"Thánh" trộm

Thứ Tư, 23/12/2020, 07:58
Nhiều tay móc túi (trộm cướp hoặc gian lận) vẫn núp sau mặt nạ người tử tế để che giấu hành vi phạm pháp của mình. Trong thế kỷ XX, châu Âu có một tay như thế ở thành phố Venice, Italy - đó là "tay trộm cắp lịch lãm" Vincenzo Pipino, được ví như anh hùng truyền thuyết tại quần đảo Anh Robin Hood lấy của người giàu phát cho người nghèo.


Một con người từ bé đã quen thói trộm cắp, trước hết là để nuôi sống gia đình, sau đó để làm từ thiện cho những người nghèo khó, với những luật không suy suyển đặt ra và những hành vi hình sự khôn khéo, hắn đã khiến cả cảnh sát, cả mafia trầm trồ: Hắn còn trộm gọn cả báu vật quốc gia ở Dinh Tổng trấn cơ mà! Nhưng rồi cuối đời, hắn cũng rơi vào nhà ngục…

Người anh lớn

Vincenzo Pipino sinh ngày 22-7-1943 tại Venice, là con cả trong một gia đình rất nghèo khó. Sau  chiến tranh thế giới thứ hai, bố mẹ hầu như chỉ để ý đến bốn đứa con sinh sau, bỏ mặc cậu con trai lớn lên theo tự nhiên. Pipino lên 6, mới học cấp tiểu học đã chứng tỏ lòng yêu công lý, rất bất bình khi thấy con cái nhà nghèo phải ngồi những chỗ xấu nhất trong lớp. Cực điểm là khi tay con trai một chủ hiệu thuốc mang đến lớp một giỏ quà mà mình đang đói, bèn hỏi xin, cậu kia nhìn khinh khỉnh, thả quả táo xuống sàn bảo cậu nhặt. Pipino bèn xông tới đấm cho con nhà giàu một trận. Nhà trường không những đuổi học mà còn bắt cậu phải vào bệnh viện tâm thần điều trị. May mà mẹ kịp tìm việc làm cho cậu…

Vincenzo Pipino.

8 tuổi, Vincenzo Pipino là người giúp việc cho ban tang lễ của nhà thờ Santa Maria Formosa, nhiệm vụ là thay quần áo cho người quá cố, về sau làm ở tiệm bánh. Vào khoảng thời gian đó, do đói bụng, thỉnh thoảng cậu ăn vụng bánh quy, ít lâu sau thì ăn trộm bánh pastry của nhà hàng mang ra quảng trường San Marco. Có lần cậu bị cảnh sát bắt mang về đồn đánh đập khi bị phát hiện đang định bán thùng dầu ăn 50 lít.

Khi đã lớn tuổi, trong cuộc trò chuyện với tờ báo hằng ngày của Italy Il Giornale, Vincenzo Pipino so sánh những tội lỗi thời còn trẻ của mình với bản năng của loài động vật hoang dã. Chúng không bao giờ để bị tóm sống, bởi vì chúng hành động theo chỉ đạo của tự nhiên. "Vậy thì tôi có lỗi gì khi tay chân luôn ngứa ngáy?".

Để nuôi sống bản thân và gia đình, Vincenzo Pipino ăn cắp rất tài, chủ yếu của những người giàu có hay đến nhà hàng ngồi ở ngoài trời. Trong vòng vài năm cậu đã "thành thạo nghề móc túi" kể cả ban đêm. Thằng em trai Alfredo cũng nổi tiếng nhanh mắt nhanh tay nhưng sử dụng tài năng vào lĩnh vực khác, trở thành nhà ảo thuật, thỉnh thoảng lại mách anh một số mẹo của "nghề". Alfredo nói: "Tôi sinh ra để làm nhà ảo thuật, còn Vincenzo Pipino sinh ra để làm tay ăn cắp". Sau mấy chục năm hành nghề trong Hội Giao thông vận tải, anh ta dồn tiền vào mở Câu lạc bộ Các nhà ảo thuật. Hai anh em rất thân nhau nên đầu thập niên 1980  Alfredo đã phải vào tù sau một vụ trộm của người anh và bị cảnh sát nghi là có trợ giúp cho Vincenzo Pipino.

