Mafia rác ở Venezuela

Thứ Năm, 02/05/2019, 11:12
Theo các nhà xã hội học, hiện Venezuela có ít nhất 10 đại băng đảng thâm nhập vào khu dân cư nghèo. Mỗi đại băng đảng có khoảng 50 thành viên chủ chốt nhưng có thể huy động mạng lưới lên tới 200 người thông qua mối quan hệ với các băng đảng đường phố -Insightcrime ngày 27-4 cho hay.


"Kho báu" trong bãi rác như giấy tờ, sắt vụn và đồ nhựa là những thứ giúp nuôi dưỡng nền kinh tế tội phạm đang nổi lên. Đặc biệt, đồng vụn thường được xuất khẩu trái phép với giá cao, trở thành một trong những ngành kinh tế mang lại lợi nhuận lớn nhất cho băng đảng, thậm chí cho phép chúng duy trì cuộc sống xa hoa với nhiều phụ nữ, rượu bia, và ma túy.

Xem bãi rác là trụ sở

Hoạt động tội phạm chủ yếu của các đại băng đảng là tống tiền, bắt cóc, cướp bóc, giết người thuê, và buôn ma túy nhỏ lẻ. Những kẻ cầm đầu băng đảng El Buitre sống tại các khu vực đông dân xung quanh thủ đô Caracas, nhưng sử dụng bãi rác làm trụ sở tội phạm. Địa điểm này là nơi băng đảng làm giàu và tích lũy của cải từ nhiều hoạt động phi pháp như tống tiền, bắt cóc, ăn cắp, cướp bóc, giết người thuê và buôn ma túy nhỏ lẻ. 

Theo cảnh sát, băng đảng El Buitre có khoảng 70 thành viên, được trang bị vũ khí như AK-47, súng trường AR-15, tiểu liên, lựu đạn văng mảnh và súng ngắn cỡ đạn 9mm. Tại bãi rác La Bonanza, chúng dựng lên boongke với nhiều lớp hàng rào bảo vệ để ngăn lực lượng chức năng thâm nhập.

Trải dài 180 ha và là bãi rác lớn nhất Venezuela, La Bonanza xử lý khoảng 4.000 tấn rác mỗi ngày và tái chế 800 tấn rác mỗi tháng. Nhưng giữa những thức ăn thối rữa, túi hộp, nhôm vụn, giấy vụn, chai nhựa và các loại rác khác, băng đảng El Buitre ("băng Kền kền") đã biến nơi đây thành cứ điểm của hoạt động tội phạm.

Công nhân bãi rác bị thành viên băng đảng theo dõi sát sao, bị cưỡng ép nộp lại một phần những đồ nhặt được cho băng đảng, nếu từ chối họ có thể bị đuổi đánh hoặc giết hại. 

Một người kể lại có lần tìm được lượng lớn đồng vụn nhưng băng đảng chỉ cho giữ lại 10% giá trị thực tế. Người này không đồng ý liền bị bắn vào chân, cướp mất số đồng vụn. Sau hai tháng liệt giường không thu nhập, nạn nhân buộc phải cầu xin thủ lĩnh băng đảng được cho về bãi rác. 

Vào 2017, nhà chức trách Venezuela từng tổ chức chiến dịch săn hạ thủ lĩnh băng đảng với biệt hiệu Buitre. Cuối cùng lực lượng cảnh sát quốc gia đã bắn hạ tên này trong bãi rác. Dù vậy, băng đảng El Buitre vẫn tồn tại dưới sự lãnh đạo của kẻ có biệt hiệu "El Goyo". 

Sau hai năm cầm đầu hoạt động tội phạm tại La Bonanza, El Goyo bị những kẻ khác trong băng đảng giết chết vào tháng 2-2019. Nhà chức trách chưa xác minh được danh tính của thủ lĩnh băng đảng hiện tại.

Một góc bãi rác La Bonanza.

Vươn ra nước ngoài

Người di cư Venezuela bị kẹt lại ở bãi rác ở biên giới Brazil vì không đủ tiền mua vé xe, đi sâu vào các thành phố kiếm việc. Một số thì bị mafia chi phối.

Tại bãi rác ở thị trấn biên giới Pacaraima, bang Roraima phía bắc Brazil, những người di cư Venezuela đang đào bới tìm kiếm kim loại, nhựa, bìa cứng và thức ăn, xung quanh là lũ kền kền đậu trên cây chờ đến lượt. 

"Tôi đã bỏ đi vì đói. Chúng tôi đang cố gắng để thoát khỏi bãi rác này. Hàng đêm tôi cầu Chúa hãy đưa tôi ra khỏi đây", Rosemary Tovar, bà mẹ trẻ 23 tuổi đến từ Caracas nói.

Hàng chục nghìn người Venezuela rời bỏ quê hương đang đổ xô tới thị trấn biên giới duy nhất với Brazil, khiến cho dịch vụ công ở bang Roraima quá tải và làm gia tăng căng thẳng. Theo lời thị trưởng Tereza Surita của Boa Vista, hơn 40.000 người Venezuela đã khiến dân số thành phố tăng 11%. 

Làn sóng di cư từ Venezuela cũng là vấn đề đau đầu đối với chính phủ của tân tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người đang chống lại sức ép của Mỹ khi buộc Brazil phải có thái độ mạnh mẽ hơn với chính quyền Tổng thống Maduro. 

Xe đổ rác tới bãi Pacaraima hai lần một ngày. Mỗi khi xe tới, khoảng một tá người Venezuela lao ra, tranh giành những túi rác vừa được đổ xuống. Đôi khi họ còn đội mũ gắn đèn, nhặt rác vào ban đêm.

"Chúng tôi kiếm đồng và vỏ lon, rồi hi vọng thấy thứ gì đó có giá trị, thậm chí thức ăn. Mục tiêu của tôi là ra khỏi đây. Chẳng ai muốn dành cả đời sống trong rác rưởi cả", Astrid Prado, một phụ nữ đang mang thai 8 tháng nói. 

Còn Charly Sanchez, 42 tuổi, đến Brazil một năm trước nhưng không đủ tiền tới Boa Vista, thủ phủ của bang Roraima để kiếm việc làm. "Chúng tôi sống nhờ bãi rác này. Chúng tôi kiếm đủ để mua gạo, có thể một ít xúc xích, nhưng không đủ tiền mua một vé đến Boa Vista", cô cho hay. 

Những hôm bị tội phạm dằn mặt cướp mất thì đành chịu đói.  Trong những thứ kiếm được từ đống rác, đồng được giá hơn cả, được trả 3,3 USD/kg.

Nguyễn Lai
.
.
.