Haqqani: Nhân tố chi phối Afghanistan hậu Nato
- Taliban liên tục "nổ súng" tại Afghanistan
- Taliban tuyên bố vẫn tấn công chính phủ Afghanistan dù đạt thỏa thuận với Mỹ
- Thêm nhiều người chết trong vụ đánh bom đám cưới ở Afghanistan
Mặc dù Washington có rút các lực lượng chiến đấu của Mỹ hay không, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ để lại một sự hiện diện “rất mạnh mẽ của tình báo” ở Afghanistan, nơi ông gọi là “Đại học Harvard của những kẻ khủng bố”.
Sự "tiến hóa" của khủng bố
Tuy nhiên, Melissa Skorka, cựu cố vấn chiến lược cho chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế tại Afghanistan từ 2011-2014 và là một ứng cử viên tiến sĩ tại Trung tâm Thay đổi Chiến tranh của Đại học Oxford, cho rằng để chiến lược này đạt các mục tiêu an ninh của nó, cần lưu ý một vấn đề trước đây chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ: Vì sao các tổ chức khủng bố hiện đại có thể bẻ cong các chính sách đối ngoại của Mỹ để tồn tại, và thậm chí phát triển mạnh bằng cách thích nghi với các biện pháp chống khủng bố của phương Tây theo những cách ngấm ngầm và thường bị đánh giá thấp.
Mạng lưới Haqqani, một mạng lưới khủng bố có mối quan hệ chặt chẽ với Taliban, Al-Qaeda và Dịch vụ Tình báo Pakistan (ISI), đã phát triển trong nửa thế kỷ qua và hiện đang gây ảnh hưởng chưa từng có trong cuộc nổi dậy ở Afghanistan, theo Tổ giám sát IS, Al-Qaeda và Taliban của Liên Hiệp Quốc.
Mạng lưới Haqqani ngày càng trở thành một thế lực mạnh mẽ, mối quan hệ với các nhà bảo trợ nhà nước và phi nhà nước sẽ quyết định Afghanistan sẽ trở thành một đất nước như thế nào. Điều này thậm chí có tính quyết định lớn hơn cả kế hoạch của Chính phủ Mỹ đối với Kabul và Taliban.
Chiến lược hòa bình của chính quyền Trump thành công hay thất bại sẽ phụ thuộc vào việc họ có thể loại bỏ hay tách Haqqani khỏi Al-Qaeda và ISI hay không. Trong nhiều thập kỷ qua, các tổ chức khủng bố này đã tiến hành các hoạt động ủy nhiệm khủng bố để thúc đẩy lợi ích chiến lược ở Afghanistan - khu vực Pakistan.
Bất chấp các biện pháp chống khủng bố tiên tiến, khả năng phục hồi và phát triển của mạng Haqqani chứng minh rằng họ có kinh nghiệm trong việc lật đổ chính sách của Mỹ và có thể sẽ tiếp tục làm như vậy trong giai đoạn xung đột tiếp theo. Chiến lược lật ngược tình thế của nhóm khủng bố được phản ánh bởi sự tiến hóa chính trị của họ.
Kể từ ngày 11-9-2001, Haqqani đã phát triển từ một mạng lưới thánh chiến tương đối nhỏ, dựa trên bộ lạc thành một trong những tổ chức khủng bố có ảnh hưởng nhất ở Nam Á. Sự củng cố quyền lực này được thể hiện qua vai trò nổi bật của nhà lãnh đạo tổ chức, Sirajuddin Haqqani, người được biết đến như chỉ huy thứ hai của Taliban Afghanistan kể từ năm 2015, lãnh đạo mọi hoạt động quân sự cho cuộc nổi dậy nói chung.
Haqqani đã chủ mưu tấn công Đại sứ quán Mỹ và trụ sở NATO ở Kabul năm 2011, lãnh sự quán Mỹ ở tỉnh Herat năm 2013 và một căn cứ của Mỹ ở tỉnh Khost năm 2009, đã giết chết 7 nhân viên của CIA. Nhóm này đã giam giữ Trung sĩ quân đội Mỹ Bowe Bergdahl, phóng viên David Rohde của New York Times và nhân viên cứu trợ Mỹ Warren Weinstein, người đã chết khi đang bị giam giữ.
"Thánh chiến" quốc tế?
Không giống phần lớn các nhóm khủng bố ở Afghanistan, mạng lưới Haqqani đã thành công trong việc nuôi dưỡng hình ảnh của một nhóm “thánh chiến quốc tế” trong gần nửa thế kỷ qua, một phần vì nó đã tạo ra các mối quan hệ với một tập hợp những người ủng hộ đa dạng về tư tưởng chính trị hoặc ý thức hệ.
