Hết bầu cử Mỹ, lại đến Brexit

Thứ Hai, 19/12/2016, 09:41
Trong khi dư luận về việc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ cáo buộc Nga đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ giúp ông Donald Trump đắc cử chưa kịp lắng xuống, Moskva lại tiếp tục bị đổ vấy cho là đã tấn công mạng làm sai lệch kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu ÂU (EU), còn gọi là Brexit, diễn ra hồi tháng 6 vừa qua dẫn đến kết quả gây sốc là chiến thắng của phong trào ủng hộ Brexit.

Thượng nghị sĩ Ben Bradshaw của Công đảng Anh, nguyên Bộ trưởng Văn hóa nước này và là người không ủng hộ Brexit, cáo buộc rằng: “Những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể đạt được về mặt quân sự, ông ấy sẽ dùng không gian mạng và tuyên truyền. Họ có thể đã can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý của chúng ta. Dù không có bằng chứng cho điều này nhưng tôi nghĩ rất có thể nó đã xảy ra”. 

Vị nghị sĩ này còn phán đoán “các tin tặc được Moskva hỗ trợ” có khả năng làm sai lệch kết quả cuộc bỏ phiếu. 

Dinh Thủ tướng Anh đã ngay lập tức ra tuyên bố không ủng hộ cáo buộc này của Nghị sĩ Bradshaw, nhấn mạnh rằng họ “không thấy bất cứ bằng chứng nào về việc Nga thực hiện một cuộc tấn công mạng nhằm vào cuộc trưng cầu dân ý. Đó (cuộc trưng cầu dân ý - PV) là một cuộc bỏ phiếu rất rõ ràng và nhân dân Anh muốn rời khỏi EU”. 

Sau vụ bầu cử Mỹ, Nga lại bị cáo buộc làm sai lệch kết quả trưng cầu dân ý về Brexit.

Ý kiến của ông Bradshaw cũng không nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện Anh và vấp phải sự chỉ trích của những nghị sĩ bảo thủ - những người ủng hộ Brexit. 

Nghị sĩ Michael Tomlinson cho rằng: “Ông ấy đang nói đùa hoặc đây là tuyên bố điên rồ của một người không muốn chấp nhận ý chí của nhân dân”. Trong khi đó, đối thủ thuộc đảng Bảo thủ đã chế giễu ông Bradshaw và gọi những phát biểu của ông “xứng với tờ báo tuyên truyền”. 

Một nghị sĩ khác nói rằng, kiểu công kích Nga như vậy làm liên tưởng tới những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh. Về phía Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin và cũng là Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng, cáo buộc Nga “can thiệp” vào cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU là một “câu chuyện kinh dị”, được phát tán với sự hỗ trợ của những chính trị gia không chuyên nghiệp, với mục đích chuyển hướng chú ý của công luận khỏi thực tế thiếu vắng tiến bộ. 

Ông Peskov nêu rõ: “Điều đó chứng tỏ chất lượng thô sơ, thiển cận, thiếu chuyên nghiệp chính trị của các chính khách, những người ưa những câu chuyện giả tưởng kinh dị khác nhau. Họ đang cố gắng dùng những câu chuyện kiểu này để khỏa lấp thực trạng công việc không có tiến bộ trong lĩnh vực chính trị”. 

Người phát ngôn Điện Kremlin nhiều lần dẫn lời Tổng thống Putin khẳng định Brexit là việc nội bộ của Liên hiệp Vương quốc Anh và là vấn đề quan hệ của Anh với EU. 

Thư ký báo chí Tổng thống Nga đồng thời nhấn mạnh, EU là một đối tác quan trọng của Nga, do đó Moskva luôn quan tâm để EU vẫn là lực lượng kinh tế lớn, phồn vinh, ổn định và tiên liệu được.

Có ý kiến cho rằng, cáo buộc của ông Bradshaw là động thái “đánh bùn sang ao”, nhằm hướng dư luận khỏi tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy” đang xảy ra ngay trong nội bộ EU. Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 7 vừa qua chỉ định ông Michel Barnier, chính trị gia kỳ cựu người Pháp 65 tuổi, làm Trưởng đoàn đàm phán Brexit với Anh. 

Cùng với đó, truyền thông phương Tây trong những ngày này đồng loạt lên tiếng rằng, mọi điều khoản Brexit đều phụ thuộc vào “người đàn ông nguy hiểm nhất châu Âu” này. Hai việc trên cộng hưởng với nhau khiến Nghị viện châu Âu (EP) không thể ngồi yên được. 

Hôm 14-12, Chủ tịch EP Martin Schulz bất ngờ lên tiếng cảnh báo về “các hậu quả nghiêm trọng” nếu không có sự tham gia với vai trò lớn hơn của các nghị sĩ EP trong quá trình đàm phán Brexit với Anh, đồng thời chỉ trích các dự thảo kế hoạch hiện nay giao vai trò chính cho EC trong khi chỉ dành “một vai trò thứ yếu” cho nghị viện trong các cuộc đàm phán (về Brexit). 

Ông Schulz đe dọa EP sẽ bác bỏ bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào của tiến trình đàm phán giữa EU và Anh nếu tiếng nói của các nghị sĩ (của EP) trong vấn đề này không được cân nhắc. 

Điều này nếu xảy ra sẽ là kịch bản Brexit “cứng” nhất mà tất cả các bên đều muốn tránh khi Anh không còn mối liên hệ nào với một thị trường châu Âu thống nhất các hiệp ước hiện nay của EU sẽ tự động không còn áp dụng đối với “xứ sở sương mù” sau khi hết thời hạn 2 năm đàm phán theo quy định. Ngoài ra, Chủ tịch EP cũng cho biết EP có thể sẽ tự bố trí các thỏa thuận riêng với ông Barnier và với Chính phủ Anh.

Cáo buộc của ông Bradshaw đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố báo cáo mật trong đó cáo buộc Nga đã cố gắng tác động vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng trước để giúp ông Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton. Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này. 

Người phát ngôn Peskov nhấn mạnh báo cáo trên không dựa trên các thông tin xác thực và đáng tin cậy: “Điều này giống như các cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ, không chuyên nghiệp, nghiệp dư, và không liên quan với thực tế”. 

Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ cũng bác bỏ báo cáo của CIA, nhấn mạnh rằng, đây là chuyện “nực cười”, và chỉ là một cái cớ khác của đảng Dân chủ. Ông Trump tuyên bố ông không tin điều này, cho rằng phía đảng Dân chủ đã “tung tin” cho giới truyền thông, chứ không phải CIA đã đưa ra thông tin về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử nhằm giúp ông đắc cử.

Minh Nhật
.
.
.