Thiếu cảnh giác, nhiều nạn nhân sập bẫy lừa qua mạng
- Thêm một phụ nữ “dính” bẫy lừa qua mạng xã hội
- "Thôn nữ" miệt vườn và những cú lừa qua mạng xã hội
- Cảnh giác với chiêu lừa qua mạng
Lừa tiền qua mạng xã hội, qua mạng điện thoại viễn thông bằng những chiêu thức, thủ đoạn vô cùng đơn giản như: hack nich facebook, zalo rồi nhắn tin vào danh sách bạn bè, lừa chuyển tiền, mua thẻ cào điện thoại; hay thủ đoạn thông báo nợ cước điện thoại; thông báo nhận quà, trúng thưởng với giá trị lớn sau đó yêu cầu nộp tiền phí hay kết bạn qua facebook, zalo rồi gạt tiền... Tuy chiêu lừa này đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện báo chí nhưng vẫn có nhiều người bị sập bẫy.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định đang tiến hành điều tra vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Nạn nhân là chị Mai, trú tại huyện Mỹ Lộc (tên nạn nhân đã được thay đổi).
Chị Mai có chồng đang lao động tại Hàn Quốc. Ngày 13/9, các đối tượng đã đánh cắp tài khoản facebook của chồng chị Mai, giả danh người chồng, nhắn tin bảo chị chuyển 30 triệu đồng vào một tài khoản Vietcombank. Nhận tin nhắn, tưởng là chồng nhắn tin nhờ chuyển tiền nên chị Mai đã dùng dịch vụ internet banking, chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản Vietcombank.
15 phút sau, chị Mai điện thoại cho chồng, báo đã chuyển tiền thành công mới biết chồng bị hack nick facebook và không nhắn tin bảo chị Mai chuyển tiền. Đúng lúc này, đối tượng tiếp tục sử dụng tài khoản facebook của chồng, nhắn tin bảo chị Mai mua hộ thẻ cào điện thoại. Biết mình đã bị lừa, chị Mai đến phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định trình báo vụ việc.
Điện thoại tang vật vụ án. |
Từ đơn trình báo của chị Mai, Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định đã điều tra, làm rõ đối tượng trực tiếp đánh cắp tài khoản facebook của chồng chị Mai để lừa tiền là Trần Đình Nam, 21 tuổi, trú tại số 1 Lý Nam Đế, khu phố 2, phường 3, thị xã Quảng Trị. Lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Đình Nam được thực thi.
Tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định, Trần Đình Nam khai nhận đã cùng anh trai Trần Bá Phương tìm cách đánh cắp tài khoản facebook trên mạng. Sau đó, giả danh là chủ tài khoản nhắn tin đến người thân, người quen của họ để lừa tiền bằng nhiều mánh khóe như vay tiền, nhờ chuyển tiền, nhờ mua thẻ điện thoại…
Nạn nhân nào "sập bẫy" sẽ được anh em Nam - Phương hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đại lý bán tiền ảo để chơi game. Sau khi các bị hại đã chuyển tiền, Trần Đình Nam và Trần Bá Phương bảo đại lý bán tiền ảo quy đổi sang tiền Rik (là loại tiền ảo sử dụng trong chơi game) rồi bán cho các đại lý thu mua tiền Rik để rút lấy tiền mặt. Số tiền lừa đảo được, bọn chúng dùng ăn tiêu và chơi game trên mạng.
Tập trung đấu tranh, Nam còn khai nhận, đã cùng Phương hack tài khoản facebook, mạo danh chủ tài khoản thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh và một số người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc. Trong số những bị hại, Nam xác nhận có lừa đảo, chiếm đoạt 30 triệu đồng của chị Mai, trú tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định vào ngày 13/9/2017.
Do không nghề nghiệp, Nam và Phương thường đến các quán internet để chơi điện tử. Tại đây, 2 anh em thấy nhiều đối tượng đến quán internet tìm cách hack nick facebook của người khác rồi sử dụng facebook của họ liên lạc, chat với bạn bè trong danh sách nhờ chuyển tiền, nhờ mua thẻ cào điện thoại để chiếm đoạt. Thấy cách "kiếm tiền" này quá dễ, Nam và Phương đã học theo.
Sau khi chiếm đoạt được tài khoản facebook, bọn chúng vào phần tin nhắn đọc, tìm hiểu các mối quan hệ, cách nói chuyện của chủ tài khoản facebook với bạn bè, gia đình. Qua đó, 2 anh em Nam - Phương tìm ra những người thân thiết, thường xuyên nói chuyện qua facebook với chủ tài khoản để nhờ họ chuyển tiền, mua hộ thẻ cào điện thoại nhằm chiếm đoạt.
