Tại sao Bình Nhưỡng chạy đua vũ khí?
- “Khẩu chiến” giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên
- Triều Tiên doạ tấn công đảo Guam của Mỹ
- Phớt lờ Trung Quốc, Mỹ-Hàn chơi rắn với Triều Tiên1
- Triều Tiên dựa vào đâu để đương đầu cấm vận?
Câu hỏi đặt ra: Tại sao với một nền kinh tế yếu kém, Bình Nhưỡng không dồn nguồn lực cho cải thiện hạ tầng kinh tế mà lại đi phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đầy tốn kém?
20% GDP
Ngày 28-7 vừa qua, CHDCND Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ 2 trong tháng. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá tên lửa này có tầm bay đến một số thành phố của Mỹ như Los Angeles, trong khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định “toàn bộ lãnh thổ Mỹ” đều nằm trong tầm bắn của Bình Nhưỡng.
Tên lửa ICBM mới nhất chính là hiện thực hóa chính sách “Vũ khí trước tiên” của Triều Tiên. Năm 2012, khi mới lên nắm quyền lãnh đạo, Kim Jong-un đã nói, “ưu tiên thứ nhất, thứ hai, thứ ba của Triều Tiên đều là phát triển quân đội”, cụ thể là “công nghệ vũ khí”, theo New York Times.
Tên lửa liên lục địa thứ 2 của CHDCND Triều Tiên, Hwasong-14. |
Trên thực tế, trong suốt thời gian dài, Triều Tiên dành ít nhất 20% GDP cho quân sự. Nhà nghiên cứu Arnold Fang của Amnesty International nói: “Chúng tôi biết Triều Tiên có thể đã chi 22% GDP cho chi tiêu quân sự. Với tỷ lệ cao như vậy, rất nhiều chi tiêu cho xã hội phải rút bớt”, theo News.com.au.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) đưa ra báo cáo năm 2011 cho biết, Triều Tiên chi khoảng 8 tỷ USD cho quân sự hàng năm, chiếm đến 1/3 GDP của nước này. Với gánh nặng chi phí quân sự như vậy, dù Triều Tiên có phát triển được vũ khí tân tiến đến đâu thì đất nước này cũng khó thể hưởng lợi.
Chiến lược khó hiểu
Giới quan sát quốc tế tin rằng Triều Tiên đẩy mạnh phát triển vũ khí nhằm giải quyết 2 vấn đề lớn nhất của đất nước: sự yếu kém về quân sự và kinh tế. Nhưng trên thực tế, vũ khí làm cho cả 2 vấn đề trở nên tồi tệ hơn vì gia tăng nguy cơ chiến tranh và các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Vậy, thực ra điều gì đang thúc đẩy hành động của Bình Nhưỡng? Những đánh giá ban đầu cho rằng do giới lãnh đạo Bình Nhưỡng bị trói buộc vào một thứ ý thức hệ méo mó. Tuy nhiên, gần đây hầu như các chuyên gia đã bác bỏ những lời giải thích đó. Và với mỗi lần nước này thử tên lửa, chiến lược của Bình Nhưỡng ngày càng được nhìn rõ hơn.
Bình Nhưỡng đã không ngừng nói rằng mục tiêu của họ là buộc thế giới phải chấp nhận Triều Tiên như một thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế, và cuối cùng là hòa giải với Mỹ và Hàn Quốc theo các điều khoản do Bình Nhưỡng đưa ra. Và với những hành động ngày một kiên quyết của Bình Nhưỡng, các nhà phân tích ngày càng coi trọng tuyên bố này.
CHDCND Triều Tiên cho rằng với việc liên tục phát triển vũ khí, một ngày không xa Mỹ sẽ phải thừa nhận sức mạnh của họ và không dám duy trì sức ép lên Bình Nhưỡng như hiện nay. Thay vào đó, Washington buộc phải bãi bỏ các lệnh trừng phạt và thu hồi một số hoặc toàn bộ lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc.
Và sau khi đã được thế giới chấp nhận, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được chào đón ở các thủ đô nước ngoài và tại Liên Hợp Quốc. Chương trình nghị sự chính trị này đã từng bị bác bỏ giống như tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng hành động của Triều Tiên cho thấy họ rất quyết tâm.
Học theo Trung Quốc
Để hiểu chiến lược của Triều Tiên, có lẽ nên nhìn sang một đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng: Trung Quốc.
