"Bão" tín dụng đen liên tiếp gây kinh hoàng cho người dân Đà Nẵng
- Hàng trăm dân nghèo “sập bẫy” tín dụng đen ở Tây Ninh
- “Tín dụng đen” đã “vươn vòi” tận buôn làng Tây Nguyên
Cơ quan CSĐT Công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố, tạm giữ hình sự đối với 3 đối tượng: Đỗ Ngọc Hiếu (19 tuổi, trú tổ dân phố Phượng Hoàng, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), Nguyễn Vạn Kim (23 tuổi, trú huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) và Nguyễn Trọng Tuấn (22 tuổi, trú xã Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo Khoản 2, điều 201 (Bộ luật Hình sự).
Qua đấu tranh, cả 3 khai nhận đã được Nguyễn Anh Tuấn (trú tại Hải Phòng) “chiêu mộ” và đưa vào TP Đà Nẵng để mở rộng mạng lưới hoạt động cho vay nặng lãi.
Trước đó, sau một thời gian theo dõi quy luật hoạt động, chiều 15-10, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Sơn Trà cùng Công an phường Mân Thái ập vào nhà 145 Lê Văn Thứ, phường Mân Thái - trụ sở của Công ty Tư vấn Tài chính Nam Hải.
Tại đây, lực lượng Công an phát hiện 1 rương kim loại có chứa hồ sơ của khách hàng vay tiền, 1 danh sách khách vay tiền, 36 giấy vay tiền, 5 điện thoại, 29.400.000 đồng và bộ dàn máy vi tính lưu trữ tài liệu thể hiện hoạt động cho vay nặng lãi, và xe ô tô nhãn hiệu Mazda CX-5 BKS 15A-373.43 các đối tượng chuyên dùng để đi đòi nợ…
Qua thể hiện trên sổ sách, Công an quận Sơn Trà xác định, hơn nửa năm qua, nhóm này đã cho 84 người vay tổng số tiền 1,2 tỷ đồng, mỗi người vay từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chỉ riêng ngày 15/10, trước khi bị bắt, danh sách người vay tiền của nhóm này đã lên đến 10 tờ giấy.
Trong số người vay, chỉ có 18 người đã trả đủ với lãi suất cao ngất ngưởng, thấp nhất là 15%/tháng. Bước đầu, Công an quận Sơn Trà chứng minh nhóm này trục lợi bất chính khoảng 120 triệu đồng.
Không chỉ riêng quận Sơn Trà, bằng thủ đoạn chuyên dụ dỗ những nạn nhân là phụ nữ đơn thân, hoặc doanh nghiệp nhỏ lẻ đang cần vốn làm ăn để cho vay nóng với lãi suất trên 20%/tháng. Sau đó, chỉ chờ các "con nợ" không kịp mang tiền góp đến nộp hàng ngày sẽ cộng dồn và sai đàn em vác hung khí đến "truy thu" ngay tại nhà…
Nhóm 9X người Hải Phòng gồm các đối tượng Nguyễn Trung Công (30 tuổi); Mai Văn Tùng (26 tuổi), Trần Văn Nam (24 tuổi), Đào Hồng Quân (28 tuổi), Đinh Quang Hoàn (28 tuổi) và Mai Văn Tùng (26 tuổi) đều cùng trú Hải Phòng cũng đã reo rắc nỗi kinh hoàng cho bà con tiểu thương và người dân quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) trong tháng 9-2018.
Hai băng nhóm 9X người Hải Phòng gây bão tín dụng đen suốt thời gian vừa qua tại Đà Nẵng bị công an TP. Đà Nẵng bắt giữ. |
Nhóm này do 9X Nguyễn Trung Công Cũng cầm đầu, chủ chốt, đạo diễn tất cả. Các đối tượng còn lại hoạt động theo sự phân công sắp xếp của Công. Tiền lãi có được từ cho vay trái pháp luật này, chúng chia nhau theo tỷ lệ bàn bạc từ trước.