Bố mẹ, nhất là bà mẹ, cực kỳ không hài lòng với con đường Vincenzo Pipino đã chọn và lợi dụng sự tin cậy của con muốn ngăn con khỏi cuộc sống phi pháp. Bà bịa ra câu chuyện có người phụ nữ chết trong cầu thang nhà mình, hương hồn vẫn sống và theo dõi những đứa trẻ không về nhà đúng hẹn, điều đó dẫn tới việc Vincenzo Pipino rất sợ bóng tối và ma. Khi ấy cậu đang hoàn thiện tài nghệ của mình để có thể trộm cắp nhiều hơn lúc trời còn sáng, sau đó học cách đột nhập vào nhà bố mẹ bằng cách trèo tường, vượt qua chiếc cầu thang và "con ma". 15 tuổi cậu đã có thể trèo lên cao bám vào tường gạch để kiểm tra độ bền vững…

Luật riêng

Còn trẻ, mỗi khi rạp Malibran ở Venice có chiếu phim hay, Vincenzo Pipino đã biết trèo vượt tường, chui qua cửa sổ tầng hai, mở lối cho trẻ con vào rạp với "giá vé" nho nhỏ, vì thiếu cậu thì bọn trẻ trong phố chẳng bao giờ được xem phim. Vincenzo Pipino có nguyên tắc đạo đức nghiêm ngặt của mình: không gây phá hoại cho kinh tế của thành phố Venice ruột thịt, không gây bất tiện đặc biệt cho các nạn nhân, trước khi ăn cắp phải xem xét rất kỹ con mồi có phải người nghèo hay không. Trộm được những tác phẩm nghệ thuật, Vincenzo Pipino có thể vô tư trả lại hoặc đề nghị khổ chủ chuộc lại.

Dinh Tổng trấn ở Venice.

Trong luật của mình không có chỗ cho trả thù và bạo lực, nên đồng bọn thường không hiểu. Tay Claudio có một thời gian dài làm việc với Vincenzo Pipino kể lại: "Ông ta đã ngăn mình trộm những thứ vô bổ, ví dụ không lấy bộ bút mực bằng vàng, nhưng bộ đồ ăn bằng bạc thì ông ta rất thích. Trộm xong, ông ta giữ ngăn nắp, không để lại xáo trộn nào - ví dụ lấy một lọ đựng đường trên bàn ăn thì để đường lại. Ông ta không bao giờ lấy những đồ quý giá nhưng sứt mẻ để khỏi gây phiền hà cho thợ thủ công mất công sửa chữa. Ông ta chỉ có yếu điểm duy nhất là những quần áo hàng hiệu, không thể từ chối chiếc áo len đắt tiền trong tủ áo một nhà giàu ở Venice".

Thường là tay trộm này làm theo hợp đồng của những nhà giàu, cũng như các nạn nhân của hắn, để khoe nhà mình giàu có. Trong đời, Vincenzo Pipino đã tiến hành hơn 3.000 vụ trộm, phần lớn là ở chính trái tim của thành phố cổ kính, tại trung tâm thương mại - giải trí San Marco và vùng Kênh Lớn ở Venice. Không hiếm khi cảnh sát Venice đánh giá những vụ trộm của Vincenzo Pipino như một cách khoe mẽ của những nhà giàu trong thành phố: hắn đã nhằm vào một tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ cổ của nhà nào, có nghĩa nhà nấy có thị hiếu khá. Dẫu vẫn cứ phải tìm bắt, nhưng nhiều cảnh sát viên cũng có cảm tình với tay trộm thiên về những việc thiện này.

Tiêu biểu là nhà điều tra Antonio Palmosi: ông ta thích uống cà phê cùng với Vincenzo Pipino để trêu đùa thân mật mà vẫn không bắt được quả tang anh bạn lần nào. Hắn cũng giữ luật: cứ sau một vài vụ trộm ầm ĩ lại đi gặp Palmosi một lần để tình nguyện trả lại một số đồ vật mà hắn gọi là "làm nghĩa vụ công dân" và nhận về một vài ưu đãi - ví dụ một bến đậu thuyền thuận tiện để đổi lấy đồ vật thừa kế của một gia đình danh giá. Vicenzo Pipino biết chính xác rằng nếu như mình bị tóm thì không mong được những người bạn hôm qua nhẹ tay.

