Tổng thống Philippines cho phép bắn chết con trai nếu "dính" ma túy

Thứ Ba, 26/09/2017, 08:10
Cuộc biểu tình của hàng ngàn người ở Thủ đô Manila hôm 21-9 được coi là lời cảnh báo đối với Tổng thống Rodrigo Duterte. Bởi 21-9 là ngày cố Tổng thống Ferdinand Marcos tuyên bố thiết quân luật năm 1972, khởi đầu cho thời kỳ tàn bạo dưới chế độ độc tài, nhưng ông Rodrigo Duterte lại ngưỡng mộ nhân vật này.


Những người tham gia biểu tình hôm 21-9 đã giương cao các khẩu hiệu như "Hãy ngừng giết chóc" và "Nói không với thiết quân luật" để phản ánh nỗi lo sợ của họ về cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte. 

Phó Tổng thống Leno Robredo cho rằng, người dân nên nhận ra các dấu hiệu của "sự gia tăng bạo lực". Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros cảnh báo, nền dân chủ của Philippines đang bị đe dọa bởi "chế độ Duterte cùng chính sách giết chóc". 

Tuy nhiên, cũng có hàng ngàn người biểu tình cùng ngày 21-9 để bày tỏ sự ủng hộ đối với những chính sách quyết đoán của Tổng thống Rodrigo Duterte và uy tín của ông vẫn cao bất chấp các chính sách gây tranh cãi của mình.

Tổng thống Duterte và con trai Paolo.

Động thái kể trên diễn ra sau tuyên bố gây sốc hôm 20-9 của Tổng thống Rodrigo Duterte khi ông nói với các phóng viên về con trai Paolo Duterte: "Sắc lệnh của tôi là giết người bị bắt. Và tôi sẽ bảo vệ viên cảnh sát đã giết người nếu điều đó là đúng đắn. Và như tôi từng nói, nếu con tôi có dính líu tới ma túy, mọi người có thể giết nó để không ai có thể nói thêm được gì". 

"Ta sẽ ra lệnh giết con nếu con bị bắt và ta sẽ bảo vệ những cảnh sát đã lấy mạng con", giới truyền thông dẫn lại lời ông Rodrigo Duterte nói với con trai Paolo Duterte, hiện là Phó thị trưởng thành phố Davao. Tổng thống Rodrigo Duterte cũng nhiều lần nhấn mạnh, sẽ từ chức nếu có thể chứng minh bất kỳ thành viên nào trong gia đình ông có liên quan tới tham nhũng.

 Trước đó, giới truyền thông từng dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte khuyên con trai tham dự phiên điều tra của Thượng viện (đồng thời tư vấn không trả lời và tận dụng quyền im lặng), nếu không có gì phải giấu giếm. Theo giới truyền thông, ông Paolo Duterte đã xuất hiện trong phiên điều trần của Thượng viện hôm 7-9 để bác bỏ các cáo buộc về việc mình là thành viên của nhóm 3 người buôn lậu ma túy đá từ Trung Quốc vào Philippines. 

Ngoài con trai Paolo Duterte, con rể Manases Carpio của Tổng thống Rodrigo Duterte cũng bị cáo buộc có liên quan tới ma túy. Con gái và con rể Tổng thống Rodrigo Duterte được cho sở hữu số tiền 2,3 triệu USD tại nhiều tài khoản khác nhau. Và nhiều người đang chất vấn về nguồn gốc của số tiền này.

Hơn 20 ngày trước (31-8), Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes đã yêu cầu triệu tập ông Paolo Duterte và ông Manases Carpio tới điều trần tại Thượng viện do Thượng nghị sĩ Richard Gordon chủ trì. Bởi họ bị cáo buộc hối lộ Cục Hải quan để vận chuyển lô hàng chứa 640kg ma túy đá trị giá 125,4 triệu USD từ Trung Quốc vào Philippines hồi tháng 5. Ông Antonio Trillanes đã yêu cầu ông Paolo Duterte chụp lại hình xăm và gửi cho Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA) để giải mã các con số bí mật trên đó, nhưng đã bị Phó Thị trưởng Davao từ chối bởi đó là quyền riêng tư và không liên quan tới vụ án! 

Điều đáng nói là mặc dù bác bỏ mọi cáo buộc đối với lô hàng ma túy trị giá hơn 125 triệu USD từ Bắc Kinh tại cảng Manila, nhưng ông Paolo Duterte luôn từ chối trả lời các câu hỏi về tài chính và tài khoản ngân hàng cũng như hình xăm của mình. Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes cáo buộc, ông Paolo Duterte đã dùng ảnh hưởng của mình để giúp giải thoát một lô hàng ma túy trị giá hơn 125 triệu USD kể trên. Đồng thời công bố bức ảnh ông Paolo Duterte bên cạnh nữ doanh nhân là người đứng sau lô hàng bị phát hiện cất giấu ma túy. 

Giới truyền thông dẫn lời khai của "nhà môi giới" Mark Taguba (người đã chi hàng triệu peso cho "Nhóm Davao" để họ cho lô hàng ma túy được nhập cảnh), theo đó nhiều quan chức Cục Hải quan liên quan tới vụ án ma túy lớn kể trên. Vụ buôn lậu ma túy kể trên từng là đề tài gây tranh cãi tại nhiều phiên điều trần của Quốc hội bởi tuy lô hàng đã được tịch thu, nhưng chẳng quan chức hải quan nào bị bắt. 

Tổng thống Rodrigo Duterte từng tuyên bố, không bao che cho hành vi lạm quyền và các sỹ quan cảnh sát sẽ phải đối mặt với hậu quả về hành động của họ nếu kết quả điều tra chính thức kết luận điều đó. Ông Rodrigo Duterte cũng nhiều lần khẳng định, chưa bao giờ chỉ đạo cảnh sát làm điều gì bất hợp pháp và họ chỉ được phép giết người để tự vệ. Và từng nhấn mạnh, có thể có sự lạm quyền trong cuộc chiến chống ma túy và đã ra lệnh bắt những cảnh sát tham gia vào vụ giết hại Kian Loyd Delos Santos, cậu học sinh trung học với cáo buộc là "người vận chuyển ma túy". 

Phạm Huy Anh
.
.
.