Lo âu nạn buôn bán nội tạng người

Thứ Sáu, 01/07/2016, 10:37
Cảnh sát New Delhi, Ấn Độ đã quyết định mở rộng chiến dịch truy quét đường dây buôn bán thận vừa bị phát hiện tại Bệnh viện Apollo ra nhiều thành phố khác, và toàn bộ nhân viên của bệnh viện này đều bị triệu tập để điều tra.

Việc một trong những bệnh viện tư nhân có uy tín tại thủ đô bị bọn tội phạm lợi dụng, đưa các nạn nhân bị dụ dỗ tới bán thận với giá rẻ đang khiến dư luận nghi ngờ về sự thật được ẩn giấu đằng sau đường dây buôn bán thận bất hợp pháp vừa bị cảnh sát New Delhi bóc gỡ. Và hoạt động buôn bán thận nói riêng, nội tạng nói chung không chỉ là vấn nạn tại Ấn Độ, mà còn là của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thực trạng tại Ấn Độ, Nepal và Bangladesh

Theo thông báo của cảnh sát New Delhi, họ đã bắt và đang thẩm vấn 5 đối tượng có liên quan đến đường dây buôn bán thận bất hợp pháp tại bệnh viện Apollo. Và 2/5 đối tượng kể trên đang làm việc ở Bệnh viện Apollo. Được biết, những đối tượng này đã dụ dỗ các nạn nhân bán thận với giá khoảng 300.000 rupi (hơn 4.300 USD), sau đó chúng bán lại với giá cao gấp hàng chục, thậm chí cả trăm lần, thu về khoản lợi nhuận kếch xù. 

Và để hoạt động này diễn ra thuận lợi, bọn tội phạm đã sử dụng giấy tờ giả để chứng minh người bán có quan hệ thân thuộc với người cần ghép thận để lách luật. Theo thống kê, hoạt động buôn bán nội tạng trái phép đang hoành hành ở Ấn Độ, bởi trung bình mỗi năm có hơn 200.000 bệnh nhân cần ghép thận, nhưng chỉ khoảng 3% số người kể trên được đáp ứng.

Trong khi cảnh sát New Delhi bắt bọn buôn bán thận, thì cảnh sát Nepal cũng đau đầu đối phó với vấn nạn buôn bán nội tạng, đặc biệt là thận đang hoành hành tại quốc gia này. Bởi nhiều người nghèo không đủ sống ở những vùng nông thôn đã bị các đối tượng săn lùng. 

Vì thiếu hiểu biết, nên anh Nawaraj Pariyar, cư dân của làng Hokse đã trở thành nạn nhân bị lừa bán thận với giá 30.000 USD, tại Chennai, Ấn Độ. Nhưng 3 ngày sau phẫu thuật, anh Nawaraj Pariyar trở về với gần 300 USD và không thể tìm thấy kẻ mua nội tạng của mình. Làng Hokse ở Nepal được gọi là "làng một thận" bởi gia đình nào cũng có người đã bán thận, thậm chí có gia đình cả nhà đều bán thận.

Còn tại Bangladesh, người bán thận không những là nạn nhân của hoạt động buôn bán thận bất hợp pháp, mà còn trở thành kẻ môi giới và vòng xoay này kéo dài không hồi kết. Và để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, các ca phẫu thuật bán thận tại Bangladesh đã được chuyển tới khu vực biên giới Ấn Độ. 

Sau vợ và chị dâu, ông Belas Hossain, cư dân tại làng Kalai đã quyết định bán quả thận với giá gần 4.000 USD, để có tiền trả số nợ đang ngày một chồng chất của gia đình. 

Theo thống kê, có khoảng 8 triệu người Bangladesh cần ghép thận, nhưng luật pháp nước này quy định, việc cấy ghép chỉ được thực hiện giữa những người có quan hệ họ hàng. Nên việc lách luật được cả người bán và kẻ mua tìm mọi cách để thực hiện. Và đương nhiên, người hưởng lợi nhất là bọn buôn bán bất hợp pháp.

Những con số biết nói

Theo thống kê, mỗi ngày có thêm 12 người châu Âu chờ được ghép tạng và do thiếu nội tạng nên đã tạo ra thị trường hấp dẫn cho bọn buôn lậu. Còn theo báo cáo của tổ chức Tích hợp tài chính toàn cầu, hơn 7.000 quả thận đã được bán bất hợp pháp mỗi năm, mang lại từ 514 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm cho bọn bất lương. Trong khi đó Hội đồng châu Âu lại thông báo, mỗi năm các băng nhóm buôn bán nội tạng thu lợi bất chính khoảng 1,2 tỷ USD. 

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 10.000 ca ghép nội tạng được thực hiện trái phép trên thế giới, trong đó có sự tham gia của bọn tội phạm quốc tế. WHO cho biết, 1 quả tim có thể được bán với giá 1,5 triệu USD, tuyến tụy hoặc gan có giá gần 750.000 USD, 1 quả thận mua của nạn nhân chỉ với giá hơn 18.500 USD, nhưng được bán khoảng 125.000 USD trên thị trường chợ đen. Trung bình người mua phải trả 200.000 USD, nhưng người bán thận chỉ nhận được 5.000 USD.

Những người đã bị lừa bán nội tạng.

