"Cuộc chiến" mới của Edward Snowden
- Cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden lần đầu tiết lộ về cuộc sống ở Nga
- Edward Snowden tiết lộ chấn động về vụ nhà báo Khashoggi
- Edward Snowden "tái xuất giang hồ"
Bộ Tư pháp Mỹ ra thông cáo cho hay muốn thu giữ tiền bán sách. Nhà xuất bản Macmillan (Vương quốc Anh) cũng được đề cập trong vụ kiện "nhằm đảm bảo không có khoản tiền nào được chuyển cho Snowden". Vậy là sau 6 năm tiết lộ thông tin về chương trình giám sát quy mô lớn của Chính phủ Mỹ, Snowden lại trở thành nhân vật thu hút sự quan tâm của cả thế giới.
Trở thành "kẻ phản bội nước Mỹ" vì tiết lộ tin mật
Sáu năm trước, lần đầu tiên thế giới biết tới cái tên Edward Snowden sau ngày 6-6-2013 Báo The Guardian (Người bảo vệ) của Anh công bố thông tin chính quyền của Tổng thống Obama, cụ thể là NSA đã bí mật nghe lén điện thoại của hàng chục triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ của Hãng viễn thông Verizon.
Snowden tại buổi ra mắt cuốn tự truyện. |
Ngày hôm sau, tờ Washington Post tiếp tục đăng tải bài báo tố cáo NSA và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của hàng loạt hãng công nghệ khổng lồ để lấy thông tin của người sử dụng Internet, điển hình là các hãng Google, Microsoft, Apple, Yahoo, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube...
Ngày 9-6, danh tính của người cung cấp thông tin cho hai tờ báo này được công bố, đó là Edward Snowden, sinh ngày 21-6-1983, nhân viên hợp đồng đã làm việc tại Trung tâm điều hành khu vực Hawaii của NSA khoảng 15 tháng và từng là nhân viên chính thức của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Khi xuất hiện trên video trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post, Edward Snowden được xác định là đang trốn tại Hồng Kông (Trung Quốc). Hóa ra, 10 ngày trước khi Guardian công bố bài báo đầu tiên, Snowden xin nghỉ phép với lý do trở về Mỹ để điều trị động kinh.
Giấy phép tị nạn của Snowden tại Nga từ tháng 8-2013. |
Thực tế, anh ta bay đến Hồng Kông. Tại Hồng Kông, Snowden chỉ ở bên trong khách sạn Mira và hiếm khi ra ngoài. Chính tại đây, Snowden đã tuồn hàng nghìn tài liệu mật cho phóng viên tờ Guardian. Snowden cho biết anh ta không muốn ẩn danh, mà muốn giải thích rõ về hành động của mình và trách nhiệm phải công bố cho người dân về những hành động lén lút của chính phủ.
Nhiều người trên thế giới coi Snowden là người hùng, nhưng Chính phủ Mỹ lập tức gọi anh ta là "kẻ phản bội" và cáo buộc phạm 2 tội danh: đánh cắp tài sản bí mật quốc gia và tiết lộ thông tin bí mật quốc gia cho bên thứ ba không liên quan. Mỹ cũng đề nghị chính quyền Hồng Kông dẫn độ Snowden về Mỹ. Tuy nhiên, Hồng Kông từ chối yêu cầu dẫn độ này vì cho rằng Mỹ chưa đưa ra đủ bằng chứng kết tội Snowden cũng như các lí do chính trị khác. Tại nơi ẩn náu, Snowden cùng các luật sư đã bí mật đàm phán với nhiều chính phủ để xem xét xin tị nạn.
Ngày 23-6, luật sư Jonathan Man đi cùng Snowden ra sân bay Hồng Kông nhằm bảo đảm anh ta được rời đi an toàn. Đi cùng Snowden ra sân bay Hồng Kông còn có một đại diện của Wikileaks là cô Sarah Harrison. Snowden xuất trình hộ chiếu và làm thủ tục chuyến bay tại quầy của hãng Aeroflot mà không gặp sự cố nào.
Người sáng lập Wikileaks, Julian Assange, sau này cho biết tổ chức của ông đã chi trả mọi chi phí ăn ở của Snowden ở Hồng Kông và vé máy bay để anh rời Hồng Kông.
Khi đó, Mỹ đã cố gắng ngăn chặn việc Snowden rời Hồng Kông. Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố đã huỷ hộ chiếu của Snowden trước khi anh ta tới sân bay. Tuy nhiên, cơ quan xuất nhập cảnh Hồng Kông khẳng định họ không nhận được thông báo nào về chuyện này, nên vẫn làm thủ tục cho Snowden. Sau này, một người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ nói họ nhận được các chất vấn từ Hồng Kông về yêu cầu bắt giữ Snowden.
Trong đó, Hồng Kông đề ng
Bìa cuốn tự truyện. |
Còn Hồng Kông giải thích rằng do không nhận được phản hồi từ Mỹ nên họ không có lý do để ngăn chặn Snowden. Ngay cả khi Mỹ trả lời trong vài giờ thì ngày hôm đó vẫn là chủ nhật ở Hồng Kông. Như vậy Snowden đã cố tình được tạo cơ hội để thoát khỏi Hồng Kông.
Ba năm sau, ngày 15-9-2016, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã công bố một báo cáo, ttrong đó cáo buộc Snowden là một nhân viên thường xuyên xung đột với quản lý và 2 tuần trước khi tiến hành tải trái phép các dữ liệu bảo mật; phần lớn dữ liệu mà Snowden đánh cắp không liên quan tới vi phạm quyền riêng tư mà chứa các chương trình tình báo và quốc phòng liên quan mật thiết tới lợi ích của nước Mỹ.
