Những lái buôn mang “mùi” chiến binh Thánh chiến
- Các chiến binh thánh chiến Đông Nam Á gia nhập IS
- Ngăn chặn việc tuyển mộ chiến binh thánh chiến ở Iraq và Syria
- Chiến dịch truy tìm chiến binh thánh chiến sát hại nhà báo Mỹ
Tình hình bất ổn tại Bắc Phi và Sahel - tên gọi khu vực ranh giới ở châu Phi nằm giữa Sahara ở phía Bắc và khu vực màu mỡ hơn ở phía Nam là sudan - đã thay đổi hoàn toàn, trong hai hoặc ba năm qua, những tuyến đường buôn bán cần sa trong khu vực. Nhiều tuyến đường biển mới đã được hình thành nhưng cho tới nay vẫn chưa bị phát hiện.
Thách thức lớn đối với cảnh sát châu Âu và Bắc Phi là tìm ra và vô hiệu hóa những tuyến đường này, vốn được dùng để vận chuyển các chất ma túy, cũng có thể được dùng để vận chuyển vũ khí và thậm chí đôi khi là buôn bán người. Các nhà điều tra tin rằng, những tay “lái buôn” có thể có liên kết với các nhóm Thánh chiến và nhận được tài trợ từ những nhóm này để thực hiện việc “kinh doanh”.
Cảnh sát Italy thu giữ được hàng trăm thùng cần sa trong một chiến dịch năm 2015 phối hợp với Europol. |
Một quan chức cấp cao Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy cho hay: “Chúng tôi không biết rõ ai là người mua và tiền được dùng vào việc gì. Dường như những kẻ tạo ra những tuyến đường này có thể có quan hệ với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hoặc có thể là chính những băng đảng trong khu vực, nhưng chúng tôi vẫn chưa chứng minh được”.
Việc giám sát hoạt động giao thông hàng hải tại Địa Trung Hải, thông qua các thủ tục kiểm tra như theo dõi và ghi lại các cuộc điện thoại, thư điện tử, cho phép các lực lượng chức năng phát hiện quy luật hoạt động của các tay “lái buôn”.
Ví dụ như, trong thời gian gần đây, họ đã liên tục phát hiện ra những con tàu với những lá cờ nhiều màu sắc nhất – cờ Liban chẳng hạn – với thủy thủ đoàn tới từ nhiều nước khác nhau, trong đó phần lớn là người Libya và Ai Cập, chở theo cần sa từ ngoài khơi bờ biển Maroc và sau đó cập bến Libya hoặc Ai Cập.
Những “người vận chuyển” thường mua những con tầu phế liệu và sau đó làm mới lại chúng. Cũng có 1 số tàu được mua từ các cuộc đấu giá ở Tây Ban Nha, thông qua những đại diện của các tổ chức tội phạm trong vai người mua.
Cảnh sát các nước Pháp, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha kết hợp với cảnh sát Maroc đã mở một cuộc điều tra đa quốc gia nhằm vào đường dây buôn bán ma túy này. Kết quả là, họ đã thực hiện thành công nhiều vụ bắt giữ, trong đó phải kể đến vụ bắt giữ Ben Ziane Berhili, một trong những trùm buôn lậu ma túy bị truy nã gắt gao nhất thế giới.
Berhili, 57 tuổi, người Maroc bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào căn hộ của y ở trung tâm thành phố Casablanca của Maroc hồi tháng 4-10-2016. Nhưng phải gần hai tháng sau, ngày 1-12, thông tin tên trùm này bị “sa lưới” mới được tiết lộ.
Theo cảnh sát Italy, Berhili phải chịu trách nhiệm cho lô hàng 18 tấn cần sa bị phát hiện trên tàu buôn Moon Light ở biển Alboran. Giới chức của những nước tham gia cuộc điều tra đa quốc gia cho hay, trong vai chủ sở hữu một công ty bánh ngọt lớn ở Maroc, phần lớn thu nhập của Berhili là nhờ việc buôn lậu cần sa vào châu Âu. Mỗi năm, tên này tuồn vào châu Âu khoảng 400 tấn cần sa.
Để bắt được Berhili, cảnh sát đã phải theo dõi và ghi lại các cuộc gọi điện thoại của y trong nhiều tháng cũng như không ngừng thu thập thông tin tình báo về các giao dịch cần sa của y dọc theo tuyến đường Maroc – Libya.
Người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Kinh tế - Tài chính của Italy, ông Francesco Mazzotta nói: Berhili chắc chắn là một trong những kẻ buôn lậu ma túy lớn nhất thế giới. Việc bắt giữ y là kết quả của một trận chiến lớn do lực lượng cảnh sát châu Âu ở Địa Trung Hải tiến hành. Kể từ năm 2013 cho đến nay, chiến dịch chống buôn lậu ma túy của Italy đã thu giữ 20 chuyến hàng chở hơn 280 tấn cần sa với tổng trị giá vào khoảng khoảng 3,2 tỉ USD.
Cũng tại các tuyến đường mới này lại xuất hiện thêm một “mạch” lạ trong dòng chảy ma túy. Các chuyên gia nghiên cứu thị trường ma túy quốc tế giải thích rằng, ở miền Bắc châu Phi và ở Sahel, thường dễ nhận ra các tuyến đường vận chuyển ma túy cho tới 2 hoặc 3 năm trở lại đây, dường như các cuộc xung đột vũ trang đã cắt đứt chúng hoặc làm cho chúng phức tạp hơn. Bên cạnh đó, đã xuất hiện thêm những “chủ nhân mới” mới với nhu cầu mới, và cùng tồn tại với các nhóm tội phạm khác, như những nhóm phiến quân Tuareg.
“Những tuyến đường trên bộ đã bị làm cho phức tạp hơn, và được hướng ra biển”, một quan chức điều tra cho hay, “Chúng tôi cũng không hiểu tại sao họ không từ bỏ việc vận chuyển bằng đường biển khi phải đối mặt với một áp lực khổng lồ từ phía cảnh sát. Chúng tôi tin rằng, có thể vận chuyển bằng tuyến này mang lại nhiều lợi nhuận hơn là trên bộ”.