Khi Mao Trạch Đông xây dựng nước CHND Trung Hoa vào những năm 50 thế kỷ trước, cộng đồng quốc tế rất xem thường Trung Quốc và nước này cũng bị Mỹ cô lập và đe dọa. Tuy nhiên, đến những năm 1960, Trung Quốc đã vươn lên thành một nước hạt nhân. Chính vì điều này, tình hình đã thay đổi: Từ thập kỷ 70, Trung Quốc trở thành một thành viên được chấp nhận của cộng đồng quốc tế, được cả những kẻ thù trước đây chấp nhận.
Mỹ và Hàn Quốc vừa tập trận chung hôm 30-7. |
CHDCND Triều Tiên dường như đang cố lặp lại tiến trình đó. Một chương trình hạt nhân có thể đe dọa Mỹ, khiến các nước khác không dám gây chiến tranh với mình. Đó là bước một, và bước hai, với các cuộc thử tên lửa vào mùa hè này, khiến Mỹ và các nước không ngớt lo sợ bị Bình Nhưỡng tấn công.
Không thể tấn công, trong khi có thể bị tấn công bất cứ lúc nào, đó là tình thế Bình Nhưỡng muốn dồn Mỹ vào. Và để giải quyết thế bí này chỉ có một cách: đáp ứng tất cả yêu sách của Bình Nhưỡng.
Joshua H. Pollack, biên tập viên tờ The Nonproliferation Review, nhìn nhận: "Bạn có thể thấy qua ngôn ngữ và cách tiếp cận của Bình Nhưỡng rằng họ đang học theo tất cả những điều đã xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ trước đây".
Cụ thể, Triều Tiên thường xuyên trao đổi các phái viên cấp cao với Mỹ và thậm chí là ngoại giao thể thao. Harlem Globetrotters đã đến Triều Tiên vào năm 2013; Dennis Rodman đã thực hiện nhiều chuyến đi. Những hoạt động tiếp cận này, mặc dù được coi là không có ý nghĩa hoặc lập dị, nhưng xuất phát từ cách tiếp cận của Bắc Kinh cách đây nửa thế kỷ, với cái gọi là “ngoại giao bóng bàn” rất nổi tiếng.
Mặc dù hiện nay khó có thể tưởng tượng chuyện một tổng thống Mỹ đang bay đến Bình Nhưỡng để bắt tay ông Un và bình thường hóa quan hệ. Nhưng trong những năm 1960, người ta cũng không tưởng tượng nổi những chuyến đi Bắc Kinh của Tổng thống Richard M. Nixon năm 1972.
Theo John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei, Seoul: "Chìa khóa để hiểu được chiến lược dài hạn của Kim Jong-un có liên quan đến 'byungjin”. Byungjin, hay tương đương, là chính sách của ông Un về phát triển nền kinh tế cùng với chương trình hạt nhân.
Ông Delury nói: "Theo quan điểm của ông Un, Bình Nhưỡng có thể học tập mô hình Trung Quốc để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và sau đó là các nước khác. Chỉ khi đó, nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên mới có cơ hội để bắt kịp với người anh em phía Nam và lãnh đạo Bình Nhưỡng được chấp nhận ở nước ngoài, như vậy Triều Tiên có thể cảm thấy an toàn”.
Mỹ mất kiên nhẫn?
Ngày 28-7 vừa qua, theo sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án: “Bình Nhưỡng đe dọa thế giới. Các vũ khí và các vụ thử tên lửa sẽ khiến Triều Tiên bị cô lập hơn nữa, làm suy yếu nền kinh tế và khiến người dân túng quẫn”.
Theo Hãng tin Kyodo của Nhật Bản, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét việc đề xuất biện pháp trừng phạt là đóng băng tài sản của ông Kim Jong-un, nhưng không rõ những tài sản nào sẽ nằm trong danh sách đen này. Đáp lại, theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng cảnh báo “sẽ thực hiện một hành động công lý cứng rắn” nếu Mỹ tìm cách áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm trả đũa vụ thử ICBM mới nhất của Bình Nhưỡng.
Trong diễn biến mới nhất sau vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Mỹ đã điều máy bay ném bom đến bán đảo Triều Tiên. "Triều Tiên vẫn là mối đe dọa cấp bách nhất đối với ổn định khu vực. Chúng tôi sẵn sàng phản ứng bằng sức mạnh áp đảo, nhanh chóng và chết chóc với thời gian và địa điểm do chúng tôi chọn", Chỉ huy Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương Terrence J. O'Shaughnessy, cho biết.
Đáp lại, KCNA dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói: “Nếu Mỹ tiếp tục chủ nghĩa phiêu lưu quân sự và mưu đồ trừng phạt quyết liệt nhằm vào chúng ta, chúng ta sẽ đáp trả bằng hành động công lý cứng rắn như chúng ta đã từng tuyên bố”.