Đáng ngại hơn, không chỉ Công mà tất cả các đối tượng trong nhóm đều là thành phần có "số má" từ Hải Phòng rủ nhau vào Đà Nẵng thuê căn nhà số 70 Nguyễn Xí (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để làm " đại bản doanh".
Theo Cơ quan CSĐT, để xóa sổ băng nhóm "tín dụng đen" này, lực lượng điều tra phải vô cùng vất vả. Ban đầu, từ nguồn tin trinh sát, cơ quan chức năng phát hiện manh nha nhóm đối tượng từ các tỉnh phía Bắc, mà cụ thể là đất Cảng - Hải Phòng đến thuê nhà trọ trên địa bàn, nhưng lại có nhiều biểu hiện bất minh.
Ban ngày, chúng hầu như án binh bất động, nhưng đêm đến thì tiến hành in ấn, dán tờ rơi quảng cáo về cho vay không thế chấp... tại các khu chợ, nhà dân và kể cả các trụ điện nhằm mục đích lôi kéo "con mồi" tự tìm đến với ổ "tín dụng đen" của chúng.
Băng nhóm này hoạt động vô cùng kín kẽ và tinh vi. Hầu như chúng chỉ nhắm đến các phụ nữ đơn thân, người yếu thế, phụ nữ cần vốn để mở hàng quán, tiểu thương sa cơ cần tiền... để cho vay. Đây là nhóm khách hàng mà theo các đối tượng này là rất dễ bề uy hiếp, khống chế.
Sau khi duyệt "con mồi", Công sẽ chỉ đạo cử "nhân viên" đến chiêu dụ, cho vay từ 5-20 triệu đồng. Cách thức trả lãi là góp theo ngày với lãi suất lên tới 20%. Hằng ngày, các con nợ phải đến số nhà 70 Nguyễn Xí- nơi chúng thuê trọ để trả nợ góp. Nếu ngày nào con nợ không đến thì chúng sẽ cộng dồn lãi suất rồi tới tận nhà để đe dọa, buộc phải giao tiền.
Một con số đáng lo ngại của Công an TP Đà Nẵng cung cấp: Hiện Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an thành phố Đà Nẵng đang lập danh sách khoảng 300 đối tượng hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.
Trong số gần 300 đối tượng nằm trong tầm ngắm của PC45, có nhiều đối tượng từ nơi khác đến Đà Nẵng, câu kết thành băng nhóm cho vay cũng như thực hiện hành vi khủng bố, đe dọa con nợ.
Cùng với việc lên danh sách, theo dõi sát sao hành tung của hàng trăm đối tượng cho vay nặng lãi, PC 45 Công an TP Đà Nẵng cũng đã tuyên truyền đến người dân, tránh sa vào bẫy tín dụng đen, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Tang vật sổ, điện thoại, hồ sơ danh sách của khách hàng vay tiền của nhóm cho vay nặng lãi bị Công an Đà Nẵng thu giữ. |
Đáng nói, các đối tượng "Tín dụng đen" không chỉ nhắm đến người thân cô thế cô, mà còn nhắm đến các doanh nghiệp, công ty kinh doanh lớn trên địa bàn để hoành hành.
Một sự việc vừa xảy ra ở TP. Đà Nẵng khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn hoang mang, lo ngại. Đó là trường hợp: Nhóm côn đồ xông vào công ty cướp, hủy hoại tài sản táo tợn của một công ty tư nhân trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh vào cuối tháng 9-2018. Nạn nhân là ông L.T.A.Đ. (39 tuổi), chủ công ty kinh doanh nhà hàng, khách sạn trú trên địa bàn.
Theo phản ánh của ông A.Đ thì ông Đ. có thuê 2 lô đất 1249 và 1250 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến năm 2021 để mở công ty kinh doanh nhà hàng, khách sạn…
Tháng 6/2018, ông A.Đ. mở thêm nhà hàng nằm sát trụ sở chính của công ty ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Do quá trình hoạt động gặp khó khăn về tài chính nên ông A. Đ. đã có vay mượn 2 đối tượng bên ngoài xã hội 240 triệu đồng. Khoản 1 (140 triệu đồng) có lãi suất 20%/10 ngày và khoản 2 (100 triệu đồng) có lãi suất 15%/tháng. Tuy nhiên, nạn nhân cho rằng 2 chủ nợ đều ép ông viết giấy mượn tiền không có lãi suất.
