Anh: Đọc suy nghĩ nghi phạm... để chống khủng bố

Thứ Ba, 09/08/2016, 10:51
Trong năm 2015, Anh đã ngăn chặn được 7 cuộc tấn công khủng bố trên toàn lãnh thổ nhờ vào một đơn vị đặc biệt của Cơ quan Phản gián Anh MI-5. Công việc của đơn vị đặc biệt này là đọc "suy nghĩ" của các đối tượng khả nghi.

Được gọi với cái tên là BSU (Behavioural Science Unit - Bộ phận khoa học hành vi) là nơi tập trung của nhiều chuyên gia về tâm lý học, tội phạm học và các ngành khoa học khác thành lập năm 2004, nhằm nghiên cứu các nghi phạm để tìm hiểu xem liệu họ có tổ chức các vụ tấn công hay không.

Đọc suy nghĩ và nghiên cứu hành vi để ngăn chặn khủng bố. Ảnh: Reuters

Các "đối tượng" mà BSU nghiên cứu được lựa chọn thông qua thông tin tình báo thu thâp được, hoặc thậm chí là từ nguồn công cộng. Những "đối tượng" này sẽ được gắn nhãn là "talker" tương ứng với việc họ chỉ đơn giản là "chém gió" (về hành vi bạo lực) hoặc "walker"  tức là đối tượng thực sự đang lên kế hoạch cho một vụ tấn công và đây là đối tượng nghiên cứu chính của BSU.

Theo các chuyên gia, BSU sẽ tìm kiếm các "tín hiệu đặc biệt" từ các kẻ walker này như việc mong muốn có được các kỹ năng và chiến thuật cho kế hoạch tấn công của họ. Một chuyên gia có tên là Neil- người biết tiếng Arap và tiếng NaUy đã có 6 năm kinh nghiệm làm việc tại BSU giải thích "nó đơn giản là phải làm một số thứ từ việc nói đến thực hiện được một cuộc tấn công ví dụ như giết người". Theo Neil, các chuyên gia sẽ nắm bắt các dấu hiệu đó để kết luận xem kẻ đó sẽ thực hiện cuộc tấn công vào thời điểm nào.

Cụ thể nghiên cứu từ BSU cho thấy, 60% các những kẻ tấn công kiểu con sói đơn độc cung cấp thông tin về cuộc tấn công của chúng qua những thay đổi trong hành vi hàng ngày. Ví dụ tiêu biểu nhất là Roshonara Choudhry, trước khi thực hiện vụ tấn công nhằm vào nghị sĩ Công đảng Stephen Timms năm 2010, cô sinh viên 21 đã có hàng loạt biểu hiện bất thường.

Choudhry bỏ học và rút hết tiền tại các tài khoản ngân hàng (nhằm tránh nguy cơ bị khóa tài khoản), đối tượng cũng trả hết các khoản vay sinh viên nhằm tránh việc bố mẹ phải chịu gánh nặng sau khi y thực hiện vụ tấn công.

Binh sĩ Lee Rigby bị sát hại ngay trên đường phố London năm 2013. Ảnh: Telegraph.

Nghiên cứu của BSU cũng chỉ ra một điều khá bất ngờ, không ít người cho rằng những tên khủng bố có vấn đề về tâm lý nhưng nghiên cứu mới cho thấy điều này là hoàn toàn sai lầm. Theo ông Neil thì chỉ có 2% những thành viên của các tổ chức khủng bố bị các vấn đề vì sức khỏe tâm lý, con số này của công chúng lên tới 30%.

BSU đã được mở rộng 2 lần về quy mô sau vụ giết hại binh sĩ Lee Rigby trên đường phố London năm 2013 mà thủ phạm là Michael Adebolajo và Michael Adebowale, hai người cải đạo sang Hồi giáo.

Hiện BSU và nhiều cơ quan an ninh khác đang theo dõi khoảng 400 chiến binh thánh chiến vừa trở lại Anh sau khi tham chiến tại Trung Đông và Bắc Phi.

B.N(theo RT)
.
.
.