Lại nổi sóng sau thỏa thuận giữa Tehran và nhóm P5+1?
- Quốc hội Iran phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1
- Hé lộ nội dung thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran và nhóm P5+1
- Nhóm P5+1 và Iran bước vào 'cuộc đàm phán cuối cùng'
Ngày 13-10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh Mỹ “không thể và sẽ không xác nhận” Iran đã tuân thủ “Kế hoạch hành động toàn diện chung” (JCPOA - tên thỏa thuận).
Cáo buộc bất tuân thủ
Trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ nói Iran không đáp ứng tinh thuần thỏa thuận hạt nhân đã ký kết với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) là Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, cộng với Đức).
Tuyên bố mới của người đứng đầu Nhà Trắng không có nghĩa Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ở thời điểm hiện tại. Trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ phải quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận, vốn đã được Tehran yêu cầu dỡ bỏ để đổi lại việc hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không.
Phản ứng về tuyên bố của Tổng thống Mỹ, cả Nga và Đức đều đã bày tỏ quan ngại về hậu quả nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận nói trên. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani ngày 13-10 cho biết nếu Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thì thỏa thuận quốc tế này sẽ chấm dứt. Trước đó, các nước Anh, Trung Quốc khẳng định thỏa thuận hạt nhân này không bị hủy bỏ.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 14-10 cho rằng, nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran, điều đó có thể khiến Iran phát triển vũ khí hạt nhân và làm gia tăng nguy cơ chiến tranh gần châu Âu.
Phát biểu trên Đài Deutschlandfunk, Ngoại trưởng Gabriel nói: "Mối lo ngại lớn của tôi là điều đang xảy ra tại Iran hoặc với Iran theo quan điểm của Mỹ, sẽ không chỉ là một vấn đề của Iran mà nhiều nước khác trên thế giới sẽ cân nhắc xem liệu họ có cần sở hữu vũ khí hạt nhân hay không do những thỏa thuận như vậy đang bị hủy bỏ".
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho rằng Mỹ có thể bị cô lập tại HĐBA LHQ nếu hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Iran nhiều lần cố mua công nghệ vũ khí hạt nhân
Giới quan sát tin rằng không phải vô cớ mà Mỹ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận. Theo các báo cáo tình báo địa phương của Đức, Iran đã "32 lần nỗ lực mua sắm những công nghệ chắc chắn hoặc nhiều khả năng để dùng cho các chương trình làm giàu hạt nhân”.
Theo tài liệu, 32 nỗ lực đã diễn ra tại bang North Rhine-Westphalia của Đức. Cơ quan tình báo North Rhine-Westphalia cáo buộc Iran sử dụng các công ty bình phong ở Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc để lách các lệnh trừng phạt quốc tế về các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ.
Báo cáo tình báo bao phủ khoảng thời gian từ năm 2016 (thỏa thuận hạt nhân Iran được ký ngày 16-1-2016), nêu nghi ngại sâu sắc về việc tuân thủ thỏa thuận của Iran. Phần lớn các nỗ lực bất hợp pháp của Iran trong năm 2016 ở North Rhine-Westphalia bao gồm nỗ lực mua công nghệ cho các chương trình tên lửa.
Trong một báo cáo tình báo thứ hai do Fox News công bố, Cơ quan tình báo bang Hessen của Đức cho biết Iran, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Sudan đã sử dụng các "học giả khách mời" trong các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến các chương trình vũ khí hạt nhân và vũ khí khác. "Một ví dụ cho loại hình hoạt động này xảy ra trong lĩnh vực công nghệ điện tử liên quan đến hoạt động làm giàu uranium", tài liệu viết.
Các quan chức tình báo cũng trích dẫn một ví dụ về các dịch vụ tình báo nước ngoài sử dụng "trao đổi nghiên cứu sinh tại các trường đại học trong lĩnh vực sinh học và hoá học".
Một báo cáo tình báo thứ ba, từ bang Saxony-Anhalt của Đức, nói Iran hoạt động "không suy giảm" trong chương trình tên lửa của nước này. "Với tên lửa đạn đạo và tên lửa tầm xa, Iran không chỉ có khả năng đe dọa châu Âu", báo cáo viết
Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ quy định "các hoạt động với Iran trong việc sử dụng hạt nhân và phi hạt nhân dân dụng đầu cuối" phải được gửi đến một nhóm công tác kỹ thuật của LHQ.