Điều đáng nói, Trần Đình Nam đã từng ngồi tù vì tội sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nam cũng từng có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản và là đối tượng trong diện tình nghi có hoạt động sản xuất ma túy.
Tháng 4/2017, Trần Đình Nam được ra tù. Vậy nhưng, vừa tự do được 5 tháng, Trần Đình Nam lại tự vác xác vào trại giam với tội danh cũ "sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Hiện Trần Đình Nam đang bị tạm giam tại Công an tỉnh Nam Định. Trần Bá Phương đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Ngày 3/10, Công an tỉnh Nam Định đã phát lệnh truy nã Trần Bá Phương với tội danh "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Công an tỉnh Nam Định đã thu hồi được 30 triệu đồng và trao lại cho chị Mai.
Đối tượng Trần Đình Nam. |
Ngoài thủ đoạn hack nick facebook để lừa chuyển tiền, lừa mua thẻ cào điện thoại, từ đầu năm đến nay, Công an Nam Định còn tiếp nhận trình báo của 2 nạn nhân về cùng một nội dung. Cả 2 nạn nhân đều bị lừa chuyển tiền qua mạng xã hội với một chiêu thức vô cùng đơn giản. Thông qua mạng facebook, các nạn nhân được một người nước ngoài nhắn tin làm quen.
Vì tò mò lại thấy ảnh đại diện là những mỹ nam, mỹ nữ ngoại quốc với khuôn mặt dễ mến nên họ chấp nhận kết bạn. Sau một thời gian trò chuyện thân tình, mỹ nam, mỹ nữ ngoại quốc ngỏ ý gửi tặng một gói quà giá trị cao từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không. Để nhận gói quà trên, người nhận phải chuyển tiền phí vào một tài sản được định sẵn.
Sau nhiều lần chuyển tiền vẫn chưa nhận được quà, nạn nhân sinh nghi thì đối tượng lừa đảo đã cao chạy xa bay. Số điện thoại rồi tài khoản facebook, zalo cũng không thể liên lạc. Với chiêu lừa này, 2 nạn nhân mới đây nhất tại tỉnh Nam Định đã bị chiếm đoạt 209.700.000 đồng. Qua điều tra xác minh, Công an tỉnh Nam Định phát hiện thêm 4 trường hợp cũng bị lừa tiền với thủ đoạn tương tự. Tổng số tiền bị lừa của 4 nạn nhân này là 363.600.000 đồng.
Điều đáng nói ở những vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội này, đó là thủ đoạn lừa đảo của đối tượng không mới, còn "xưa như trái đất". Thậm chí, Công an tỉnh Nam Định vẫn thường xuyên phối hợp với cơ quan viễn thông, nhắn tin cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo này đến các số thuê bao di động. Vậy nhưng vẫn có người mắc bẫy. Phải chăng người dân hiện nay đang quá cả tin?
Đặt câu hỏi này với nạn nhân của những vụ lừa qua mạng xã hội, chúng tôi nhận được một đáp án chung, đó là tâm trí mụ mị bởi quá nhiều thông tin đến cùng một lúc, lại được đối tượng hết ngon ngọt thỏ thẻ hoặc uy hiếp dồn dập khiến họ mất cảnh giác mà sập bẫy. Hơn nữa, trước khi tung bẫy lừa, các đối tượng đều có một thời gian dài thường xuyên nhắn tin trò chuyện với con mồi để tạo niềm tin.
Còn chị Mai, nạn nhân mới nhất vừa sập bẫy của bọn lừa đảo qua facebook với số tiền 30 triệu đồng cho biết: Do 2 vợ chồng thường xuyên nhắn tin trò chuyện qua facebook. Chồng lại hay nhờ chuyển tiền cho bạn nên khi nhận tin nhờ chuyển tiền từ facebook của chồng, chị đã tin tưởng và thực hiện giao dịch chuyển tiền.
Cô Lan (tên nạn nhân đã được thay đổi), nạn nhân của một vụ lừa tiền qua điện thoại cố định cho biết: Bỗng dưng nhận điện của một nhân viên bưu điện thông báo tiền cước điện thoại lạm thu đến cả triệu đồng do bị một tổ chức xã hội đen đánh cắp thông tin gia đình.
