Cảnh sát châu Âu bó tay trước nạn di cư

Thứ Sáu, 19/02/2016, 09:19
Ngày 15-2, hội nghị thượng đỉnh 4 nước Trung-Đông Âu, gồm Cộng hòa Czech, Ba Lan, Hungary và Slovakia (còn gọi là Visegrad) đã thông qua Tuyên bố chung, cảnh báo châu Âu sẽ bị đe dọa nếu cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay không được kiểm soát có hiệu quả.


Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni nhấn mạnh, chưa bao giờ sự tồn tại của EU bị thách thức lớn như vậy. Trước đó, Thủ tướng Italia Matteo Renzi cho rằng, những người muốn phá Hiệp ước Schengen thực chất là muốn phá hủy châu Âu. Theo số liệu thống kê vừa công bố của Bộ Nội vụ Italia, chỉ trong 40 ngày đầu năm 2016, số người di cư bằng đường biển từ Bắc Phi tới nước này đã lên tới 6.030 người, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái và việc này đang tạo cơ hội lý tưởng cho bọn buôn người hoạt động.

Cảnh sát tuần tra tại Brussels.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Italia Angelino Alfano tuyên bố, nước này ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc yêu cầu NATO tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trên biển Aegea. Ngày 8-2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu về các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, giúp hạn chế dòng người tị nạn đổ vào châu Âu, nhất là nạn di cư bất hợp pháp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ và Cơ quan Biên phòng châu Âu. Trước đó (5-2), Bộ trưởng Nội vụ Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) để tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tối 7-2, bà Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặp nhau tại Strasbourg để thảo luận cuộc khủng hoảng di cư.

Và trước áp lực của dòng người di cư không có dấu hiệu giảm nhiệt, ngày 11-2, Bộ Nội vụ Đức cho biết, sẽ kéo dài việc kiểm soát biên giới thêm 3 tháng và dự kiến kết thúc vào trung tuần tháng 5-2016. Bộ Nội vụ Đức đã thông báo quyết định này với Ủy ban Liên minh châu Âu và các nước trong khu vực Shengen.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cảnh báo, Thủ tướng Angela Merkel đang chịu sức ép trong việc giảm số người tị nạn tới Đức khi cử tri hoài nghi về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay. Bộ trưởng Lao động và Các vấn đề xã hội Đức Andrea Nahles tuyên bố, sẽ cắt trợ cấp đối với những người di cư không muốn hòa nhập.

Ngày 12-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhắc lại cảnh báo sẽ trục xuất 2,5 triệu người Syria đang sống tị nạn tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tới các khu vực biên giới của EU, nếu các nỗ lực của Ankara không được hỗ trợ. Bởi tháng 11-2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận với EU, theo đó Ankara sẽ chặn dòng người di cư để đối lấy khoản hỗ trợ tài chính trị giá 3,2 tỷ USD.

Trước đó (9-2), tờ Tấm gương của Đức cho biết, tại các cuộc thảo luận với lãnh đạo EU, ông Recep Tayyip Erdogan đã dọa sẽ để toàn bộ người tị nạn từ nước này tràn vào EU nếu Ankara không nhận được 3,2 tỷ USD từ "lục địa già". Các nước thành viên EU cũng vừa ra tối hậu thư (12-2) yêu cầu Hy Lạp trong vòng 3 tháng tới phải khắc phục những lỗ hổng trong việc kiểm soát dòng người di cư nước ngoài, nếu không Athens sẽ phải đối mặt với những biện pháp kiểm soát biên giới với các nước còn lại trong khu vực Schengen.

Cảnh sát Bulgaria vừa bắt 3 công dân Syria (đều đăng ký xin tị nạn tại Đức) cố tình vượt biên bất hợp pháp sang Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập IS. Và chỉ 3 ngày sau khi bị bắt, ngày 12-2, một tòa án ở miền Nam Bulgaria đã tuyên 12 tháng tù treo đối với 3 người này và nếu cơ quan chức năng làm rõ mối quan hệ của họ với các hoạt động khủng bố của IS, họ sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam. Trước đó, cảnh sát Hy Lạp đã bắt 2 đối tượng mang hộ chiếu Thụy Điển ở nước này bị tình nghi có quan hệ với các nhóm thánh chiến.

Ngày 16-2, cảnh sát Bỉ đã bắt 10 đối tượng bị tình nghi điều hành mạng lưới tuyển mộ chiến binh cho IS ở Brussels, và tịch thu máy tính và điện thoại di động. Trước đó (14-2), Thủ tướng Áo Faymann cho biết, nước này sẽ xây dựng các hàng rào mới nhằm bảo vệ tốt hơn đường biên giới, đặc biệt là khu vực giáp với Italia. Cùng ngày 14-2, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cảnh báo, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ "khủng bố nghiêm trọng" 1 năm sau vụ tấn công kép tại Copenhagen.

Thiện Lân
.
.
.