Mặc dầu vậy, hàng trăm đơn kiện ở đồn vẫn dẫn đến án tù bằng thật: Vincenzo Pipino bị kết án khoảng 15 lần tại những thành phố châu Âu khác nhau với hơn 25 năm tù. Từ nhà tù Thụy Sĩ, hắn trốn được - đấy là nhà tù được tù nhân xây từ cuối thế kỷ XIX để nhốt những đối tượng nguy hiểm. Giám đốc nhà tù bảo Vincenzo Pipino: "Ngài muốn trốn ư, tôi khuyên ngài hãy chắp đôi cánh như chim ấy", và trỏ tay vào con chim yến trong lồng. Hắn kiếm được chìa khóa tay đấm khách sạn Ermitage ở Monte-Carlo,  giấu dao găm dưới đế giày ủng và thoát được ra ngoài, để lại mảnh giấy cho giám đốc: "Ngài thấy đấy, tôi về Venice đây, xuyên qua tường mà không cần cánh của loài chim yến"…

Mafia

Tay trộm chỉ gặp mối quan hệ tồi tệ với mafia địa phương là gia đình Mala del Brenta. Nhận thấy đó là người thông minh, Felice Maniero nổi tiếng với biệt danh "Gương mặt Thiên thần" quyết buộc hắn cộng tác. Từ chối hợp tác với con người uy lực như thế thực là ngang với án tử. Còn Vincenzo Pipino thì tin rằng sẽ tạo được thế cân bằng tinh tế giữa bọn mafia, cảnh sát với cánh nhà giàu ở Venice. Chứ thường thường, sau khi thỏa thuận giá cả, cảnh sát sẽ anh dũng cứu nạn nhân vụ cướp, người giàu thì được tiếng là bị tay trộm lừng danh ăn cắp, còn hắn thì kiếm sống được và còn giúp đỡ người nghèo.

Maniero lâm vào tình thế khó xử: một người em giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu mafia đã bị cảnh sát tóm mà bỏ tiền chuộc không được, nên y quyết định dùng cách khác: ăn cắp một báu vật quốc gia cực quý để đánh đổi lấy người em. Những người mang vũ trang của Maniero có thể giết chết du khách giữa thanh thiên bạch nhật khi họ làm hỏng hiện vật bảo tàng mà thành phố chẳng làm được gì cơ mà. Y đòi Vincenzo Pipino phải tổ chức cuộc tấn công nhà bảo tàng. Sau hai ngày suy nghĩ, Pipino thông báo đã có kế hoạch bí mật nhưng không chia sẻ được và thỏa thuận để hắn tiến hành "phi vụ" một mình như kẻ phạm tội độc lập, chỉ khuyên người của Maniero ngồi nhà đọc báo thôi. Đấy là tội phạm lạ lùng nhất xảy ra ở Bắc Italy.

Bức tranh Madonna col Bambino.

Tội phạm thế kỷ

Ngày 9-10-1991, Vincenzo Pipino đứng xếp hàng cùng đoàn du khách trước cổng vào Palazzo Ducale (Dinh Tổng trấn), nơi cho đến ngày hôm nay vẫn là danh lam thắng cảnh quan trọng nhất của thành phố và luôn luôn thu hút du khách. Vào dinh, hắn chỉ tách khỏi đoàn từ chỗ cầu Than thở nằm giữa Dinh Tổng trấn và nhà giam cũ trong thành phố Venice, tương truyền là nơi tử tù đứng lần cuối nhìn trời qua cửa sổ. Hắn cố gạt đi nỗi sợ ma và bóng tối thuở nhỏ vì trong phòng tịnh không ánh sáng.

Nghe bước chân đi, Vincenzo Pipino đếm thấy cứ đều đều 45 phút thì bảo vệ mới một lần vòng lại. Vào khoảng 2 giờ đêm, hắn mở phòng giam ra khỏi nhà tù, qua cầu trở về dinh, vào căn phòng gọi là Sala di Censori có treo bức chân dung người đàn ông mặc áo đỏ của quan lại. Trung tâm của phòng trưng bày bức tranh Madonna col bambino do đại biểu trường phái của họa sĩ Antonio Vivarini vẽ hồi đầu thế kỷ XV, giá rất cao, là biểu tượng uy lực của nhà nước Venice, là công cụ lý tưởng để Maniero tiến hành thỏa thuận. Theo lời một chuyên gia hội họa Italy thì việc ăn cắp một hiện vật như thế ở Venice chẳng khác nào sự kiện công bố Hiến pháp Mỹ tại Điện Capitol.

