Ecuador truy nã cựu Tổng thống, ngoại trưởng

Thứ Năm, 25/04/2019, 11:26
Ông Ricardo Patino được biết đến là người bất đồng với chính quyền Ecuador đương nhiệm, vị quan chức 64 tuổi còn ủng hộ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, cho phép ông này cư trú tại trụ sở Đại sứ quán Ecuador tại Anh.


 Cựu ngoại trưởng Patino đã chỉ trích chính phủ Ecuador vi phạm hiến pháp cũng như luật quốc tế, khi "phản bội" lại người tiết lộ bí mật của chính phủ Mỹ.

Interpol "sờ gáy"

"Văn phòng Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) chính thức tuyên bố tội phạm đối với ông Ricardo Patino, về tội danh xúi giục. Ông Patino đã phát biểu rằng chính mình đã xúi giục nhân dân biểu tình, chiếm lấy các cơ quan nhà nước, cũng như chặn các ngả đường". 

Bên cạnh các hoạt động chống chính phủ, ông Patino còn bị cho là dính dáng đến nhà phát triển phần mềm Thụy Điển Ola Bini, người vừa bị bắt mới đây với cáo buộc "hack" (chiếm quyền điều khiển) cho WikiLeaks.

Chính phủ cáo buộc cựu ngoại trưởng Patino và tin tặc Bini đã đến gặp công dân Australia Assange tại Đại sứ quán Ecuador. Bộ Nội vụ cáo buộc Patino tham gia vào kế hoạch “gây bất ổn” chính phủ. 

Một quan chức giấu tên ở Ecuador nói với hãng tin AP rằng người đàn ông tên Ola Bini (sống ở thủ đô Quito của Ecuador) đã bị bắt khi các nhà chức trách cố gắng phá hỏng âm mưu chống lại Tổng thống Ecuador Lenin Moreno. Quan chức này tiết lộ trong điều kiện giấu tên và không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào về Bini.

Cựu Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino.

Giậu đổ bìm leo

Ông Patino là một nhân vật thân cận của cựu Tổng thống Rafael Correa và là một trong những nhà lãnh đạo uy tín nhất của phong trào chính trị Cách mạng Công dân. Trong thời gian từ năm 2007-2017, ông Patino từng giữ các chức vụ bộ trưởng kinh tế, ngoại giao và quốc phòng trong chính quyền của ông Correa.

Sau khi hết nhiệm kỳ, Bộ Tư pháp Ecuador đã đề nghị Interpol phát lệnh báo động đỏ đối với cựu Tổng thống Rafael Correa theo phán quyết của Thẩm phán nước này Daniela Camacho về việc bắt tạm giam ông Correa chờ xét xử với cáo buộc âm mưu bắt cóc chính trị gia đối lập Fernando Balda hồi năm 2012 ở Colombia.

Theo thông cáo mà Interpol gửi tới Tòa án Tư pháp Quốc gia (CNJ) của Ecuador, tổ chức này cho biết đã xóa bỏ các dữ liệu về công dân Rafael Correa của Ecuador sau khi kiểm tra các yếu tố liên quan tới tình trạng tư pháp của ông này.

Interpol nhấn mạnh, các thông tin có sẵn cho thấy việc lưu giữ các số liệu về ông Correa trong Hệ thống Thông tin của Interpol không tương thích với nghĩa vụ của tổ chức này về việc đảm bảo sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan công quyền trong phạm vi “tôn trọng Tuyên bố Nhân quyền Quốc tế”.

Về phần mình, CNJ đã bày tỏ sự không đồng tình với quyết định trên của Interpol, cho rằng cơ quan này “không tuân thủ các quy định được đưa ra trong Điều 38 thuộc Quy chế của Ủy ban Kiểm soát Dữ liệu Interpol”, đồng thời nhấn mạnh đề nghị phát lệnh báo động đỏ của Interpol và lệnh dẫn độ là “các thủ tục khác nhau”. 

Riêng cựu Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino mới đây vừa bị Interpol  xếp vào 'danh sách đỏ', sau khi bí mật rời khỏi Ecuador trước nguy cơ bị truy tố, sau khi chính phủ của Tổng thống Lenin Moreno ngừng ủng hộ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Cựu Tổng thống Rafael Correa.

Trong khi các cơ quan đang thụ lý vụ điều tra, tòa án Ecuador đã yêu cầu quản thúc ông Patino tại nhà riêng. Thế nhưng, ông này đã trốn thoát sang Peru vào tối 18-4. Ecuador đã yêu cầu Interpol "truy nã đỏ" đối với vị cựu Ngoại trưởng dưới quyền Tổng thống tiền nhiệm Rafael Correa, đồng thời yêu cầu các nước tham gia bắt giữ và dẫn độ ông này. 

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã rút quyền ưu đãi ngoại giao dành cho ông Assange mới đây, sau khi cáo buộc ông này vi phạm quyền riêng tư cá nhân, khi theo dõi gia đình của mình. WikiLeaks đã phủ nhận cáo buộc chống lại ông chủ của mình, đồng thời cáo buộc ông Moreno đã trả thù khi WikiLeaks tiết lộ thông tin ông này có dính líu đến tham nhũng. Sau khi bị bắt từ Đại sứ quán Ecuador tại Anh, Julian Assange đối diện với nguy cơ dẫn độ về Mỹ, nơi ông sẽ phải đối mặt với các cáo buộc xâm phạm tài liệu bí mật của chính phủ Mỹ.

Dưới thời ông Correa, Ecuador tốn 1 triệu USD mỗi năm để bảo vệ ông chủ WikiLeaks. Chi phí bảo vệJulian Assange trong 7 năm qua tốn hơn 5,8 triệu USD, các chi phí khác như y tế, thực phẩm và giặt là gần 400.000 USD.

Ecuador đã phân bổ 5,8 triệu USD chi phí an ninh bảo vệ Assange và gần 400.000USD cho chi phí thuốc men, thực phẩm và giặt là", Ngoại trưởng Valencia phát biểu trước quốc hội hôm 11-4. 

"Chúng ta đã hoàn thành phần của mình: từ tháng 6-2018, nhà nước đã cắt giảm 40% những chi phí này xuống còn 600.000USD mỗi năm cho công tác an ninh".Chính phủ Ecuador đã yêu cầu Assange tự trả các chi phí phát sinh từ tháng 12 năm ngoái.

Nguyễn Lai
.
.
.