Đông Nam Á căng mình chống khủng bố

Thứ Năm, 11/08/2016, 20:16
Ngày 7-8, tờ The Star dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nhận định, Đông Nam Á đang được nhắm tới là địa điểm phát triển cơ sở mới của IS.


Ông Ahmad Zahid Hamidi còn cho biết, một số tay chân của Abu Bakar Bashir - cựu thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah (bị kết án 15 năm tù năm 2011), đã được ra tù. Và chúng đã tới Batam, đảo Riau của Indonesia, gần Singapore và Malaysia để xây dựng căn cứ mới cho IS. 

Tuyên bố kể trên được đưa ra sau khi ông Ahmad Zahid Hamidi kết thúc chuyến thăm Thái Lan 2 ngày (4 và 5-8) và đã thảo luận 5 vấn đề với lãnh đạo nước chủ nhà, bao gồm tội phạm xuyên biên giới, chống khủng bố, an ninh biên giới, buôn bán người và buôn bán ma túy.

Trước đó, Cố vấn của lực lượng Cảnh sát hoàng gia Malaysisa Ahmad El-Muhammady nhận định, các phần tử khủng bố thuộc IS đang tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á để bù đắp cho những tổn thất của chúng tại các nước Trung Đông như Iraq và Syria.

Theo ông Ahmad El-Muhammady, mối nguy hiểm thực sự là các tay súng IS sẽ quay trở về quê nhà với sự thành thục và kinh nghiệm tích lũy từ các chiến dịch trước đó ở Trung Đông và phát động chiến tranh. Tờ The Straits Times cũng từng dẫn lời giới chuyên môn cho rằng, các nhóm cực đoan chạy theo IS đang tăng lên khiến Đông Nam Á trở thành nơi hấp dẫn cho tổ chức này.

Cảnh sát Indonesia.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed vừa thông báo, nước này đang áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường an ninh sau khi 6 đối tượng tình nghi là phiến quân IS bị bắt ở Indonesia hôm 5-8. Chúng bị cảnh sát Indonesia bắt khi đang thực hiện âm mưu tấn công khủng bố vào Singapore bằng rocket.

Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Indonesia đang tiếp tục chiến dịch Tinombala nhằm truy quét 18 phần tử còn lại của nhóm "Chiến binh Hồi giáo Đông Indonesia" ở khu vực Poso trên đảo Sulawesi sau khi trùm khủng bố Santoso bị tiêu diệt. Trong số 18 tên kể trên, đáng chú ý nhất là Basri, kẻ được coi là "cánh tay phải" của Santoso.

Theo người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia, Tổng Thanh tra Boy Rafli Amar cho biết, tên Basri và vợ đã trốn thoát trong cuộc đấu súng với lực lượng đặc nhiệm trước đó. Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Singapore Shanmugam cho hay, không bất ngờ khi Indonesia bắt giữ 6 đối tượng tình nghi âm mưu tấn công Vịnh Marina của Singapore bằng rocket từ Indonesia. 6 nghi phạm này (tuổi từ 19 - 46) thuộc nhóm khủng bố KGR Katibah, trong đó có Gigih Rahmat Dewa, 31 tuổi, được cho là cầm đầu âm mưu tấn công khủng bố kể trên.

Và chúng  cũng được cho là có liên hệ với Barun Naim, kẻ chủ mưu các vụ tấn công ở Jakarta hồi đầu năm 2016. Singapore đã tăng cường an ninh sau âm mưu tấn công khủng bố này. Và đang phối hợp chặt chẽ với giới chức Indonesia để theo dõi các hoạt động của nhóm khủng bố KGR Katibah, cũng như bắt những tên có liên quan.

An ninh cũng được tăng cường tại các khu vực biên giới. Bộ trưởng Nội vụ Shanmugam từng cho biết, Singapore sẽ tăng cường các biện pháp an ninh, bao gồm tăng số camera quan sát (CCTV) lắp đặt tại các vị trí quan trọng, tăng cường hỏa lực, và triển khai lực lượng cảnh sát nhằm chống các mối đe dọa khủng bố. Bởi IS muốn thành lập Vương quốc Hồi giáo trong khu vực, và Singapore ở trung tâm của vương quốc mà IS muốn xây dựng.

Theo đó, số lượng CCTV được lắp đặt thêm tại sân bay Changi, tòa nhà chính phủ, trung tâm giải trí, bãi đỗ xe, hay trong các sự kiện lớn gia tăng. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát, đặc nhiệm cũng phải nâng cấp để sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa xảy ra.

Tờ Japan Times cũng từng dẫn đánh giá Chiến lược Đông Á 2016 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, IS đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn ở Đông Á. Đây là lần đầu tiên đánh giá của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản dành hẳn một chương để đề cập tới nguy cơ từ IS, trong đó nhấn mạnh lợi ích của Nhật Bản đang đối diện với thách thức từ ảnh hưởng của IS ở châu Á. Việc này diễn ra sau khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt một người đàn ông Nhật Bản định gia nhập IS hồi cuối tháng 3.

Đối tượng này bị bắt cùng một số người Syria tại huyện Nizip, tỉnh Gaziantep, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp giới với Syria. Đây là lần đầu tiên nhà chức trách nước ngoài bắt giữ công dân Nhật Bản tìm cách gia nhập IS.

Ngày 28-7, hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 36 (Aseanapol 36) đã kết thúc với việc các Tư lệnh ký Nghị định thư về Thông tin liên lạc và Phối hợp trong Quản lý khủng hoảng (ACCPCM) sau 10 năm gián đoạn. Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết, ACCPCM được thảo luận lần đầu vào năm 2006 tại Malaysia. Và sau 10 năm, ACCPCM đã thành hiện thực.
Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.