Sau đó lại liên tiếp nhận điện của nhóm đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, viện kiểm sát nhân dân rồi tòa án nhân dân thông báo gia đình có liên quan đến một vụ án mà họ đang bí mật điều tra và yêu cầu phải chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình cho họ xác minh.
Bị hại trình bày tại cơ quan điều tra. |
Vốn xưa nay chưa đi đâu khỏi thành phố Nam Định nên khi vừa nghe thông tin gia đình bị một tổ chức xã hội đen lợi dụng làm việc phi pháp, cô đã bủn rủn, lắp bắp không nên lời. Cô càng thêm kinh hồn bạt vía khi nghe bọn lừa đảo bảo đang xin lệnh bắt tạm giam cô để điều tra.
Bỏ cả cơm trưa, cô hấp tấp ra ngân hàng chuyển hơn 400 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình vào tài khoản được chỉ định. Đến khi tĩnh tâm lại, nhận thấy gia đình không làm gì phi pháp, ra ngân hàng kiểm tra, cô nhận tin sét đánh: Hơn 400 triệu đồng vừa được rút cạn trước đó ít phút.
Tin rằng, những nạn nhân trong bài viết này chỉ là một số nhỏ trong nhiều trường hợp bị lừa tiền bởi thủ đoạn vô cùng tinh vi của bọn tội phạm công nghệ cao. Với những trường hợp vờ làm quen qua facebook, chiếm lòng tin rồi sau đó lừa tiền.
Để nạn nhân sập bẫy, đối tượng lừa đảo không thực hiện ngay mà thường trò chuyện, tâm tình với nạn nhân một thời gian khá dài để chiếm sự tin tưởng. Khi đã thu thập được những thông tin cần thiết về con mồi, đối tượng mới tung bẫy.
Các băng nhóm lừa đảo liên tục thay đổi chiêu thức, cộng với khả năng giỏi nắm bắt tâm lý, lại có tài thuyết phục nên người dân dễ sập bẫy. Nhưng điều mấu chốt là sự cả tin của các nạn nhân. Chỉ qua vài cuộc điện thoại, vài lần trò chuyện qua mạng xã hội, người dân đã vội tin và sẵn sàng chuyển cho họ hàng trăm triệu đồng.
Trong khi không nắm được bất cứ thông tin chính xác nào về nhân thân cũng như nơi ở của đối tượng. Đến khi mất tiền, không biết tìm ai, gặp ai để đòi, các nạn nhân mới đến trình báo cơ quan Công an.
Qua đấu tranh, đối tượng Trần Đình Nam còn khai rằng, việc chiếm đoạt tài khoản facebook khá dễ dàng. Bởi, nhiều người sử dụng facebook thường có thói quen đặt mật khẩu là số điện thoại, ngày tháng năm sinh của cá nhân hoặc những người thân trong gia đình. Trong khi đó, những thông tin cá nhân cần được bảo mật này lại được đăng công khai trên facebook của người sử dụng.
Trước khi tiến hành hack nick của một ai đó, các đối tượng thường tìm hiểu những thông tin này, tìm ra mối quan hệ gia đình của họ thông qua ảnh, status, comment... đăng công khai trên trang facebook cá nhân, từ đó nhặt ra các thông tin cần thiết phục vụ việc "dò" mật khẩu.
Về vấn đề lừa đảo qua mạng này, Đại tá Vũ Hồng Sơn, Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định cho biết: Để đấu tranh, ngoài giải pháp về công nghệ thì việc người dân tự phát hiện và báo cho cơ quan công an ngay là rất quan trọng. Khi người dân phát hiện và trình báo kịp thời, cơ quan Công an sẽ phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài khoản, khi ấy khả năng thu hồi lại tiền sẽ rất cao.
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nam Định cho biết: đơn vị đang tập trung cao độ để điều tra xác minh, làm rõ các vụ lừa tiền qua facebook, mạng điện thoại viễn thông cũng như chiêu thức nhắn tin trúng thưởng. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần phải cảnh giác, thận trọng với các thông tin trao đổi qua mạng xã hội có liên quan đến chuyển tiền hay nạp thẻ cào qua mạng hoặc các cuộc điện thoại thông báo đòi tiền không hợp lý.
Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc dẫn dụ nào, nên khôn khéo tìm hiểu xem đối tượng cần gì, muốn gì để thông báo ngay đến cơ quan công an cùng phối hợp giải quyết; không nên tự giải quyết vì sẽ sập bẫy hành vi lừa đảo của tội phạm. Với những người sử dụng mạng xã hội facebook cần hạn chế công khai thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, nhất là cần đặt mật khẩu có độ khó cao.