Đưa người di cư rời khỏi châu Âu
- Tội phạm sát hại người di cư châu Phi để buôn lậu nội tạng
- Khoảng 700 người di cư đã thiệt mạng trong tuần qua trên Địa Trung Hải
- Người di cư tìm mọi cách tới châu Âu
- Châu Âu mất kiểm soát đối với người di cư?
"Châu Âu không phải là miền đất hứa"
Mesut Mahmud, 37 tuổi, một người Syria từng mơ về một cuộc sống mới ở Đức, Pháp hay Thụy Điển nhưng bây giờ, sau khi trải qua bốn tháng tị nạn ở Hy Lạp, anh chỉ có một mong muốn duy nhất: thoát ra khỏi châu Âu. Khi màn đêm buông xuống, Mahmud theo một kẻ buôn người người Tunisia đi về phía thị trấn Orestiada của Hy Lạp, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Đi cùng Mahmud còn có người em gái Selma, 23 tuổi và em trai Yilmaz, 11 tuổi.
Đến thị trấn Orestiada, tất cả nấp trong một rãnh sâu chờ cảnh sát tuần tra Hy Lạp đi qua, sau đó lội qua một đầm lầy về phía Thổ Nhĩ Kỳ. Bây giờ, Mahmud có thể nghe thấy tiếng nước sông Evros chảy dọc biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ. Anh bật đèn pin từ điện thoại di động của mình để lấy ánh sáng soi đường. "Chúng tôi đã đặt chân lên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một cảm giác vô cùng sung sướng", Mahmud kể lại.
Mesut Mahmud, người đàn ông gầy gò với đôi mắt tỏ vẻ mệt mỏi kể lại rằng, anh từng làm công việc lái xe tải ở Qamishli - một thành phố của người Kurd ở đông bắc Syria. Khi chiến tranh nổ ra, anh cùng vợ và hai người em chạy trốn đến Mersin - thành phố cảng phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Mahmud đã tìm được công việc tại một công ty xây dựng. Hai vợ chồng sinh được một cậu con trai.
Mahmud muốn ở lại Mersin với hy vọng sẽ quay trở lại Syria khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, cuộc sống ở Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều khó khăn với một người Kurd như anh. Mahmud quyết định rời Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức trước, sau đó sẽ đưa vợ và con đi sau. Mahmud không biết rằng, Macedonia đã đóng cửa các tuyến đường phía bắc qua khu vực Balkan. Giống như rất nhiều người khác, Mahmud đã bị mắc kẹt trong Idomeni, một ngôi làng ở biên giới Hy Lạp và Macedonian.
Mesut Mahmud nói rằng, sau quãng thời gian sống khổ sở ở Hy Lạp, anh đã nhận ra châu Âu không phải là miền đất hứa. |
Các phương tiện truyền thông đưa tin, khoảng 14.000 người di cư sống ở Idomeni trong túp lều tạm bợ, đói khát và thường xuyên bị cảnh sát "hỏi thăm" bằng dùi cui và hơi cay. Hầu hết những người di cư không xin tị nạn ở Hy Lạp mà mong chờ thời cơ để di chuyển đến các quốc gia Châu Âu khác. Mahmud cho biết, anh đã phải sử dụng một hộp các tông trải ra làm giường, thường xuyên bị chuột bò lên chân và nghe tiếng khóc thét vì sợ hãi của trẻ em.
"Tôi nghĩ rằng châu Âu sẽ tôn trọng các quyền con người, nhưng cuộc sống ở Hy Lạp còn tồi tệ hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ tôi cũng có một công việc ổn định", Mahmud nói. Khi gọi điện về cho vợ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mahmud đã khóc. "Đó là một quyết định thực sự khó khăn. Tôi đã phải từ bỏ hy vọng về một cuộc sống ở Đức - nơi mà tôi nghĩ rằng, gia đình mình sẽ được an toàn, tự do và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Giờ đây, tôi đã nhận ra rằng, Châu Âu không phải là miền đất hứa", Mahmud nói.
Mỗi ngày có từ 30 đến 40 người tị nạn quay lại Thổ Nhĩ Kỳ
Trong một thời gian dài, những dòng người tị nạn di chuyển theo một hướng duy nhất: từ Thổ Nhĩ Kỳ, qua Hy Lạp, khu vực Balkan vào trung tâm và phía bắc châu Âu. Nhưng hiện nay, khi một số quốc gia châu Âu đóng cửa biên giới, nhiều người di cư đang bị mắc kẹt. Tại Hy Lạp, gần 60.000 người tị nạn đang chờ đợi để di chuyển về hướng Bắc. Một số đã bắt đầu quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ trong sự thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng.
Người tị nạn lại tìm đến những đường dây buôn người để trở về Thổ Nhĩ Kỳ, giống như cách trước đây họ đã đến Hy Lạp. Người tị nạn nói rằng, họ phải nhờ đến những kẻ buôn người vì không có con đường pháp lý nào được thiết lập. Cảnh sát Hy Lạp ước tính rằng, trong những tuần gần đây, trung bình mỗi ngày, có từ 30 đến 40 người tị nạn quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người trong số họ có người thân sống ở Đức nhưng không có điều kiện để đoàn tụ gia đình.
Theo các cơ quan chức năng, những đường dây buôn người thường thuê người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tìm kiếm khách hàng mới. Trong một thời gian dài, các băng nhóm tội phạm kiếm được tiền bằng cách buôn lậu người di cư vào châu Âu nhưng bây giờ, chúng cũng có thể kiếm được rất nhiều tiền theo hướng ngược lại. Giá trung bình cho mỗi chuyến đi từ Hy Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ là 800 euro/người.