Nan giải cuộc chiến chống buôn người vào châu Âu
- Thủ tướng Anh: Thế giới sốc trước thảm kịch 39 người thiệt mạng trong thùng container
- Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An nói về vụ 39 người chết trong container ở Anh
Những ngày qua, cả thế giới bàng hoàng khi Cảnh sát Anh phát hiện 39 người nhập cư lậu chết trong thùng container. Nhưng, họ là số ít trong rất nhiều người vẫn đang nuôi mộng tìm đến châu Âu bằng còn đường bất hợp pháp, bất chấp phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.
Người nhập cư lậu sang châu Âu đều mong một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng thực tế, họ phải trải qua một hành trình đầy rẫy nguy hiểm để rồi phải làm việc chui lủi, thậm chí bị bóc lột sức lao động.
Lỗ hổng an ninh tạo điều kiện cho bọn buôn người
Ngày 27-10, Cảnh sát Pháp lại phát hiện 8 người nhập cư, trong đó có 4 trẻ em, trong tình trạng giảm thể nhiệt nhẹ bên trên một xe tải đông lạnh đang trong hành trình di chuyển từ một cảng biển của Pháp lên phà sang Anh.
Những người nhập cư này, được cho đều là người Afghanistan, được phát hiện tại một trạm kiểm soát ở cảng Calais của Pháp vào khoảng 5h ngày 27-10 theo giờ địa phương.
Nhiệt độ trong xe khi những người này được phát hiện chỉ khoảng 7 độ C. Hiện cả 2 lái xe, đều là người Romania, đã bị bắt trong khi những người nhập cư được đưa tới bệnh viện sở tại.
Lực lượng biên phòng Anh đã phát hiện những người nhập cư và thông báo cho giới chức Pháp thực hiện vụ bắt giữ. Các công tố viên tại Boulogne-sur Mer, gần Calais, cũng đã xác nhận vụ việc.
Cảng Calais của Pháp, nơi phát hiện 8 người nhập cư trong xe lạnh. |
Vương quốc Anh được coi là "thiên đường" của người nhập cư bất hợp pháp thông qua các băng nhóm buôn người. Hầu hết, những người này đến từ châu Phi, châu Á và Đông Âu, bị đưa tới Anh bất hợp pháp để làm nhiều công việc khác nhau, từ xây dựng, nông nghiệp, làm móng, rửa xe, cho đến các công việc phạm pháp như bóc lột tình dục và các trang trại trồng cần sa.
Các quan chức an ninh Anh mới đây giải thích, bọn buôn người giấu các nạn nhân vào thùng container đông lạnh để qua mặt lực lượng kiểm tra. Lý do là Lực lượng biên giới Anh thường sử dụng máy quét nhiệt để phát hiện người trốn qua biên giới song thiết bị này lại không hiệu quả với thùng đông lạnh.
"Thiết bị quét nhiệt không hoạt động với các thùng container đông lạnh bởi chúng quá lạnh và máy không thể phát hiện thân nhiệt của những người nấp bên trong. Bọn buôn người biết điều đó... Chúng liên tục tìm kiếm lỗ hổng và buồn thay, điều đó khiến những người này thiệt mạng", tờ Mail Online của Anh dẫn lời một nhân viên lực lượng biên giới.
Ước tính khoảng 3,6 triệu xe tải và container được đưa vào Anh thông qua 40 cảng chính. Bộ Nội vụ Anh cho biết, theo quy trình các nhân viên thuộc Lực lượng Biên phòng tiến hành kiểm tra các xe tải và container trên "cơ sở nhất định", tuy nhiên không nói rõ số lượng được kiểm tra là bao nhiêu.
Nhiều biện pháp đã được sử dụng để phát hiện vật thể lạ bên trong các xe tải hoặc container, bao gồm máy đo CO2, cảm biến phát hiện dịch chuyển và chó nghiệp vụ đánh hơi. Nhưng chính quyền Anh không giải thích cụ thể về việc các xe tải hoặc container như thế nào sẽ bị nhắm mục tiêu kiểm tra.
Theo bà Lucy Moreton, nhân viên của Liên hiệp Dịch vụ Di trú Anh, đại diện cho lực lượng biên phòng và hải quan Anh, có quá nhiều container vào Anh mỗi ngày khiến họ không thể kiểm tra toàn bộ hàng hóa bên trong từng container.
"Chúng tôi không đủ nguồn lực để kiểm tra phần lớn hàng hóa vào Anh", bà Lucy cho biết. Bà Lucy cũng xác nhận, có "hàng trăm nghìn" container riêng lẻ vào Anh mỗi ngày ít có khả năng bị kiểm tra, trừ khi có cảnh báo cụ thể.
Ông Joachim Coens, Giám đốc điều hành cảng Zeebrugge và Peter Degroote, một trong bốn quản lý tại cảng Zeebrugge thừa nhận rằng, các container đã được niêm phong kín sẽ không được kiểm tra bên trong. Trong khi đó, các máy quét tia X thường chỉ được sử dụng để quét hàng hóa, chứ không kiểm tra người bên trong container.
