Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak hầu Tòa

Chủ Nhật, 16/12/2018, 16:11
Cựu Thủ tướng Najib Razak phải hầu tòa hôm 12-12 vì bị cáo buộc thay đổi báo cáo kiểm toán cuối cùng về Quỹ Đầu tư Nhà nước Malaysia (1MDB). 

Trước đó (10-12), Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã bắt ông Najib Razak, chỉ vài phút sau khi cựu Thủ tướng tới trụ sở MACC để trả lời các vấn đề liên quan tới Quỹ 1MDB. Và cựu Thủ tướng Najib Razak được thả sau khi đóng tiền tại ngoại.

Theo tờ Star, ông Najib Razak bị bắt vào khoảng 11 giờ ngày 10-12. Hơn nửa tháng trước (25-11), Tổng Kiểm toán Madinah Mohamad cho biết, một phần báo cáo kiểm toán cuối cùng về Quỹ 1MDB đã bị loại bỏ, và phần này liên quan tới doanh nhân Low Taek Jho (còn được gọi là Jho Low), từng là cố vấn của Quỹ 1MDB, và đang bị cả Malaysia và Mỹ truy nã vì bị cáo buộc rửa tiền. 

Cựu Thủ tướng Najib Razak bị dẫn đi thẩm vấn.

Vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Najib Razak diễn ra sau khi ông và vợ tham gia biểu tình tại quảng trường Merdeka ở trung tâm thủ đô Kuala Lumpur chiều 8-12, cùng lãnh đạo đảng Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) và đảng Hồi giáo Malaysia (PAS), hai lực lượng đối lập chính ở Malaysia hiện nay.

Ngoài việc đang phải đối mặt với một loạt tội danh mà phần lớn đều bắt nguồn từ bê bối tại Quỹ 1MDB, cựu Thủ tướng Najib Razak còn bị thẩm vấn về việc mua 2 tàu ngầm của Pháp trong thời gian ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. 

Gần 1 tháng trước (19-11), ông Najib Razak bị các thành viên MACC thẩm vấn trong 4 tiếng đồng hồ vì bị nghi nhận hối lộ trong hợp đồng 1,2 tỷ USD mua 2 tàu ngầm Scorpene 16 năm trước (2002-2018). "Ông Najib Razak bị các thành viên MACC thẩm vấn trong 4 tiếng về thương vụ mua 2 tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp", một quan chức Malaysia giấu tên nói với hãng AFP. 

Tờ The Star trích dẫn nguồn tin từ MACC cho biết, các nhà điều tra đang làm rõ xem có bất kỳ khoản "lại quả" nào trong thương vụ mua 2 tàu ngầm Scorpene (có tên gọi KD Tunku Abdul Rahman và KD Tun Abdul Razak). 

Đại diện của MACC còn cho biết, qua điều tra cho thấy, hãng chế tạo tàu ngầm Scorpene khi đó là DCNI (hiện là Naval Group), đã hối lộ hơn 114 triệu euro (khoảng 134 triệu USD) cho công ty bình phong có liên quan đến ông Abdul Razak Baginda, thân tín của ông Najib Razak, để đứng ra môi giới thương vụ kể trên. Và ông Abdul Razak Baginda có thể bị thẩm vấn và xét xử thời gian tới.

Hơn 1 năm trước (19-7-2017), hãng AFP từng dẫn các nguồn tin thân cận với cơ quan điều tra Pháp cho biết, ông Philippe Japiot, cựu Chủ tịch DCNI và ông Jean-Paul Perrier, cựu Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng và điện tử Thales International Asia, đã bị truy tố vì bị cáo buộc đưa hối lộ hàng trăm triệu euro trong thươngvụ bán tàu ngầm cho Malaysia 16 năm trước (2002-2018). 

Hai nghi can khác cũng bị điều tra trong thương vụ này là Dominique Castellan - cựu Chủ tịch DCNI, và Bernard Baiocco - cựu Chủ tịch của Thales International Asia. Và ông Abdul Razak Baginda, nguyên lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc gia Malaysia, thân tín của cựu Thủ tướng Najib Razak, cũng chính thức bị đưa vào diện điều tra cùng 4 cựu lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Pháp kể trên. 

Trước đó (tháng 4-2013), cơ quan chức năng Pháp và Hongkong từng điều tra vụ tham nhũng vụ này. Bởi trong năm 2012, Tổ chức nhân quyền SUARAM đã gửi đơn kiện tới Tòa án Pháp và luật sư Joseph Breham khi đó từng tiết lộ tài liệu mật của Hải quân hoàng gia Malaysia (RMN). 

Đại diện của SUARAM còn cho biết, thương vụ này không những gồm lại quả, hối lộ, mà còn dính tới rửa tiền. Hơn 6 năm trước (tháng 6-2012), báo mạng Asia Sentinel từng gây xôn xao Malaysia, khi đăng tài liệu dài hàng trăm trang, tố cáo hành vi tham nhũng của Bộ Quốc phòng nước này khi mua 2 tàu ngầm kể trên. Nhưng ngày 27-6-2012, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khi đó là ông Zahid Hamidi đã phủ nhận mọi cáo buộc.

Giới truyền thông đưa tin, việc tái điều tra thương vụ mua 2 tàu ngầm lớp Scorpene sẽ dẫn tới cố mỹ nhân người Mông Cổ Shaariibuu Altantuya, người tình của ông Abdul Razak Baginda. Bởi cô đã chết thảm - thi thể bị phi tang bằng thuốc nổ gần Kuala Lumpur 12 năm trước (2006-2018) vì dám đòi chia hoa hồng (làm phiên dịch vì biết tiếng Anh, Nga và Trung Quốc) trong thương vụ kể trên. 

Hơn nửa năm trước (21-5), tờ The Guardian từng dẫn lời của cựu vệ sỹ Sirul Azhar Umar - bị buộc tội giết người mẫu Shaariibuu Altantuya - sẵn sàng từ Australia về nước để tiết lộ ai đã ra lệnh giết mỹ nhân người Mông Cổ, nếu ông được tân chính phủ miễn tội. 

Viện Kiểm sát Malaysia từng cáo buộc ông Abdul Razak Baginda đã thuê 2 sát thủ, nguyên vệ sỹ của ông Najib Razak giết cô Altantuya Shaariibuu (tối 19-10-2006), sau khi bị người mẫu Mông Cổ "tống tiền". Cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim cũng cho rằng, nên xử lại tội giết người của 2 sát thủ Sirul Azhar Umar và Azilah Hadri.

Thiện Lân
.
.
.