Bức tranh treo trên cửa ra vào, ở tầm cao cách mặt sàn hơn 4 mét. Vincenzo Pipino kẹp con dao mổ giữa các kẽ tay, miệng ngậm đèn pin, bước lên ghế, với tay đến đường phào, nhưng phào bị gãy, hắn ngã xuống giữa lúc có tiếng chân người bảo vệ trở về. Hắn đành phải trở lại cầu nép mình, cũng may, người bảo vệ nhà bảo tàng đi qua phía đối diện với cầu không nhận ra hắn. Vincenzo Pipino vẫn còn 45 phút nữa, hắn lấy ở tủ chiếc thang, cẩn thận cắt bức tranh, mang đi qua cầu thang, ra ngoài bằng lối cửa ngách.

Ngày hôm sau, thành phố Venice tỉnh giấc với tin khủng khiếp: đã mất tranh Madonna, nghĩa là chính quyền Venice bị lung lay. Nhưng tay trộm lần này để lại dấu giày trên ghế bên cửa ra vào bảo tàng. Sĩ quan Palmosi đòi đem ngay Pipino đến gặp. Hắn đã biết từ báo ra buổi sáng nên kịp quẳng giày xuống kênh.

Tin nhanh cho biết trước đó người của Maniero gây ra một vụ cướp ở thành phố lâu đời Padova: chúng xông vào nhà tù sở tại, đập phá bộ quách chứa di hài của thánh Antony và mang bộ xương hàm đi đâu không biết.

Hai sự việc có thể trở thành cái tát cho nhà thờ và nhà nước, và Vincenzo Pipino thấy mình bị phản bội. Cũng như nhiều đồng bào Italy, hắn rất mộ đạo, không thích những vụ trộm cắp ly kỳ của mình liên quan đến việc tấn công nhà thờ. Nghĩ ra kế hoạch hành động đơn độc, hắn tưởng kiềm chế được bạo lực, nhưng việc không thành. Nhà điều tra Palmosi là người thô bạo và nghiêm khắc nên quát mắng và hăm dọa Vincenzo Pipino. Hắn thề là Madonna sẽ trở về chỗ cũ sau 20 ngày.

Những sự việc tiếp theo không được biết đến. Năm 2010 Vincenzo Pipino in một cuốn sách kể rằng mình có lên kế hoạch trả lại bức tranh từ trước khi ăn trộm, nhưng thông tin này không thể kiểm chứng, nó có vẻ muốn thanh toán với quá khứ vậy. Cũng không biết được tại sao trong một thời gian dài tay trộm khăng khăng rằng sau khi bức tranh biến mất thì hắn đi nghỉ ở Seychelles, nhưng con dấu trên hộ chiếu của hắn lại chứng minh hắn chỉ ở quần đảo đó sau chừng 4,5 tháng.

Còn một giả thuyết nữa nói rằng Vincenzo Pipino có đến thăm Maniero và hỏi cặn kẽ xem y giấu bức tranh ở đâu. Maniero bảo để trong kho nuôi thú cưng. Vincenzo Pipino đã thuê chép đúng bức tranh Madonna, lọt vào kho của tay mafia để thay thế. Thú cưng là bầy hổ lớn. Giả thuyết này có vẻ hoang đường, nếu như hàng xóm của Maniero về sau không nhớ, thì tay mafia nuôi chơi và đặt tên chúng là Romeo và Juliet.

Vincenzo Pipino hồi trẻ.

Bất luận thế nào thì mỗi giả thuyết đều bênh hoặc Vincenzo Pipino, hoặc cảnh sát, chỉ biết đích xác là ngày 7-11-1991 cảnh sát thông báo rằng Madonna đã được trả lại bằng một cách nào đó. Maniero thì khẳng định đã đổi được bộ xương hàm của thánh Antony lấy tự do cho người em. Còn Vincenzo Pipino thì vĩnh viễn cắt đứt liên hệ với mafia, không chống lại luật riêng của mình nữa.