Theo ông Coens, những xe tải có thùng xe che bằng vải bạt sẽ được kiểm tra bằng thiết bị đo nồng độ CO2 để xem có người bên trong không. Ngoài ra, chó đánh hơi cũng được sử dụng. Tuy nhiên, họ thường không kiểm tra các thùng đông lạnh được niêm phong.
Richard Burnett - Giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải Đường bộ, trụ sở ở Anh, cho biết các băng đảng ngày càng tinh vi. Gần đây, một trong các lái xe của hãng vận tải Haulier nghỉ tại khu vực dịch vụ phía Bắc nước Pháp đã nghe thấy "những giọng nói châu Phi" vào nửa đêm và có tiếng súng bắn vào xe tải. Rất may, băng đảng đó đã bỏ đi sau khi không thể đột nhập xe tải.
Cũng theo ông Richard, các băng đảng buôn người giờ đây thường né các cảng phà lớn như Calais và chuyển hướng sang những tuyến đường mới do ở đó an ninh lỏng lẻo hơn.
Cảnh sát Anh đứng bảo vệ xung quanh chiếc xe tải đậu ở Đại lộ phía Đông nơi tìm thấy 39 thi thể trong chiếc xe tải ở Essex, Anh. |
Vỡ mộng về miền đất hứa
Tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người đi dư cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu.
Trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán).
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 25 triệu người bị mắc kẹt trong cảnh bị cưỡng bức lao động, nhiều người trong số họ đã bị buôn bán để khai thác. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ/năm. Còn lợi nhuận toàn cầu từ việc mua bán người lên tới khoảng 150 tỷ đô la Mỹ/năm.
Vương quốc Anh và nhiều quốc gia châu Âu khác được coi là điểm đến lý tưởng cho những di dân vì nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc đến Anh khó khăn hơn rất nhiều vì những chính sách nhập cư khắt khe.
Buôn lậu người từ lâu luôn là một vấn đề nhức nhối ở Anh. Cơ quan tội phạm quốc gia (NCA) báo cáo số người di cư bị buôn lậu vào Anh qua container và xe tải tăng lên trong năm ngoái.
Theo Ilias Chatzis -lãnh đạo Cơ quan Chống buôn người của Liên hợp quốc, "thị trường buôn người có giá trị ít nhất 7 tỷ USD mỗi năm và dự kiến còn tăng trong tương lai".
Tuy nhiên, ngay cả khi đến được nước Anh, những người nhập cư lậu này cũng không có được công việc tốt. Theo các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề di cư, người nhập cư lậu là nữ giới được hứa hẹn làm việc trong các salon móng cao cấp ở Anh.
Trong khi đó, nam giới thường bị ép làm trong các trang trại trồng cần sa, bị nhốt trong những tòa nhà kín không có ánh sáng mặt trời và bắt buộc phải trông nom cây cần sa cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, cả nam lẫn nữ nhập cư lậu đều có nguy cơ phải làm những công việc liên quan đến tình dục như đi bán dâm.
Lộ trình của xe tải chở 39 người thiệt mạng trong thùng xe (Đồ họa: moosegazette) |
Những người nhập cư lậu biết rằng, họ đang ở bất hợp pháp và có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào, nếu bị cảnh sát phát hiện. Vậy nên, dù có biết là bản thân đang bị bóc lột, họ cũng không dám lên tiếng.
Một số người thậm chí có thể không nhận ra rằng chính mình là nạn nhân của nạn buôn người. Vì họ có thể đã tự nguyện đến Anh để tìm việc làm và đã sẵn sàng trả tiền cho một tay buôn người để tổ chức việc đi lại và tìm việc tại đây.
Theo The Guardian, để có thể sang Anh, người di cư lậu phải trả các khoản phí từ 10.000 đến 40.000 USD cho những kẻ buôn người. Họ bắt buộc phải làm việc tại những nơi có điều kiện lao động thấp vì biết rằng, gia đình họ đang nợ nần chồng chất để trả cho chuyến "di cư" sang nước ngoài. Kết quả là họ bị kẹt trong vòng xoáy nợ nần hàng năm trời và không dám tìm kiếm sự giúp đỡ.
Vì sợ những kẻ buôn người, nạn nhân thường không hợp tác với cảnh sát và thường bị coi là tội phạm nhập cư bất hợp pháp chứ không phải là nạn nhân, họ sẽ bị trục xuất mà không cần tra hỏi nhiều.
Cùng vì lý do đó, nạn nhân ít khi chia sẻ những trải nghiệm đau thương của mình, khiến cho vấn đề này không được xã hội biết đến nhiều và làm cản trở quá trình điều tra của cảnh sát.
Đại sứ quán Việt Nam tại Anh sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có nạn nhân là công dân Việt Nam. Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh là: +44 7713 181 501 hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân là: +84 981 84 84 84. Nếu ở Anh, hãy gọi cho đường dây nóng của cảnh sát 0800 056 0944 và gọi vào 0044 207 158 0010 nếu quay số quốc tế. |