Nhà sáng lập Wikileaks vẫn chưa thể tới Ecuador
- Nhà sáng lập WikiLeaks sẽ định cư tại Ecuador
- WikiLeaks công bố 47 trang tài liệu mật trong email của Giám đốc CIA
- WikiLeaks tiết lộ âm mưu của Mỹ gây đảo chính ở Bolivia
Ông Julian Assange lập tức kêu gọi Thụy Điển và Anh thực hiện theo phán quyết của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc. Bởi nhà sáng lập WikiLeaks coi mình là nạn nhân cần được tị nạn chính trị và đã bị xâm phạm các quyền cơ bản khi không thể rời Đại sứ quán Ecuador ở London mà không bị bắt. Và theo tuyên bố trên Twitter của nhà sáng lập Wikileaks trước đó, ngày 5-2, ông sẽ rời Đại sứ quán Ecuador ở London, chấp nhận nguy cơ bị bắt nếu Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc đưa ra quyết định chống lại mình.
Luật sư Jennifer Robinson cho rằng, tuyên bố của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc là "một chiến thắng vang dội" và thân chủ của mình phải được tự do hoàn toàn sau 3,5 năm bị buộc phải sống ẩn dật.
Một luật sư khác của ông Julian Assange tại Thụy Điển cũng cho biết, ông sẽ yêu cầu công tố viên Thụy Điển phụ trách vụ án này đánh giá về phán quyết kể trên, để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngoại trưởng Ricardo Patino (phải) và ông Julian Assange xuất hiện bên cửa sổ Đại sứ quán Ecuador ở London. |
Per Samuelson, một trong những luật sư của ông Julian Assange từng cho biết, nhà sáng lập WikiLeaks hoan nghênh việc thẩm vấn tại London, nhưng việc này có thể mất nhiều thời gian bởi đề xuất của Thụy Điển cần nhận được sự đồng ý của chính phủ Anh và Ecuador. Theo giới truyền thông, Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc đã mở cuộc điều tra sau khi nhận được đơn kiện chính quyền Thụy Điển và Anh của ông Julian Assange gửi hồi tháng 9-2014.
Và sau gần 1,5 năm điều tra, 5 chuyên gia nhân quyền của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc đã quyết định công bố kết luận điều tra. Theo đó, nhà sáng lập WikiLeaks đã bị giam lỏng trái phép, do đó phải được tự do rời Đại sứ quán Ecuador ở London, phải được bồi thường thiệt hại cho 3,5 năm buộc phải sống ẩn dật.
Mặc dù không có giá trị ràng buộc về pháp lý, nhưng kết luận kể trên của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc có thể tạo sức ép nhất định đối với Thụy Điển và Anh.
Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino cũng cho rằng, đã đến lúc Anh và Thụy Điển phải "sửa chữa sai lầm" khi quyết định bắt giam trái phép nhà sáng lập WikiLeaks. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Quito hôm 5-2, ông Ricardo Patino đã tái khẳng định quan điểm của Ecuador - lệnh bắt ông Julian Assange hoàn toàn mang động cơ chính trị và nhà sáng lập WikiLeaks trở thành nạn nhân sau khi tiết lộ tội ác của một số nhân vật là công dân của các cường quốc.
Trước đó (15-1), tại cuộc phỏng vấn ở thủ đô Quito, Ngoại trưởng Ricardo Patino còn nhấn mạnh, nếu giới chức Thụy Điển không đưa ra cáo buộc chống lại ông Julian Assange, thì nhà sáng lập WikiLeaks có thể tới sống ở Ecuador.
Ngày 20-1, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho biết, ông Julian Assange sẽ đối mặt với một cuộc thẩm vấn tại Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London (Anh) theo đề nghị của giới chức Thụy Điển. Nhưng ngày 21-1, cơ quan chức năng Ecuador đã bác bỏ đề nghị thẩm vấn ông Julian Assange sau khi Ngoại trưởng Ricardo Patino chỉ trích Chính quyền Stockholm thiếu tôn trọng Chính quyền Quito khi gửi công hàm xin thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks nhưng không ghi ngày tháng và tẩy xóa.
Hơn 1 tháng trước (13-1), cơ quan tư pháp Thụy Điển cho biết, họ đã được phép thẩm vấn ông Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London; và Thẩm phán Ingrid Isgren cùng một điều tra viên của Thụy Điển sẽ tới London để tham gia tiến trình này.
Nhưng cơ quan chức năng Anh và Thụy Điển đã lập tức bác bỏ kết luận kể trên của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh, ông Julian Assange tự ý chạy vào Đại sứ quán Ecuador ở London.
Trong khi đó, cảnh sát Anh và Thụy Điển cũng tuyên bố, sẽ bắt ông Julian Assange ngay sau khi nhà sáng lập WikiLeaks rời Đại sứ quán Ecuador ở London bởi các điều tra liên quan tới nhân vật này vẫn còn hiệu lực. Cảnh sát Anh từng lên kế hoạch bắt ông Julian Assange, nhưng bị giới truyền thông tiết lộ nên việc này phải gác lại.
Và nếu ông Julian Assange ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador đến năm 2022 - khi thời hiệu yêu cầu dẫn độ hết hạn, cảnh sát Anh sẽ mất tới 60 triệu USD. Bởi theo tờ The Huffington Post, kể từ khi nhà sáng lập Wikileaks xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador, London đã duy trì giám sát 24/24 và chi phí cho hoạt động này tốn 16.000 USD/ngày.