Tín nhiệm không cao, Thủ tướng từ chức

Thứ Hai, 07/01/2019, 15:35
Quốc vương Bỉ Philippe ngày 21-12 vừa qua đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Charles Michel nhưng yêu cầu chính phủ của ông tiếp tục điều hành đất nước cho đến bầu cử.


Trước đó, ngày 18-12-2018, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã nộp đơn xin từ chức sau khi các đối thủ bàn chuyện bỏ phiếu bất tín nhiệm ông trong một cuộc khủng hoảng chính trị do sự khác biệt về nhập cư.

Thủ tướng Charles Michel, người lãnh đạo Chính phủ Bỉ kể từ tháng 10-2014, đã chọn phương án “rút là thượng sách” sau khi mất sự ủng hộ của đảng Liên minh Flander mới (N-VA), do bất đồng liên quan tới Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Sự ra đi của đối tác chính trong liên minh cầm quyền 4 bên đã khiến chính phủ của ông Charles Michel mất đa số tại Hạ viện Bỉ, do đảng N-VA chiếm tới 31/150 ghế tại cơ quan lập pháp. Nhà lãnh đạo 42 tuổi buộc phải quay sang tìm kiếm sự hỗ trợ của các đảng cánh tả khác để thành lập liên minh.

Trong nỗ lực cuối cùng nhằm duy trì quyền lực, ngày 18-12, Thủ tướng Michel đã kêu gọi các nghị sĩ đoàn kết và ủng hộ chính phủ trong một vài vấn đề quan trọng, nhằm tiếp tục điều hành đất nước cho tới cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào tháng 5-2019. Tuy nhiên, lời khẩn cầu của ông Michel đã không được đáp lại. Quyết định từ chức của Thủ tướng Michel được đưa ra sau một tuần chịu sức ép lớn từ lời kêu gọi của một số đảng đối lập đòi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nhà lãnh đạo này.

Nhà vua yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị và các tổ chức đưa ra một phản ứng thích hợp cho các thách thức kinh tế, ngân sách và quốc tế để đáp ứng sự mong đợi của người dân, như về các vấn đề xã hội và môi trường. Với việc cầm quyền tạm, chính quyền Michel chỉ có thể xử lý các vấn đề được coi là khẩn cấp. Điều đó có thể khiến nó không thể vượt qua một kế hoạch cải cách trợ cấp thất nghiệp và ngân sách năm 2019. Các nhà kinh tế tại ING cho biết không có khả năng xảy ra hậu quả ngắn hạn lớn, nhưng về lâu dài sẽ có rủi ro.

Bỉ có thể phải đối mặt với các vấn đề nếu có một cú sốc kinh tế, chẳng hạn như từ Brexit cứng. Một số cải cách cần thiết, chẳng hạn như về lương hưu và thị trường lao động, cũng sẽ không được thông qua. Không rõ liệu những vấn đề này có được chính phủ tiếp theo ưu tiên hay không. Kết quả bầu cử có thể khiến việc thành lập một chính phủ liên bang có tư tưởng cải cách ổn định trở nên khó khăn hơn, Peter Vanden Houte, nhà kinh tế trưởng của ING dự đoán.

Chính phủ Michel đã gặp rắc rối sau khi Thủ tướng Charles Michel tuyên bố sẽ ký Hiệp ước GCM của LHQ tại thành phố Strasbourgesh vào ngày 10-12, bất chấp sự phản đối của đối tác chính trong liên minh của ông, đảng N-VA cánh hữu. Theo Koert Debeuf, học giả và từng làm cố vấn cho Chính phủ Bỉ, việc N-VA dựa vào vấn đề nhập cư để rút lại sự ủng hộ Thủ tướng Michel chỉ là cách nhằm duy trì sự ủng hộ của những cử tri bảo thủ dành cho đảng này, trong bối cảnh Bỉ lên kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào năm sau.

N-VA, đảng theo chủ nghĩa dân tộc có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư do Thị trưởng Antwerp Bart De Wever lãnh đạo. Ban đầu, Hiệp ước này nhận được sự ủng hộ của cả 4 bên trong liên minh cầm quyền Bỉ. Tuy nhiên, N-VA đã rút lại sự ủng hộ vào đúng đêm trước ngày Thủ tướng Charles Michel đến Marrakesh, Morocco, để ký kết Hiệp ước GCM của LHQ, trong đó thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu đối với dòng người di cư. N-VA đã đưa ra một số điều kiện để tiếp tục ủng hộ chính phủ của ông Michel, trong đó có yêu cầu mở các cuộc bàn thảo về hiến pháp. Tuy nhiên, Thủ tướng Bỉ cho rằng những điều kiện trên không thể chấp nhận.

Mặc dù thoả thuận của LHQ không ràng buộc pháp lý, nhưng phe phản đối cho rằng GCM sẽ làm tổn hại chủ quyền của Bỉ. Không chỉ vấp phải sự phản đối tại Bỉ, Hiệp ước Toàn cầu về di cư còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và một số quốc gia khác, chủ yếu là các quốc gia Đông Âu bên cạnh Italy và Australia. 

GMC đưa ra 23 mục tiêu để tạo điều kiện di cư hợp pháp và quản lý tốt hơn các dòng di chuyển toàn cầu của 250 triệu người, chiếm 3% dân số thế giới. Những nước phản đối cho rằng, thỏa thuận này sẽ khuyến khích dòng người di cư, tạo thêm gánh nặng cho họ.

Gia Hân
.
.
.