Hơn 1 năm trước (19-5-2015), với sự phối hợp của cảnh sát Đức và Bỉ, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt 5 đối tượng thuộc băng nhóm Serbia với cáo buộc ép một người nhập cư bán thận với giá 6.000 euro. Trước đó (13-5-2015), các công tố viên Israel từng khởi tố đường dây buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia. 7 đối tượng bị bắt đã tổ chức hoặc tiến hành các ca cấy ghép tại Azerbaijan, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovo cho người Israel và đường dây này tồn tại trong nhiều năm qua. 

Trong số những người bị bắt đáng chú ý có Moshe Harel, đối tượng từng bị toà án do Liên minh châu Âu đứng đầu tại Kosovo xét xử năm 2013 vì tội buôn bán nội tạng tại trung tâm y tế Pristina. Và 14 nước châu Âu, trong đó có Anh, Tây Ban Nha, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ... muốn ký một hiệp định quốc tế đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực chống buôn lậu nội tạng người. 

Bởi theo dự luật của Hội đồng châu Âu, mọi hành động lấy nội tạng khỏi cơ thể con người, khi còn sống cũng như khi đã chết mà không có sự cho phép của người đó, đều là bất hợp pháp; đồng thời cấm kinh doanh từ hoạt động cấy ghép nội tạng. Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjoern Jagland nhấn mạnh, buôn bán nội tạng người đang là vấn nạn nhức nhối của thế giới. Và Hội đồng châu Âu từng thông qua một công ước quốc tế coi buôn bán nội tạng người là phạm pháp, tạo hành lang pháp lý để cảnh sát truy bắt các băng đảng xuyên quốc gia tham gia vào hoạt động này.

Một số vụ việc tại Trung Quốc

Hơn 1 năm trước (10-3-2015), tờ The Jakarta Post cho biết, Trung Quốc đã cấm việc thu thập nội tạng tử tù phục vụ nhu cầu cấy ghép. Thông tin kể trên được tờ The Jakarta Post đưa ra sau phát biểu bên lề kỳ họp lưỡng hội tại Bắc Kinh hồi thượng tuần tháng 3-2015 của ông Hoàng Khiết Phu, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện là Chủ tịch Hội Hiến tạng Trung Quốc kiêm Phó ban Bảo vệ sức khỏe trung ương. 

Bởi theo ông Hoàng Khiết Phu, việc hiến tạng ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển mới, trong đó hiến tạng tình nguyện sẽ là nguồn cung cấp duy nhất. Hiện 38 trung tâm ghép tạng của Trung Quốc đã ngưng sử dụng nội tạng của tử tù và chuyển sang các nguồn cung cấp khác. 

Theo giới truyền thông, việc cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc được bắt đầu từ thập niên 1980, và khởi điểm là lấy nội tạng của tử tù. Năm 1984, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan đã ban hành quy định về việc cấy ghép nội tạng từ tử tù. Và theo thống kê, trước năm 2009, Trung Quốc không có hệ thống công dân tự nguyện hiến tặng nội tạng, do đó việc cấy ghép nội tạng của tử tù là điều bất đắc dĩ. Nên từ năm 2009, Trung Quốc đã khởi động hệ thống hiến tặng nội tạng trên phạm vi toàn quốc. 

Bên cạnh đó, hệ thống thu thập nội tạng thuộc Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc cũng chính thức được thành lập. Cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết, khoảng 1,5 triệu người dân nước này cần ghép tạng, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 10.000 ca được thực hiện do thiếu nguồn hiến tặng. Chính thực tế này đã khiến cho thị trường chợ đen buôn bán nội tạng phát triển với tốc độ chóng mặt.

Gần 2 năm trước (10-8-2014), Tòa án tỉnh Giang Tây đã tuyên phạt 12 đối tượng, trong đó có bác sĩ và nhân viên y tế trong đường dây mua bán thận, trục lợi khoảng 250.000 USD với các mức án từ 2 đến 9,5 năm tù giam. Trước đó (4-8-2012), Tân Hoa xã và tờ Telegraph cho biết, Bộ Công an Trung Quốc vừa triệt phá một đường dây chuyên buôn bán nội tạng người, bắt 137 nghi phạm và giải cứu 127 người có ý định bán nội tạng. 

Theo lời khai của 127 người định bán nội tạng vừa được giải cứu, họ được những kẻ trong đường dây kể trên dụ dỗ bán những bộ phận trong cơ thể theo giá thoả thuận. Và những người này không biết bọn buôn bán nội tạng đã bán gấp khoảng 20 lần số tiền chúng trả cho họ. Thủ đoạn chính của bọn tội phạm là tìm người bán nội tạng qua Internet, dụ dỗ và thỏa thuận với giá bèo sau đó bán lại cho người có nhu cầu với giá khủng.

Bà Elena Sablina đã tình cờ phát hiện 6 cơ quan nội tạng của cô con gái Alina, trong đó có tim và 2 quả thận, đã bị bác sĩ lấy đi để cấy ghép và vụ việc này vẫn đang thu hút sự chú ý trong dư luận Nga. Theo giới truyền thông, 1 tháng sau khi con gái Alina qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi, bà Elena Sablina mới biết, có tới 6 cơ quan nội tạng của con mình đã bị lấy đi và người mẹ này đang đòi lại công bằng. Bởi sau khi gửi đơn kiện tới 5 tòa án Nga nhưng đều vô vọng, cuối cùng bà Elena Sablina đã gửi đơn kiện đến Tòa án nhân quyền châu Âu ở Pháp. Giới luật gia cho biết, mặc dù bác sĩ đã tự ý lấy nội tạng của nạn nhân mà không có sự đồng ý của gia đình, nhưng việc này lại hoàn toàn hợp pháp ở Nga.
Phạm Huy Anh
.
.
.