“Tín dụng đen” đã “vươn vòi” tận buôn làng Tây Nguyên

Thứ Bảy, 20/10/2018, 06:59
Do thiếu hiểu biết hoặc cần tiền gấp để giải quyết công việc, nhiều người đã vướng vào vay tín dụng đen. Và cũng từ đây, không ít người dân bị đe dọa, uy hiếp đến tính mạng chỉ vì không đủ tiền để góp trả mỗi ngày.


Vẻ mặt đang hết sức lo lắng, bà HRiăng Niê (54 tuổi, trú tại buôn Knul, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vào khoảng tháng 9-2018, con rể của bà là Y Thăng Ksơr (24 tuổi) nhặt được tờ rơi với nội dung: “Cho vay trả góp, thủ tục nhanh, không cần thế chấp” trên đường nên đem về nhà. Cũng thời điểm này, gia đình bà HRiăng Niê đang có nhu cầu vay tiền để trả nợ tiền phân bón. Do đó, anh Y Thăng Ksơr đã gọi vào số điện thoại ghi trên tờ rơi để hỏi vay tiền về cho gia đình mẹ vợ chi trả nợ nần.

Ngày 20-9, có hai thanh niên chạy xe máy xuống tận nhà bà HRiăng Niê và làm thủ tục cho vay 30 triệu đồng.

Băng nhóm cho vay nặng lãi do đối tượng Thịnh cầm đầu bị cơ quan Công an triệt phá, bắt giữ.

“Quá trình làm hồ sơ, những người cho vay tiền chỉ yêu cầu con rể tôi đưa cà vẹt xe máy và CMND. Ngoài ra, không cần phải thế chấp bất kỳ tài sản gì. Với số tiền này, họ yêu cầu chúng tôi phải trả góp 750.000 đồng/ngày, trả trong vòng 50 ngày.

Cứ thế, sau 50 ngày vay tiền, chúng tôi phải trả tổng cộng 37,5 triệu đồng. Khi giao tiền, họ chỉ đưa cho gia đình tôi 27 triệu đồng và giữ lại 3 triệu đồng tính vào 5 ngày góp đầu tiên”, bà HRiăng Niê cho biết.

Tương tự, cũng thông qua tờ rơi “cho vay trả góp, thủ tục nhanh gọn”, gia đình bà HBét Knul (44 tuổi, trú buôn Knul, xã Ea Bông) đã vay 30 triệu đồng, trả góp trong vòng 50 ngày, mỗi ngày 750.000 đồng.

Khi được hỏi vì sao không tìm đến các ngân hàng để vay tiền mà lại chọn vay tín dụng đen thì bà HBét Knul cho hay: Vay ngân hàng phải mất thời gian làm thủ tục lâu và buộc phải thế chấp tài sản mới được vay.

“Trong khi đó, qua tờ rơi trả góp, chỉ sau 30 phút chúng tôi gọi điện thì những người cho vay lập tức xuống tận nhà cho vay tiền mà không yêu cầu phải thế chấp bất kỳ tài tài sản gì ngoài CMND và sổ hộ khẩu”, bà HBét Knul cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo CAND, trong quá trình vay tiền “tín dụng đen”, không ít người dân đã bị uy hiếp, đe dọa đến tính mạng. Bà HBét Niê chia sẻ: “Nhiều hôm không đủ 750.000 đồng để trả góp, gia đình tôi bị hai thanh niên cho vay tiền chửi bới thậm tệ, thậm chí còn đe dọa đánh đập, cắt chân, cắt tay mọi người trong gia đình. Điều này khiến mọi người trong gia đình tôi vô cùng hoang mang, lo sợ”.

Trước tình hình các tổ chức cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, sau đó dùng các đối tượng giang hồ để uy hiếp, đòi nợ đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn. Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc, đấu tranh, truy tìm dấu vết của các đối tượng.

Mới đây, Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm rõ một nhóm đối tượng từ TP Hải Phòng vào thuê trọ chuyên cho vay nặng lãi.

Công an đã bắt giữ Bùi Văn Thịnh (26 tuổi), Phạm Đình Bảo (17 tuổi), Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi), Nguyễn Văn Năm (25 tuổi), Hoàng Văn Cương (27 tuổi), Nguyễn Đức Khương (25 tuổi), Lê Trung Hiếu (30 tuổi), Bùi Văn Tình (27 tuổi), Vũ Văn Mạnh (26 tuổi, cùng trú TP Hải Phòng) và Nguyễn Thị Ngọc Tiền (25 tuổi, trú tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk).

Theo cơ quan điều tra, nhóm đối tượng này do Thịnh cầm đầu. Cách đây khoảng 2 năm, Thịnh từ Hải Phòng vào TP Buôn Ma Thuột thuê một phòng trọ để hành nghề cho vay nặng lãi. Sau đó, thấy “nghề” này ăn nên, làm ra, Thịnh đã gọi thêm các đối tượng hầu hết là những thành phần bất hảo ở TP Hải Phòng vào cùng tham gia.

Các đối tượng đã thu hút được rất nhiều người dân ở tỉnh Đắk Lắk vay tiền. Khi người vay không còn khả năng trả nợ, các đối tượng liền kéo đến nhà đe dọa, đòi lấy tài sản.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, để hạn chế những hệ lụy của hoạt động “tín dụng đen” gây ra trên địa bàn trong thời gian qua, ngoài việc làm tốt công tác rà soát, nắm tình hình, lực Công an cũng đã tăng cường biện pháp hành chính trong việc quản lý hoạt động tín dụng, tập trung nhiều kênh thông tin để phát hiện làm rõ các vụ cho vay nặng lãi để răn đe.

“Điều quan trọng nhất là người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác trước các kiểu cho vay quá dễ dãi này. Vì hầu hết việc cho vay này đều có bàn tay của “tín dụng đen” nhúng vào. Một khi người dân dính vào thì nhiều hệ lụy có thể xảy ra”, Đại tá Bôn cảnh báo.

Văn Thành
.
.
.