Người di cư tìm mọi cách tới châu Âu

Thứ Hai, 18/04/2016, 14:03
Lực lượng bảo vệ bờ biển Italia vừa cho biết, đã đưa 1.850 người di cư lên bờ an toàn trong 8 chiến dịch được triển khai tại eo biển Sicily (nằm giữa Tunisia và Italia), sau khi gia tăng làn sóng người di cư liều mình vượt biển trên những con thuyền từ Libya.


Trước đó, lực lượng chức năng Italia cứu gần 1.600 người di cư cũng tại eo biển Sicily, làm gia tăng mối quan ngại về dòng người vượt biển gia tăng chóng mặt vào mùa hè này. Bên cạnh đó là lo lắng về những nỗ lực của châu Âu trong việc ngăn dòng người di cư vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp có thể khiến những người này tìm cách chuyển hướng vượt Địa Trung Hải - hải trình nguy hiểm hơn từ Libya đến Italia.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố số liệu thống kê cho thấy, kể từ đầu năm đến nay đã có khoảng 17.500 người đặt chân tới Italia. Trước đó (9/4), Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết, 5 người di cư (1 trẻ em và 4 phụ nữ) đã thiệt mạng khi thuyền của họ bị chìm ngoài khơi đảo Samos của nước này.

Lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Đức.

Đây là những trường hợp người di cư thiệt mạng đầu tiên trên biển Aegean sau khi thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ được thực thi nhằm chặn dòng người di cư vượt biển tới châu Âu. Và việc này diễn ra chỉ một ngày sau khi Hy Lạp triển khai đợt thứ hai đưa người di cư trở lại Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận giữa EU và Ankara.

Hy Lạp cũng vừa chỉ trích việc cảnh sát Macedonia sử dụng vũ lực và đạn hơi cay nhằm vào người di cư ở khu vực biên giới, và coi đây là hành động "nguy hiểm, đáng bị lên án". Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết, hàng chục người di cư đã bị thương và phải nhập viện trong vụ trấn áp của giới chức Macedonia.

Cảnh sát Hy Lạp còn cho biết, tình hình tại khu vực biên giới kể trên đang căng thẳng, nhưng từ chối bình luận chi tiết. Ngày 10/4, vụ đụng độ diễn ra giữa người di cư và cảnh sát tại biên giới Hy Lạp-Macedonia đã làm 260 người bị thương. Vụ việc xảy ra khi có khoảng 500 người di cư muốn băng qua chốt kiểm soát Idomeni để tới Macedonia.

Cảnh sát Macedonia cáo buộc đám đông đã ném đá và các vật dụng khác vào lực lượng an ninh khi phá rào cản buộc họ phải bắn hơi cay. Đồng thời phủ nhận thông tin nói rằng, có người biểu tình bị thương do đạn nhựa vì luật pháp Macedonia cấm sử dụng loại đạn này.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Macedonia Zoran Jolevski cho biết, đường biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp sẽ được tiếp tục bảo vệ và đặt dưới sự giám sát của quân đội để ngăn dòng người di cư tràn vào nước này. Theo thống kê, đang có hơn 11.200 người di cư đang bị mắc kẹt tại khu vực biên giới Macedonia-Hy Lạp, sau khi tuyến đường Bankan bị đóng từ giữa tháng 2/2016.

Đụng độ tại biên giới Hy Lạp - Macedonia khiến 260 người bị thương.

Và để tăng cường kiểm soát đường biên giới nhằm tránh nguy cơ Hiệp ước Schengen sụp đổ, ngày 12/4, EU đã yêu cầu Hy Lạp làm rõ kế hoạch siết chặt kiểm soát biên giới trước ngày 26-4. Trong khi đó, Chính phủ Đức có kế hoạch trục xuất gấp đối số người tị nạn trong năm 2016 và tuy kế hoạch này đang vấp phải thủ tục và tranh cãi tại các bang, nhưng Berlin quyết tâm đẩy nhanh việc này trong thời gian tới.

Theo điều phối viên của Chính phủ liên bang về chính sách người tị nạn, ông Peter Altmaier cho biết, các bang cần tăng gấp đôi số trường hợp người tị nạn bị trục xuất khỏi Đức. Được biết, trong năm 2015 có 37.220 người tị nạn tự nguyện hồi hương, 22.200 trường hợp bị trục xuất và con số này phải tăng gấp đôi trong năm 2016.

Trong khi bang Nordrhein-Westfalen xử lý hồ sơ người tị nạn quá chậm, thì tình trạng dồn ứ hồ sơ người tị nạn tại Cục Di trú và người tị nạn liên bang (BAMF) tiếp tục gia tăng. Điều đáng nói là sau Syria và Iraq, phần lớn người tị nạn tới Đức trong những tháng qua đều đến từ Afghanistan. Và 2 nước này đang tích cực đàm phán về thoả thuận tiếp nhận trở lại người Afghanistan. Dư luận cũng đang quan tâm tới tuyên bố của giới chức an ninh Đức cho biết, họ đang truy tìm gần 80 phần tử Hồi giáo cực đoan nguy hiểm mất dấu vết ở nước này.

Theo kết quả phân tích của Cục Hình sự liên bang (BKA), Cục Bảo vệ Hiến pháp (BfV) và Trung tâm chống chủ nghĩa cực đoan ở Hessen, trong số 800 người Đức từng tới Syria và Iraq tham chiến, số trường hợp có xu hướng cực đoan hóa trong năm 2015 đã tăng lên 60% và khoảng 130 trường hợp bỏ mạng ở vùng chiến sự.

Và khi nói với tờ Welt am Sonntag của Đức (10/4), người đứng đầu BfV, ông Hans-Georg Maaßen cho biết, IS muốn tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Đức và những lợi ích của nước này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về tuyên bố kể trên. Theo ông Hans-Georg Maaßen, có khoảng 1.100 đối tượng Hồi giáo cực đoan được coi là nguy cơ khủng bố tiềm tàng ở Đức.

Quốc Dũng
.
.
.