Khi cảnh sát Philippines đứng sau khủng bố?
- Phát hiện nhiều xác người dân dưới cống thoát nước gần Marawi
- Philippines tuyên bố 3 ngày nữa sẽ giải phóng Marawi
Việc lần đầu tiên sử dụng hỏa lực mạnh diễn ra sau khi người ta biết vị trí của Isnilon Hapilon, một trong những nghi can khủng bố bị truy lùng gắt gao nhất châu Á đang ở trong thành phố này.
Giao tranh tại Marawi bùng phát vào chiều 23-5 sau khi lực lượng an ninh đột kích một ngôi nhà nghi là nơi Isnilon Hapilon đang ẩn náu. Isnilon Hapilon là thủ lĩnh của nhóm phiến quân Abu Sayyaf đã tuyên bố trung thành với IS, bị Mỹ liệt vào danh sách những phần tử khủng bố nguy hiểm nhất thế giới và treo thưởng 5 triệu USD để bắt giữ.
Binh sĩ Philippines tuần tra trên một tuyến phố ở Marawi. |
Tư lệnh quân đội Eduardo Aoo cho biết, Isnilon Hapilom vẫn đang ẩn náu trong thành phố dưới sự bảo vệ của các tay súng cực đoan. Tờ Philstar vừa dẫn lời ông Mujiv Hataman, Thống đốc khu tự trị Hồi giáo Mindanao (ARMM) cho biết, Marawi hiện gần như một thành phố ma bởi hầu hết cư dân đã được sơ tán, để quân đội giành lại các vùng đất khỏi tay phiến quân Maute. Marawi là thủ phủ của tỉnh Lanao de Sur và tỉnh này thuộc ARMM.
Tư lệnh bộ chỉ huy quân sự miền Tây Mindanao, Thiếu tướng Carlito Galvez khẳng định, đang nỗ lực sử dụng lực lượng của mình ở mức tối đa để ngăn chặn bạo loạn và duy trì tình trạng bình thường tại Marawi.
Thiếu tướng Carlito Galvez cho rằng, quân đội có thể tiêu diệt nhóm phiến quân khủng bố tại Marawi trong 3 ngày tới, theo đó 30-5 người dân có thể về nhà của họ.
Theo người phát ngôn của quân đội Philippines Restituto Padilla cho biết, khi tiến sâu vào thành phố hôm 27-5, quân đội đã tiêu diệt ít nhất 31 tay súng phiến quân và 6 trong đó là người Malaysia và Indonesia. Quân đội đã tập trung quân lực cùng xe bọc thép và trực thăng để săn lùng những tay súng Hồi giáo cực đoan đóng tại một số điểm tại Marawi.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở Mindanao sau khi IS tuyên bố “một trận tấn công quy mô lớn nhắm vào các vị trí quân Philippines ở Marawi”.
Và trong tuyên bố hôm 27-5, ông Rodrigo Duterte cảnh báo, sự xuất hiện của các tay súng ngoại quốc trong cuộc chiến ở Marawi chứng tỏ, IS đã đặt chân đến Mindanao.
Ông Rodrigo Duterte tuyên bố, nhóm phiến quân Maute muốn thiết lập một tỉnh IS ở thành phố Marawi. Nhóm phiến quân Maute chỉ có khoảng 100 tay súng, nhưng đã đẩy lùi quân Chính phủ ra khỏi thành phố Marawi, giết hại nhiều sĩ quan an ninh, cảnh sát và bắt cóc dân thường làm lá chắn sống. Và điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng tác chiến, chống phiến quân cực đoan của các lực lượng vũ trang ở Philippines.
Theo ông Jose Calida, quan chức hàng đầu về pháp luật của Chính phủ Philippines, những gì đang diễn ra ở Mindanao không còn là một cuộc nổi dậy của người dân Philippines, bởi đã biến thành một cuộc xâm lược của các chiến binh nước ngoài (có công dân Malaysia, Indonesia và Singapore).
Việc phiến quân Hồi giáo nước ngoài hiện diện ở Philippines làm dấy lên lo ngại nước này có thể trở thành thiên đường cho các tay súng nước ngoài. Trước đó (26-5), Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi nhóm phiến quân Maute chấm dứt các hành động thù địch và tiến hành đối thoại với Chính phủ. Ông Rodrigo Duterte từng hứa, sẽ từ chức nếu không dẹp loạn được ở miền Nam đất nước.
Omar Maute và Abdullah Maute, hai kẻ lập ra nhóm phiến quân Maute. |
“Họ vốn là cảnh sát ở Manila, nhưng do hám tiền từ ma túy nên họ đã trở lại đây (Marawi) và lập ra một trong những cơ sở sản xuất ma túy lớn nhất Lanao del Sur”, ông Rodrigo Duterte nói. Đồng thời cho biết, số tiền mà anh em nhà Maute thu được từ việc buôn bán ma túy đã dùng để tài trợ cho hoạt động của nhóm phiến quân Maute.
Theo tờ Inquirer, 2 cựu sĩ quan cảnh sát chống ma túy Abdullah Maute và Omar Maute đã dùng số tiền thu được từ buôn bán ma túy để tuyển quân, mua sắm vũ khí. Các tay súng Maute cắm cờ đen của IS ở những nơi chúng chiếm đóng. Theo ông Rodrigo Duterte, thông qua nhóm phiến quân Maute, IS ở Syria và Iraq có thể thâm nhập vào Philippines.
Cố vấn của Tổng thống Philippines về tiến trình hòa bình Jesus Dureza cho biết, đại diện Chính phủ sẽ không tham gia vòng hòa đàm thứ 5 với nhóm phiến quân cánh tả Mặt trận Dân tộc Dân chủ Philippines (NDFP) dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Hà Lan. Cố vấn đàm phán của NDFP Luis Jalandoni cho biết, họ đã nhận được thông báo của Chính phủ về việc hủy vòng hòa đàm thứ 5. Trước đó (2-4), đại diện Chính phủ Philippines và nhóm phiến quân cánh tả NDFP không đạt được bất cứ thỏa thuận hòa bình nào và đó là vòng đám phán thứ 4. Tham mưu trưởng quân đội Philippines, Tướng Eduardo Ano cho biết, Chính phủ không thể chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn đơn phương vì lực lượng Quân đội Nhân dân mới (NPA), nhánh vũ trang của NDFP, đã lợi dụng ngừng bắn để tống tiền các doanh nghiệp và người dân. |