Người lao động Mỹ lĩnh hậu quả vì lệnh trừng phạt Huawei

Thứ Năm, 18/07/2019, 18:39
Futurewei Technologies, công ty con của Huawei ở Mỹ, được cho là đang chuẩn bị cho nghỉ việc hàng loạt nhân viên Mỹ. Như vậy, sau các công ty công nghệ Mỹ, giờ đây người lao động bắt đầu lĩnh hậu quả lệnh trừng phạt của Mỹ với Huawei.


Theo Wall Street Journal, hoạt động kinh doanh của Huawei tại Mỹ gặp nhiều khó khăn sau khi chính phủ nước này ban hành lệnh cấm, coi họ là mối đe dọa an ninh bảo mật quốc gia. Do đó, Huawei sẽ cho nghỉ việc hàng trăm nhân viên tại Futurewei Technologies. 

Một số đã nhận được thông báo sớm, trong khi việc sa thải đồng loạt sẽ được triển khai trong thời gian tới. Hãng này cũng cho phép các nhân viên Trung Quốc quay về làm việc trong các chi nhánh của công ty ở Trung Quốc.

Futurewei là công ty nghiên cứu và phát triển của Huawei tại Mỹ với hàng trăm nhân viên đang làm việc trong các văn phòng ở Silicon Valley, Seattle, Chicago và Dallas. Cuối tháng 6, Reuters đưa tin Futurewei đã âm thầm chuyển sang hoạt động độc lập, tách khỏi công ty mẹ sau khi Mỹ đưa Huawei và 68 thực thể của nó vào danh sách có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ giữa tháng 5. 

Công ty này cấm nhân viên Huawei đến các văn phòng ở Mỹ. Trong khi đó, các nhân viên của Futurewei được yêu cầu chuyển sang sử dụng hệ thống công nghệ thông tin mới, cũng như không được sử dụng tên và logo Huawei trong giao tiếp, truyền thông.

Việc sa thải chắc chắn ảnh hưởng đến 850 nhân sự tại công ty con chuyên nghiên cứu và phát triển là Futurewei Technologies có các văn phòng ở Thung lũng Silicon và các khu vực Seattle, Chicago và Dallas.

Trụ sở của Futurewei Technologies tại bang California, Mỹ.

Nếu việc cắt giảm nhân sự Huawei quy mô lớn diễn ra ở Mỹ là có thật, đây là một đòn gián tiếp ảnh hưởng đến vấn đề lao động của Bộ Thương mại Mỹ. Ngoài vấn đề về lao động, việc cắt giảm nhân sự quy mô rất lớn tại Mỹ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới các dự án mà công ty này đang hợp tác. Bởi hiện nay Futurewei và Tập đoàn mẹ Huawei đều đã tiến hành một loạt các quan hệ đối tác nghiên cứu và các chương trình tài trợ với các trường đại học Mỹ. 

Đại học California - Berkeley đã nhận được gần 8 triệu USD từ hai công ty trong hai năm qua. Các trường đại học đã hợp tác với Huawei hoặc Futurewei bao gồm: Trường Đại học Stanford, Princeton và Columbia, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Michigan và Đại học Texas tại Austin.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ giảm bớt những hạn chế đối với các công ty Mỹ khi giao dịch với Huawei. Thế nhưng, quan chức nước này gần đây liên tục nhấn mạnh doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi danh sách "nguy cơ an ninh quốc gia" và việc trao đổi hàng hóa vẫn phải nằm trong khuôn khổ.

Ngày 9-7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng, cơ quan này sẽ cấp giấy phép cho Huawei khi cảm thấy không có mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh công ty Trung Quốc vẫn nằm trong Danh sách thực thể (Entity List) và thông báo của ông Trump trước đó không thay đổi phạm vi của các mặt hàng trong danh sách cấm.

Cho tới lúc này, các công ty Mỹ chưa biết sẽ làm gì trước động thái này. Tuy nhiên việc cấm làm ăn với Huawei đã khiến các công ty Mỹ thiệt hại nặng nề khi trước đó đây là khách hàng tiêu thụ "một lượng sản phẩm khổng lồ".

Hàng trăm nhân viên người Mỹ có nguy cơ bị Huawei sa thải.

Năm 2018, Huawei chi 11 tỷ USD cho các doanh nghiệp Mỹ, như mua linh kiện từ Qualcomm, Broadcom, Micron, Intel..., giấy phép sử dụng phần mềm từ Microsoft và hệ điều hành Android của Google... Huawei cho biết lệnh cấm gây tổn hại về mặt kinh tế cho các công ty Mỹ đang làm ăn với hãng, tác động tới việc làm của hàng chục nghìn người và làm sụp đổ sự hợp tác, sự tin cậy lẫn nhau đang tồn tại trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong số đó, Micron coi Huawei là một trong những khách hàng lớn nhất và đang đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu. Doanh số linh kiện smartphone ở thị trường quốc tế của hãng giảm 40% trong vài tuần qua ngay sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen. Micron tuần trước cho biết đang tìm cách đi đường vòng để tránh lệnh cấm, còn Intel cũng được cho là đang thực hiện chiến lược tương tự. Báo New York Times cho biết một trong những cách mà các hãng chip Mỹ áp dụng là bán những mặt hàng được sản xuất bên ngoài lãnh thổ Mỹ, vốn không bị điều chỉnh bởi lệnh cấm của Trump.

Trong khi đó, hãng nghiên cứu Nomura Instinet ước tính doanh thu của Google có nguy cơ bị giảm từ 375 triệu đến 425 triệu USD do không còn cấp phép bản quyền Android cho Huawei.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.