Báo cáo khẳng định Snowden là một "kẻ phản bội" đối với đồng nghiệp và đất nước mình và do đó không nên được coi là đối tượng được pháp luật bảo vệ.
Tiết lộ cuộc sống tị nạn ở Nga
Ngày 23-6-2013, Snowden bay đến Nga trên chuyến bay thương mại SU213 của Công ty Aeroflot và hạ cánh ở đến sân bay Sheremetevo. Sau đó, Nga đã cấp cho Snowden nơi trú ẩn tạm thời một năm. Tháng 8- 2014, Snowden đã nhận được giấy phép cư trú ba năm, cho phép anh ta đi du lịch không chỉ ở Nga, mà còn ở nước ngoài. Năm 2017, tại một trong những trụ sở đăng ký của Nga, anh ta kết hôn với Lindsay Mills. Tháng 1- 2017, giấy phép cư trú Snowden được gia hạn đến năm 2020.
Theo Sputnik, trong cuốn hồi ký xuất bản lần này, Snowden đã kể lại những năm tháng sống ở Nga: "Bất cứ đi nơi nào, tôi cũng cố gắng thay đổi ngoại hình một chút. Tôi có thể bỏ bộ râu của mình hoặc đeo kính khác.
Tôi không bao giờ thích thời tiết lạnh cho đến khi nhận ra rằng chiếc mũ và chiếc khăn đem lại sự ẩn danh thoải mái và không nghi ngờ nhất. Tôi thay đổi nhịp điệu và tốc độ khi đi. Tôi đi bộ và trái với lời khuyên thông thái của mẹ tôi, tôi nhìn theo hướng ngược lại khi qua đường".
Trong cuốn sách, Snowden gọi Moskva là "một thành phố lớn kỳ lạ" và thừa nhận rằng anh ta chưa đạt được nhiều thành công trong việc học tiếng Nga trong khi tiếng Nga của Lindsay (vợ của Snowden) tốt hơn anh ta nhiều. Snowden kể rằng hai người đã đến Nhà hát Bolshoi và thăm các bảo tàng. "Có rất nhiều người (trong nhà hát), khán giả rất đông.
Lindsay cảm thấy tôi không thoải mái. Khi ánh sáng tắt và tấm màn kéo lên, cô ấy nghiêng người về phía tôi, chọc khuỷu tay dưới xương sườn của tôi và thì thầm: "Không ai trong số họ đến đây vì anh đâu. Họ đến vì điều đó". Có lần họ ghé thăm bảo tàng, một cô bé tuổi teen đã nhận ra Snowden và xin chụp ảnh tự sướng với anh ta và Lindsay để kỷ niệm.
Sau đó, như Snowden thừa nhận, trong một thời gian dài, anh ta sợ hãi chờ bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội, hiểu rằng bức ảnh chụp cùng anh ta với Mills có thể nhanh chóng xuất hiện trên truyền thông. "Tuy nhiên, theo như tôi biết, bức ảnh không bao giờ xuất hiện ở bất cứ đâu và chỉ còn là ký ức riêng tư về một cuộc gặp gỡ cá nhân"…
Cuộc chiến pháp lý mới
Trong đơn kiện Snowden gửi đến Tòa án bang Virginia ngày 17-9-2019, các luật sư thuộc Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh những thông tin trong quyển sách dạng hồi ký của Snowden đã đụng chạm tới nhiều nguyên tắc mà một cựu nhân viên an ninh lẽ ra phải làm. Đầu tiên, Snowden đã không gửi hồi ký để các cơ quan tình báo Mỹ xem xét.
Kế đến, các nội dung trong quyển hồi ký thuộc dạng đã cam kết không được tiết lộ. Các luật sư khẳng định vụ kiện dân sự này độc lập với vụ án hình sự liên quan đến việc tiết lộ dữ liệu bí mật bởi Snowden. "Edward Snowden đã vi phạm một nghĩa vụ mà ông đã thực hiện với Mỹ khi ông ký kết các thỏa thuận như một phần công việc của CIA và với tư cách là một nhà thầu của NSA", Trợ lý Tổng chưởng lý Jody Hunt cho biết trong một tuyên bố.
Trong phát biểu trực tuyến gửi đến một sự kiện quảng bá cuốn hồi ký ở Đức, Snowden xác nhận, khi ký một thỏa thuận không tiết lộ các thông tin bí mật, người này đã tuyên thệ tuân thủ Hiến pháp Mỹ. "Bạn nói với chính phủ rằng bạn không tiết lộ với báo giới.
Bạn nói với chính phủ rằng bạn sẽ không viết sách", Snowden nói. "Cùng lúc đó, bạn đã tuyên thệ không chống lại Hiến pháp. Còn bí mật mà bạn phải bảo vệ lại vi phạm Hiến pháp và quyền lợi của người dân trên thế giới".
Ben Wizner, luật sư đại diện cho Snowden khẳng định cuốn sách này không chứa bất kỳ bí mật nhà nước nào chưa từng được công bố bởi các tổ chức uy tín. Ông Wizner cho biết thân chủ của ông sẵn sàng "gửi tặng" Chính phủ Mỹ vài quyển để soi mói nếu có nhã hứng xem xét nó một cách thiện chí.
Trong khi đó, ngày 16-9, Edward Snowden nói rằng muốn quay trở về Mỹ nhưng chỉ khi anh ta nhận được phiên xét xử công bằng tại quê nhà. "Đó là mục tiêu cuối cùng. Nếu tôi phải dành phần đời còn lại của mình trong nhà tù thì yêu cầu duy nhất và cuối cùng của tôi mà tôi nghĩ là chúng ta đều nhất trí rằng ít nhất tôi sẽ nhận được một phiên xét xử công bằng", Snowden khẳng định trên chương trình "CBS This Morning" ngày 16 - 9.