhất 4 tháng nữa, khiến trẻ em Trung Mỹ bị tội phạm dọa giết - hiếp phải đứng trước những lựa chọn khó khăn, gồm có nên thực hiện một cuộc đi bộ dài và nguy hiểm đến biên giới Tây Nam nước Mỹ để xin tị nạn hoặc xin hưởng một vài dạng thức giúp đỡ nhân đạo khác.
Theo Wendy Young, Chủ tịch Tổ chức Trẻ cần được bảo vệ (ở Washington, chuyên hỗ trợ pháp lý cho trẻ em di dân không có người lớn đi cùng): “Có sự mập mờ liên quan đến tình hình khủng hoảng tị nạn từ Trung Mỹ. Thế giới ngày nay cho thấy người tị nạn là người trốn chiến tranh, nhưng băng đảng xã hội đen và bạo lực ma túy thì lại không phải là chiến tranh”.
Về lâu dài, chương trình tị nạn của chính phủ Obama ở Trung Mỹ cũng bị đe dọa, vì nó thường dựa vào một điều khoản đặc biệt gọi là “ân xá nhân đạo”, vốn cho phép một số di dân đến Mỹ tạm thời ngay cả khi họ không được xét là người tị nạn. Một số thành viên đảng Cộng hòa muốn hạn chế di dân, đã gọi “ân xá nhân đạo” là một “cửa sau vào Mỹ bị lạm dụng”.