Mỹ cân nhắc chỉ định công tố viên đặc biệt điều tra bà Clinton

Thứ Hai, 27/11/2017, 16:56
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm 13-11 vừa qua đã chỉ thị các quan chức Bộ Tư pháp xem xét liệu có nên bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra những cáo buộc vi phạm của bà Clinton và đảng Dân chủ liên quan đến vụ bê bối Uranium One hay không.


Tin tặc Nga là “trò bịp” của đảng Dân chủ?

Theo báo New York Times, Bộ Tư pháp đã gửi thư tới Chủ tịch Ban Tư pháp Hạ viện Robert Goodlatte để trả lời những yêu cầu của ông Robert về một số vấn đề mà các thành viên đảng Cộng hòa đã nêu trước Quốc hội. Lá thư trích lời Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Stephen Boyd rằng ông Sessions đã “chỉ thị các công tố viên cấp cao của liên bang đánh giá một số vấn đề nêu ra trong thư của ông”.

Danh sách những vấn đề ông Goodlatte muốn điều tra khá rộng, trong đó có việc FBI giải quyết cuộc điều tra máy chủ cá nhân của của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Sau đó, các công tố viên này sẽ đưa ra các đề xuất về việc liệu có bất cứ vấn đề nào cần phải điều tra hay không, và có vấn đề nào cần thiết phải bổ nhiệm công tố viên đặc biệt hay không.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions.

Hồi tháng 7-2017, một nhóm gồm các cựu quan chức Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và CIA tuyên bố vụ thâm nhập (hacking) từng làm rung chuyển cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 không đơn thuần là một cuộc tấn công, mà thực ra là một vụ rò rỉ bởi một “người trong cuộc”, có khả năng “tiếp cận vật lý” với mạng máy tính của Ủy ban Dân chủ quốc gia (DNC).

Đây là suy đoán của nhóm Các Cựu chuyên gia Tình báo đấu tranh cho chuẩn mực (VIPS) đưa ra. Nghiên cứu của VIPS đưa ra mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố hồi tháng 1 của cộng đồng tình báo Mỹ, rằng chính Nga đã mở các cuộc tấn công mạng vào mạng lưới DNC.

VIPS cũng nêu nghi vấn trước những khẳng định của cộng đồng tình báo Mỹ về sự tồn tại của “Guccifer 2.0”. Một đánh giá vào tháng 1 của cộng đồng tình báo Mỹ công bố Guccifer đã tấn công mạng DNC dưới sự chỉ đạo của tình báo Nga, và sau đó đã chuyển các tài liệu hack được tới WikiLeaks.

Tuy nhiên, đồng sáng lập VIPS Ray McGovern, một cựu quan chức CIA, cho biết có bằng chứng rõ ràng rằng một số email DNC được cung cấp cho WikiLeaks chứa định dạng ngôn ngữ Nga chồng lên nhau. “Về cơ bản, chúng đã bị làm giả như nhiễm độc với những dấu vân tay của Nga, để trông có vẻ như các hacker Nga đã tham gia vào vụ hack”, ông McGovern nói

Sẽ điều tra đặc biệt về Uranium One?

Theo Hãng tin Reuters, ông Sessions cũng yêu cầu các công tố viên của Bộ Tư pháp quyết định xem có cần bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra những cáo buộc có liên quan đến Quỹ Clinton và thương vụ bán một công ty uranium cho Nga. Tháng trước, lãnh đạo đảng Cộng hòa đã tiến hành một cuộc điều tra về một thỏa thuận thời Obama, trong đó cho phép Nga mua Công ty Uranium One của Canada. Công ty này sở hữu tới 20% nguồn cung uraium của Mỹ.

Một số đảng viên Cộng hòa buộc tội Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời bà Hillary Clinton đã phê duyệt thỏa thuận với Nga sau khi quỹ từ thiện của chồng bà nhận được một khoản quyên góp trị giá 145 triệu đô la. Tổng thống Donald Trump nhiều lần chỉ trích Bộ Tư pháp đã không ráo riết điều tra một loạt những quan ngại bảo thủ.

Đài Truyền hình NTD cho biết, FBI có nhân chứng về chiến dịch hối lộ và tống tiền của Nga xung quanh các thỏa thuận hạt nhân, nhưng dưới thời cựu Giám đốc FBI James Comey, nhân chứng này đã được yêu cầu ký một bản thỏa thuận không tiết lộ (NDA). Thậm chí, nhân chứng này còn bị Bộ Tư pháp (lúc đó do bà Loretta Lynch đứng đầu) đe dọa kết án hình sự nếu nói chuyện này với Quốc hội.

Thay vì bắt đầu khởi tố doanh nghiệp của Nga có hành vi phi pháp, động thái có thể đã chấm dứt thỏa thuận, Bộ Tư pháp đợi 4 năm trước khi âm thầm kiến nghị xóa trường hợp này, vi phạm các nguyên tắc tố tụng của chính bộ này. Tất cả những điều này dẫn đến việc Nga đã ký kết được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, kiểm soát tới 20% nguồn cung uranium của Mỹ.

Trần Gia Huy
.
.
.