Năm sau, theo cuốn hồi ký đó, một người tên là Valerio đề nghị Vincenzo Pipino 200 triệu lir để đổi lấy bức tranh của họa sĩ Italy thời kỳ Phục hưng Giovanni Bellini từ Bảo tàng Civico Correr. Ban đầu hắn nghĩ đây là phi vụ cuối cùng làm theo đơn đặt hàng, nhưng cũng muốn hỏi lại là làm với ai. Người kia trả lời người đặt hàng có biệt danh là Arkan và là Chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá ở Beograd. "Arkan là biệt danh của Željko Ražnatovi đang bị Liên Hợp Quốc truy nã về tội chống nhân loại trong thời chiến tranh ở nước Nam Tư cũ". "Tay đồ tể như thế mà lấy lại Bennili ở Venice à!".- Tôi bảo người môi giới: "tôi cần điện ngay và đi gọi 113", - Vincenzo Pipino kể.

Tay trộm cắp thành Venice biết rằng sẽ trải phần lớn cuộc đời ở trong tù và chính ở đó thấy những biểu hiện xấu xa nhất của con người, đặc biệt là từ phía những người cai ngục. Một số bạn tù đã chết vì nhục hình, cho nên hắn coi số phận mình chưa phải xấu nhất.

Sự nghiệp xuống dốc

Sau lần trộm tranh Madonna, Vincenzo Pipino xuống dốc hẳn. Cảnh sát bắt hắn ở lĩnh vực tội phạm khác -  năm 1992, tại ga Termini ở Roma với 3,5 gramm ma túy trong người và nghi hắn tiêu thụ heroin giữa Venice và Roma. Vincenzo Pipino phủ định không tham gia đường dây đó, thậm chí giai đoạn cuối 8 tháng hạn tù còn khẳng định: "Tôi là tay trộm cắp tử tế, chứ không phải buôn bán ma túy".

Đầu thập niên 2000, ở Venice bùng nổ nạn ma túy, số người dùng quá liều phạm tội tăng mạnh và Vincenzo Pipino lại nằm trong sự chú ý của cảnh sát sở tại, lại bị bắt. Kết quả chiến dịch đặc biệt "Đội cận vệ già 2010", các nhà bảo vệ pháp luật đã giữ được một số bưu kiện chứa chất cấm chuyển từ Roma đến Venice. Để làm việc đó cảnh sát mất thời gian dài chiếm đoạt cuộc gọi từ những trạm bưu điện công cộng.

Mùa xuân 2013, tòa Venice kết án Vincenzo Pipino 11 năm tù vì tội tham gia đường dây ma túy. Hắn muốn kêu oan nhưng bị bác bỏ. Hiện giờ, tay trộm lịch lãm này gần tuổi 80 vẫn tiếp tục kêu oan.

Song song với phiên tòa xử vụ buôn bán ma túy còn có vụ ầm ĩ liên quan đến trộm thẻ tín dụng. Vụ này thì Vincenzo Pipino cấm cãi: Từ năm 2008 hắn đã nhiều lần bị bắt quả tang, nhóm 20 tên dưới sự lãnh đạo của hắn (thấy báo là có cả em trai hắn cũng tham gia) trộm dữ liệu thẻ tín dụng của nhiều du khách Venice, lấy được tiền rồi chúng tiêu xài xa xỉ và chơi sòng bạc. Nhiều vụ khác, với những tình tiết khác nhau, đã xảy ra trong những năm 2008, 2011 và 2013. Lần đầu tiên hắn bị 1 năm 3 tháng tù giam, lần cuối cùng - cấm không được ra khỏi lãnh thổ thành Venice. Có lẽ tòa đã chấp nhận quyết định không dùng tổng hình phạt về các tội gian lận và buôn bán ma túy.

Năm 2010, Vincenzo Pipino tuyên bố: "Số phận của tôi là chết ở trong tù". Từ bấy, hắn viết sách, cuốn 1 có tên "Ăn cắp của người giàu không phải là tội", cuốn 2 - "Hồi ức của một tay trộm cướp là triết gia: khi ăn trộm trở thành nghệ thuật". Cho đến bây giờ, hắn vẫn không hề thấy tội lỗi và mâu thuẫn gì trong những hành động của mình, hơn thế nữa, hắn tin mình không bao giờ vi phạm điều cấm thứ 8. Theo lời hắn, thì hắn lấy của người giàu để từ thiện cho người nghèo, mình chỉ kiếm công chút xíu. "Trong sự nghiệp của mình, nếu tôi chỉ lấy 1% từ những gì tôi hiến cho người nghèo thì tôi cũng đủ giàu rồi", - hắn kết luận như thế.

Đăng Bẩy (theo lenta.ru)
.
.
.