Pháp mời chuyên gia công nghệ tham gia bảo vệ bầu cử
Mục đích chính của kế hoạch này, như tiết lộ của giới chức an ninh Pháp là để ngăn cản sự xâm nhập trái phép của các hacker hoặc rò rỉ email như những gì đã xảy ra trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Từ đó, kế hoạch này cũng sẽ giúp đỡ các ứng viên Tổng thống của đảng Xã hội, đảng Bảo thủ và các đảng khác trước nguy cơ bị tấn công.
Cơ quan an ninh công nghệ lớn nhất của Pháp được biết đến dưới tên gọi ANSSI đã được mời tham gia giám sát và bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử. Được thành lập từ năm 2009, cơ quan này có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hệ thống liên lạc chính phủ và các ngành công nghiệp trọng điểm, chống lại nguy cơ bị tấn công mạng. Và lần này, ANSSI sẽ đứng ra chiêu mộ các chuyên gia công nghệ hàng đầu đang làm việc tại các hãng công nghệ lớn ở Pháp để tham gia công tác bảo mật và an ninh.
Một quan chức chính phủ Pháp khi trả lời phỏng vấn hãng AP cho biết, việc này đã được chính phủ quyết và đang được tiến hành một cách gấp rút. Pháp sẽ phải nỗ lực hết mình để không xảy ra bất kỳ một sự cố nào về an ninh mạng liên quan đến bầu cử.
Cũng theo vị quan chức này thì người đứng đầu Ủy ban thư ký về quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp Louis Gautier hồi cuối tháng 10 năm 2016 đã gửi một bức thư tới các đảng chính trị, các chính trị gia và lãnh đạo một số phong trào lớn trong Quốc hội, đề nghị họ cử đại diện cấp cao tới làm việc tại Cơ quan an ninh mạng của quốc gia để tìm hiểu cách thức bảo mật mới trong mùa bầu cử.
Pháp đang gia tăng hoạt động an ninh trong lĩnh vực mạng. |
Trong khi đó, Giám đốc ANSSI Guilaume Poupard cho biết, mối lo ngại về tấn công mạng trong mùa bầu cử ở Pháp ngày càng gia tăng nhất là khi người đứng đầu cơ quan tình báo Anh MI6 hồi giữa tháng 12 năm 2016 cảnh báo rằng, nhiều nhóm hacker đang lên kế hoạch tấn công mạng tại châu Âu, còn cơ quan tình báo nước ngoài của Đức thì khẳng định rằng, các cuộc tấn công mạng sẽ gây bất ổn chính trị tại Pháp nói riêng và trên toàn châu Âu nói chung.
Trong bức thư gửi đến hãng Bloomberg, ông Guilaume Poupard viết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng vào Pháp. Tôi có thể khẳng định nhóm tấn công mạng đang hoạt động mạnh và không loại trừ vào Pháp. Chúng ta đã chứng kiến vụ tấn công mạng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 27-10- 2016 và cần phải rút kinh nghiệm trong bầu cử Tổng thống Pháp lần này".
Cũng theo lời ông Guilaume Poupard thì tấn công mạng không có nghĩa là làm hệ thống bầu cử không hoạt động mà nó có thể là cách thức làm rò rỉ các thông tin mật hoặc làm sai lệch các kết quả thăm dò dư luận, tạo nên những ý kiến nhiều chiều đối lập hoặc thay đổi thứ hạng trong các bảng xếp hạng truyền thông.
Được biết, trong cuộc chạy đua vào Điện Elysee năm 2017 có 12 ứng cử viên sáng giá trong đó có cựu Thủ tướng Manuel Valls. Để hỗ trợ cho ANSSI trong công tác quản lý và thăm dò, xử lý kịp thời các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra trong thời điểm bầu cử, Pháp còn thành lập riêng một đội quân không gian mạng quốc gia mang tên Cybercom với nhiệm vụ chống tin tặc nước ngoài. Đơn vị này bắt đầu hoạt động từ tháng 1 -2017 với đội ngũ gần 3.000 chuyên gia.
Tờ Les Echos của Pháp cho biết, Cybercom có 3 nhiệm vụ: thu thập thông tin tình báo, bảo vệ mạng máy tính quốc phòng và chính phủ và cuối cùng là vô hiệu hóa các phương tiện của đối phương. Các kỹ sư Cybercom sẽ được đào tạo đặc biệt để theo dõi hacker nước ngoài và tìm ra danh tính của chúng, thậm chí còn có khả năng xâm phạm các mạng quân sự nước khác và truy cập vào các hệ thống để chống lại chính nước đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, một chiến trường mới, đó là chiến trường điện tử và chính điều này đã khiến nước Pháp phải cân nhắc lại cách tiếp cận nghệ thuật chiến tranh. Bảo vệ an ninh mạng cho cuộc bầu cử Tổng thống là thử thách đầu tiên và cũng khá nặng nề đối với lực lượng mới này.