Gia tăng cuộc chiến "người di cư"
- Cảnh sát Macedonia sử dụng hơi cay trấn áp người di cư tại biên giới
- Cảnh sát châu Âu bó tay trước nạn di cư
- Cảnh sát Đức bó tay trước tội phạm di cư?
- Nhà chức trách Pháp giúp người di cư bằng những chiếc container
Trước thềm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7-3 và hội nghị thượng đỉnh EU về vấn đề di cư diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-3, Cao ủy về vấn đề di cư của EU Dimitris Avramopoulos đã cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ của khu vực tự do đi lại , nếu cuộc khủng hoảng nhập cư không được giải quyết kịp thời. Bởi tính đến nay đã có 7 quốc gia châu Âu khôi phục kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen và nhiều nước khác cũng tuyên bố, sẽ đơn phương siết chặt kiểm soát biên giới nếu thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được hiệu quả trước 2 cuộc họp kể trên.
Bấy lâu nay, châu Âu áp dụng hệ thống "biên giới thông minh", cho phép sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm cải thiện việc kiểm soát. Nhất là sau vụ khủng bố ở Paris tối 13-11-2015, việc kiểm soát biên giới được tăng cường và các quốc gia thành viên đã đề nghị Ủy ban châu Âu chuẩn bị văn bản pháp lý cho phép kiểm soát toàn bộ công dân.
Cảnh sát Thụy sĩ trước giờ làm nhiệm vụ. |
Theo Bộ trưởng về Nhập cư và Tị nạn Bỉ Francken, với việc áp dụng kiểm soát, thời gian chờ đợi tại sân bay sẽ tăng lên và các quốc gia không muốn mất nhiều thời gian kiểm soát tại sân bay có thể áp dụng việc kiểm soát mang tính mục tiêu hơn là kiểm soát theo hệ thống.
Ngày 26-2, Hy Lạp đã từ chối chuyến thăm của Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner sau khi nước này bị gạt ra khỏi hội nghị của khu vực Balkan bàn về vấn đề người di cư. Trước đó (25-2), Bộ Ngoại giao Hy Lạp đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Áo để tham vấn về vấn đề người di cư của các nước Tây Balkan do Áo tổ chức, nhưng không có sự tham gia của Hy Lạp, quốc gia đang bị ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng người di cư.
Đồng thời cho rằng, Áo đứng sau các biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới mà các nước Balkan mới áp dụng, khiến cho dòng người di cư bị mắc kẹt ở Hy Lạp càng thêm đông. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cảnh báo, sẽ không hợp tác với EU trong các thoả thuận sau này liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư, nếu gánh nặng này không được chia đều trong các nước thành viên.
Cùng ngày 26-2, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cũng khuyến cáo, trước ngày 7-3, họ muốn giảm mạnh số người tị nạn tại khu vực biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không Đức sẽ cần tới các biện pháp chung khác. Cũng trong ngày 26-2, tại cuộc trả lời phỏng vấn chung với Bộ trưởng phụ trách di cư Thụy Điển Morgan Johanson, Bộ trưởng Thomas de Maiziere cho biết, 2 nước muốn thực hiện các chuyến bay chung để hồi hương người tị nạn Afghanistan. Còn Bộ trưởng Morgan Johanson coi đây là việc "cực chẳng đã", bởi nếu không sẽ "không thể kiểm soát tình hình".
Ông Thomas de Maiziere đưa ra tuyên bố kể trên sau khi dự cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ và nhập cư EU hôm 25-2 ở Brussels, và lãnh đạo EU đã nhất trí tăng cường kiểm soát chặt chẽ biên giới bên ngoài đối với tất cả người nhập cảnh vào lục địa này. Theo số liệu công bố hôm 25-2 của Bộ Nội vụ Đức, khoảng 13% số người đã đăng ký tị nạn trong năm 2015 không tới các cơ sở tị nạn được phân bổ. Tính đến nay hơn 130.000 người tị nạn "biến mất" không lý do và có thể họ tiếp tục hành trình tới một nước khác, hoặc làm "gì đó".
EU cũng vừa cảnh báo Thụy Sĩ về ý định đơn phương áp đặt các quy định hạn chế đi lại trong khu vực Schengen. Bởi tại phiên họp ngày 24-2, Chính phủ Thụy Sĩ đã thảo luận sáng kiến của đảng Nhân dân Thụy Sĩ về "chống nhập cư hàng loạt". Trước đó (23-2), EU đã đánh tiếng tới quốc gia trung lập này rằng, việc đưa ra quy định hạn chế số lượng hay áp đặt hạn ngạch nhận người di cư sẽ bị coi là hành động khiêu khích.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban lại công bố một kế hoạch trưng cầu dân ý tại nước này về việc thực hiện kế hoạch phân hạn ngạch thu nhận người di cư của EU, và coi việc EU chi tiền và thực hiện các nhượng bộ với Thổ Nhĩ Kỳ, để đổi lấy việc Ankara ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu là ảo tưởng. Đồng thời cho rằng, động thái này khiến cho tương lai và an ninh của châu Âu phụ thuộc vào thiện chí của Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi EU đã thông qua quỹ hỗ trợ trị giá 3,3 tỉ USD trong tháng 2, để Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện điều kiện sống cho người tị nạn tại nước họ và đảm bảo dòng người di cư sẽ không tới châu Âu.