Những người này bao gồm các thành viên cấp cao của Al-Qaeda và các tình nguyện viên chiến đấu nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới, các phe phái của Taliban Pakistan và các nhà tài trợ tư nhân giàu có từ các quốc gia Ả Rập thuộc Vịnh Ba Tư.
Hiện trường một vụ tấn công bằng máy bay không người lái tại Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan, vào năm 2013. Cuộc tấn công đã giết chết một thành viên cấp cao của mạng lưới Haqqani. |
Các chuyên gia chống khủng bố Vahid Brown và Don Rassler khẳng định mạng lưới Haqqani quan trọng đối với sự phát triển và duy trì của Al-Qaeda và thánh chiến toàn cầu hơn bất kỳ nhân tố hay nhóm nào khác. Ngày nay, mạng lưới Haqqani bao gồm gần như tất cả các phe thánh chiến Deobandi hoạt động trong các khu vực định cư của Pakistan - những phe phái sẽ không tồn tại nếu không có sự bảo vệ và bảo trợ của Sirajuddin Haqqani. Vì vậy, Washington nên xem xét dữ liệu mới về việc mở rộng mạng lưới và phạm vi ảnh hưởng của Haqqani ở các vùng đất vượt xa Nam Á.
Tướng John R. Allen, cựu chỉ huy liên quân do Mỹ lãnh đạo ở Afghanistan và đặc phái viên Mỹ dẫn đầu cuộc chiến ở Iraq và Syria chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng, cho biết Mỹ đã quan tâm đến việc Haqqani mở rộng mạng lưới ra ngoài Nam Á: Mặc dù nhiều nhóm thánh chiến đang gửi lãnh đạo và chiến binh của họ đến những nơi như Syria, rất ít nhóm trong số này có quan hệ chặt chẽ với Al-Qaeda, hay có hiểu biết về truyền thông, có năng lực quân sự và chuyên môn kỹ thuật cho các cuộc tấn công tự sát như mạng lưới Haqqani.
Những kẻ khủng bố hiện đại thích nghi với các cơ hội và mối đe dọa mới bằng cách sử dụng internet để xây dựng các mạng lưới toàn cầu ngày càng mạnh mẽ để chỉ huy các lực lượng và thu hút các tín đồ mới, bằng cách vũ khí hóa công nghệ tiên tiến có sẵn như thiết bị bay điều khiển từ xa, cũng như khai thác nhanh chóng những thay đổi chính trị và xã hội toàn cầu.
Trung tướng về hưu Michael Nagata, cựu Giám đốc chiến lược của Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ, cho rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần xem xét cả sức mạnh và tốc độ của xu hướng này.
“Sự trỗi dậy của IS là một ví dụ. Chỉ trong 5 năm, mạng lưới toàn cầu của IS đã lớn hơn Al-Qaeda đã có trước đó nhiều thập kỷ. Và tất cả các nhóm khủng bố đang bắt chước những đổi mới của IS. Ở Nam Á, nơi chúng ta phải đối mặt với sự liên kết giữa Al-Qaeda, Taliban, Haqqani và IS, thật không khôn ngoan khi cho rằng các cách tiếp cận truyền thống của chúng ta đã đủ. Vì những kẻ thù này thích nghi quá nhanh”.
Washington đã dựa vào Islamabad để giải quyết các mối đe dọa an ninh sau ngày 11-9-2001, đặc biệt liên quan đến Al-Qaeda và mạng lưới Haqqani. Pakistan đã khai thác chính sách phương Tây này bằng cách hỗ trợ các ủy nhiệm Hồi giáo dưới “chiếc ô hạt nhân” để củng cố chương trình nghị sự chiến lược hẹp của đất nước.
Nay, khi chính quyền Trump và các quan chức Mỹ gia tăng quan sát, Pakistan bị phơi bày là một trong những nơi tập trung cao nhất các tổ chức bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố nước ngoài. Các quan chức Mỹ chỉ trích Islamabad cung cấp nơi ẩn náu cho những kẻ cực đoan bạo lực trong khu vực bằng cách che bóng họ sau ISI.
Như trong nhiều năm qua, ISI tiếp tục xem mạng lưới Haqqani đặc biệt có giá trị đối với các lợi ích chiến lược của Pakistan về một Afghanistan hậu NATO. Sự gắn kết và tiếp cận với mạng lưới Haqqani đã giúp ISI hướng tới chiều sâu chiến lược được tìm kiếm lâu dài của nó, đó là một uyển ngữ cho một chế độ tuân thủ ở Kabul để tránh Pakistan bị Ấn Độ bao vây.
(Còn tiếp)