Ecuador "chơi khó" WikiLeaks

Thứ Năm, 27/10/2016, 07:59
Mặc dù Bộ Ngoại giao Ecuador không nêu cụ thể mức độ hạn chế truy cập mạng Internet của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, nhưng động thái này đang khiến giới chuyên môn và dư luận quan tâm. Bởi ngay sau khi việc "tạm thời hạn chế" truy cập mạng Internet của ông Julian Assange được giới truyền thông đề cập, cả Mỹ và Ecuador đều lên tiếng. 


Và cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về vấn đề này. Đài CBS dẫn tuyên bố của Chính phủ Ecuador thừa nhận đã ngắt kết nối mạng Internet của ông Julian Assange tại nơi nhà sáng lập WikiLeaks đang sống tị nạn là Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh.

Bộ Ngoại giao Ecuador cho biết, mặc dù họ vẫn ủng hộ quyết định cho phép ông Julian Assange được tị nạn tại Đại sứ quán ở London (từ năm 2012), nhưng không chấp nhận việc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài. Chính phủ của Tổng thống Rafael Correa khẳng định, họ làm như vậy hoàn toàn theo quan điểm độc lập, không bị áp lực từ bên ngoài như một số cáo buộc đưa ra trước đó.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Quyết định ngắt mạng Internet của ông Julian Assange được đưa ra sau khi WikiLeaks tiết lộ một loạt tài liệu bị rò rỉ sau vụ tin tặc tấn công hệ thống email của Ban vận động tranh cử của bà Hillary Clinton.

Trong thông cáo ngày 18-10, Bộ Ngoại giao Ecuador nhấn mạnh, Chính phủ nước này "tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không can thiệp vào quá trình bầu cử đang diễn ra, cũng như không ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào".

Đồng thời nhấn mạnh, Ecuador "hoàn toàn có quyền hạn chế tạm thời việc truy cập mạng viễn thông tại một phần trong Đại sứ quán ở Anh" và việc làm này không cản trở bất kỳ hoạt động nào của WikiLeaks. Động thái này diễn ra sau khi WikiLeaks cho đăng 3 bài phát biểu của bà Hillary Clinton được Ngân hàng Goldman Sachs tài trợ, hé lộ mối quan hệ giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ với các ông lớn ở phố Wall.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ thông tin cho rằng, Washington đã gây áp lực để Ecuador can thiệp vào việc  này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố (qua email) - tuy luôn lo ngại về WikiLeaks, nhưng mọi giả thuyết cho rằng Ngoại trưởng John Kerry hay Bộ Ngoại giao Mỹ có liên quan tới việc ngắt kết nối WikiLeaks là không đúng.

Phó phát ngôn viên Mark Toner còn nói, ông John Kerry chưa từng nêu vấn đề này và cũng chưa hề gặp Tổng thống Rafael Correa thời gian gần đây. Giới truyền thông đưa tin, đường truyền internet của ông Julian Assange bị ngắt từ chiều 15-10.

WikiLeaks cho biết, đã kích hoạt "các kế hoạch dự phòng khẩn cấp" sau khi Ecuador ngắt kết nối Internet của ông Julian Assange. Tờ Daily Mail đưa tin, ông Julian Assange "bị đầu độc" vài giờ trước khi bị cắt đường truyền Internet.

Bởi ngày 15-10, nữ diễn viên Pamela Anderson đến thăm nhà sáng lập WikiLeaks tại Đại sứ quán Ecuador ở London và có mang theo một bữa ăn chay, trong đó có bánh mì kẹp được cho là có "tẩm thuốc độc". Nữ diễn viên 49 tuổi này đã nói với Hiệp hội báo chí Anh rằng, bà chỉ mang đồ ăn trưa đến cho ông Julian Assange vì lo ngại cho sức khỏe của nhà sáng lập WikiLeaks, nhưng "người ta" lại đưa tin như vậy!

Ông Julian Assange xin tị nạn tại Ðại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012.

Điều đáng nói là những động thái kể trên diễn ra sau khi Văn phòng công tố Ecuador thông báo (12-10), hoãn phiên thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks dự kiến diễn ra tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) - chuyển từ ngày 17-10 sang ngày 14-11.

 Ông Julian Assange đã trình những kiến nghị của mình tới cơ quan chức năng Anh, cơ quan chức năng Ecuador và Thụy Điển cũng đã chuẩn bị cho phiên thẩm vấn dự kiến diễn ra vào ngày 17-10. Và đây không phải lần đầu tiên việc này bị hoãn. Nhưng bất chấp mọi sức ép, Wikileaks tiếp tục tiết lộ tài liệu và lần này họ công bố địa chỉ email cá nhân của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo đó, bobama@ameritech.net là địa chỉ email của ông chủ Nhà Trắng và theo Đài CNBC, đây có thể là email ông Barack Obama sử dụng vào thời điểm đắc cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2008. Đài CNBC cho biết, ông Barack Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên dùng thiết bị điện thoại gửi email. Mật vụ và các cơ quan tình báo Mỹ từng quan ngại về vấn đề này.

Tuy sử dụng nhiều địa chỉ email khác nhau, kể cả biệt danh, nhưng Wikileaks vẫn dò tìm được. Điều đáng nói là trong những email vừa được Wikileaks công bố có một số thuộc về ông John Podesta (hiện là Giám đốc ban vận động tranh cử của bà Hillary Clinton), khi đó là cố vấn của ông Barack Obama. Trước đó, WikiLeaks từng tiết lộ thông tin liên quan đến chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton và trong 39 người được cân nhắc để trở thành ứng cử viên Phó tổng thống có tỷ phú Bill Gates.

Bởi trong hơn 17.000 email của ông John Podesta vừa được tiết lộ có thông tin này. Theo giới truyền thông, việc công bố hàng ngàn email của ông John Podesta, Giám đốc ban vận động tranh cử của bà Hillary Clinton đang khiến Mỹ khó chịu và Wikileaks cũng đang bị vạ lây.

Khắc Tuấn
.
.
.