Trong quá trình trả lãi, ông A.Đ. gặp khó khăn nên bị ép viết giấy sang nhượng nhà hàng với giá 168 triệu đồng. Một điều đáng lưu ý là, kể từ đây, nhà hàng và công ty của ông thường xuất hiện một nhóm đối tượng lạ mặt đến công ty quấy nhiễu, đánh đuổi nhân viên... Công việc làm ăn cũng từ đó mà lụi bại dần dần.
Đáng nói hơn, liên tiếp những ngày giữa tháng 9/2018, nhóm đối tượng lạ mặt này đã đến lấy sạch tài sản trong nhà hàng. Sau đó, chúng ngang nhiên đập phá cửa kính, công ty của ông A.Đ để lấy đi nhiều tài sản. Tổng tài sản bị lấy đi có giá trị khoảng 800 triệu đồng…
Sự việc côn đồ ngang nhiên xông vào trụ sở công ty của ông A.Đ khiến dư luận xôn xao, hoang mang, lo lắng. Những tiểu thương, doanh nghiệp và người dân là nạn nhân của các băng nhóm "tín dụng đen" này cho biết, thủ đoạn cho vay tiền của chúng rất đơn giản, nên nạn nhân sập bẫy dễ dàng.
Tại các mẩu quảng cáo, thủ tục vay "tín dụng đen" được dán khắp nơi, những điểm công cộng hay khu chợ thì khá đơn giản như: Giải ngân nhanh, chỉ cần chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu, hóa đơn tiền điện, nước; có thể vay dài ngày hoặc trả góp cả gốc lẫn lãi theo ngày...
Không chỉ ở khu vực thành thị, tại các ngả đường ở khu vực nông thôn như các xã Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Ninh... (thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), các tờ quảng cáo cho vay tiền cũng được dán khá nhiều trên trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông. Chỉ cần khách có nhu cầu thì sẽ được đáp ứng ngay lập tức.
Sự việc nhóm côn đồ chuyên cho vay nặng lãi xông vào công ty tư nhân trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Đà Nẵng) vào cuối tháng 9-2018 đập phá, cướp tài sản khiến dư luận vô cùng lo ngại. |
Phòng PC45 Công an Đà Nẵng bước đầu xác định, không dưới hàng trăm doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương buôn bán kinh doanh tại Đà Nẵng đã dính vào hoạt động "tín dụng đen" của các băng, nhóm này. Thời điểm kiểm tra, các đối tượng tìm mọi cách đối phó rất ngoan cố.
Chúng không thừa nhận những cuốn sổ ghi chép thể hiện người vay, số tiền vay là của mình. Rồi chiếc máy tính bên trong chứa dữ liệu, địa chỉ, tên tuổi người vay vốn chúng lưu trữ cũng khóa mật mã, nhất quyết không chịu mở theo yêu cầu của cơ quan Công an.
Để triệt phá những bưng, nhóm tổ chức cho vay nặng lãi theo kiểu xã hội đen này, các trinh sát của PC45 đã phải bí mật theo dõi, bởi hoạt động của nhóm này rất tinh ranh. Thông thường, nếu có một vài đối tượng ở nhà để làm nhiệm vụ thu tiền khi người vay mang tới thì những đối tượng khác khi ra ngoài đều khóa cửa ngoài.
Buổi tối, cả nhóm ít khi ở nhà mà đi nhậu, ăn chơi đến khuya mới trở về. Ngay cả những chiếc xe dùng cho việc di chuyển, chúng đều chọn mua lại xe BKS Đà Nẵng chứ không mua xe địa phương khác hoặc đưa từ Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc vào.