Công an chính quy về xã “bốn cùng” với dân

Thứ Hai, 28/10/2019, 09:10
37 xã, thị trấn với 62 đồng chí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã là con số mà Công an tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện được từ đầu năm đến nay.

Trong giai đoạn 1 năm 2019, Công an Lạng Sơn đặt kế hoạch hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 72 xã và đến hết năm 2020-2021 sẽ “phủ sóng” toàn bộ 226 xã, thị trấn trên địa bàn biên giới Lạng Sơn.

Về xã "bốn cùng" với dân

Trong cái nắng hanh vàng cuối thu ở biên giới Lạng Sơn, đi theo quốc lộ 4B, chúng tôi xuống địa bàn xã Xuân Tình của huyện Lộc Bình, một trong 5 xã, thị trấn vừa công bố quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn điều động, bổ nhiệm Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã, thị trấn.

Xuân Tình là một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. Xã có diện tích 776,60ha, với 368 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Sán Chỉ sinh sống. Cả xã có 65 hộ nghèo và 77 hộ cận nghèo, người dân chủ yếu làm nông, lâm nghiệp, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Đường từ các thôn xóm ra trung tâm xã chủ yếu là đường mòn, đường đất. Để phát triển kinh tế ở xã vùng cao biên giới, chính quyền đặc biệt quan tâm đến thay đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc để người dân yên tâm làm ăn.

Trung tá Lương Văn Giang, Trưởng Công an xã Xuân Tình cho biết, anh vừa được điều động, bổ nhiệm Trưởng Công an xã từ tháng 8-2019. Trong đợt bổ nhiệm này còn có Thiếu tá Vi Tiến Hồng - đảm nhiệm vị trí Công an viên. Trước khi về nhận vị trí Trưởng Công an xã, Trung tá Lương Văn Giang làm Phó trưởng Đồn Công an cửa khẩu Chi Ma. 

Khi có chủ trương sắp xếp cán bộ đi cơ sở, Trung tá Lương Văn Giang đã xung phong nhận nhiệm vụ ở địa bàn. Tiếp nhận vị trí công tác mới với những khó khăn bộn bề, nhưng hơn 1 tháng qua, anh và Thiếu tá Hồng đã thực hiện nhiều công việc, trong đó thường xuyên xuống địa bàn dân cư để nắm tình ANTT, cùng người có uy tín, cán bộ thôn, Công an viên củng cố tình hình an ninh chính trị, tuyên truyền pháp luật, giúp nhân dân yên tâm phát triển kinh tế.

Theo chia sẻ của Thiếu tá Vi Tiến Hồng, anh đã có thâm niên “cắm bản” trong nhiều năm khi từng là Công an phụ trách 3 xã của huyện Lộc Bình. Kể chuyện với chúng tôi, anh cho biết: “Từng ở Đội Công an phụ trách xã, nên khi tổ chức điều động, bổ xung người xuống địa bàn, chúng tôi xung phong đi đầu, không gì bằng thực tế kinh nghiệm đã có, nên việc tiếp nhận vị trí mới sẽ thuận lợi hơn”. 

Do cơ sở vật chất chưa có nên UBND xã Xuân Tình đã bố trí 1 phòng làm việc trong trụ sở UBND cho Công an xã Xuân Tình. Phòng làm việc nhỏ gọn kê được 2 chiếc bàn và 1 tủ tài liệu. Trưởng Công an xã và Công an viên cùng ngồi chung. Tại đây, xã cũng đã sắp xếp 1 gian nhà công vụ vốn là của Trường Tiểu học Xuân Tình để cho anh em nghỉ tạm.

Công an xã Xuân Tình đến tận nhà tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Chia sẻ về công việc mới, Thiếu tá Vi Tiến Hồng cho biết, tâm lý chung khi xuống địa bàn ai cũng bỡ ngỡ, hẫng hụt, ở cơ sở thiếu thốn đủ thứ. Tuy nhiên, ngoài Xuân Tình, anh vẫn phụ trách thêm 2 xã nữa là Nhượng Bạn và Hữu Lân. 

Trong hơn 1 tháng qua, mỗi ngày ngoài các công việc chung, thì Công an viên lại xuống các thôn, xóm, gặp gỡ người dân, vừa tìm hiểu đời sống thực tế vừa tuyên truyền về ANTT, khi người dân có vướng mắc, hay mâu thuẫn cần giải quyết, anh đã hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho họ. 

“Xã nghèo, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn nên khi Công an chính quy về xã một phần nào đã cho thấy hình ảnh thân thiện, gần dân, giải quyết được nhiều công việc cơ bản cho người dân nên họ rất tin tưởng, quý mến. Có nắm chắc địa bàn, được lòng dân thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mới hiệu quả. 

Chúng tôi xác định, lấy phòng ngừa là chính, nên thời gian qua đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con, gần như là “4 cùng” với dân. Hầu hết các vụ việc đều xảy ra ở địa bàn, việc cán bộ ở cơ sở mạnh thì sẽ xử thì giải quyết được vấn đề ngay từ gốc” - Thiếu tá Vi Tiến Hồng nói.

Theo Trung tá Lương Văn Giang, dự kiến trong thời gian tới sẽ công bố sáp nhập 4 xã: Như Khuê, Nhượng Bạn, Vân Mộng, Xuân Tình thành xã Thống Nhất. Khi đó địa bàn sẽ rộng hơn, ANTT sẽ phức tạp hơn. Đồng chí Trưởng Công an xã còn tham gia vào cấp uỷ địa phương thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế xã hội, thực hiện đúng chủ trương “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” nên công việc sẽ bận rộn hơn nhiều.

Theo chia sẻ của Công an viên Má Văn Diện (thôn Nà Mạ, xã Xuân Tình), thôn Nà Mạ cách trung tâm xã khoảng 4-5km, ở đây chỉ có đường mòn, chưa có đường bê tông nên đi lại còn khó khăn. Tuy nhiên, chỉ mới 2 tháng khi hoàn thiện Công an chính quy về xã, đồng chí Trưởng Công an xã và Công an viên chính quy thường xuyên xuống địa bàn, nắm về tình hình ANTT, quan tâm tới đời sống của người dân, vận động người dân thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng buôn người qua biên giới. 

“Từ khi có Công an chính quy về xã, tôi thấy tình hình ANTT thay đổi khá nhiều. Trước hết là đem đến hình ảnh mới, quản lý con người, địa bàn, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân khoa học hơn, thuyết phục hơn” - anh Má Văn Diện cho biết.

Trước đó, Công an huyện Lộc Bình công bố quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn điều động, bổ nhiệm Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã, thị trấn cho 5 đồng chí; công bố quyết định của Trưởng Công an huyện cho 5 đồng chí được bổ nhiệm làm Công an viên tại các xã, thị trấn gồm: Bằng Khánh, Khuất Xá, Xuân Tình, Xuân Dương và thị trấn Na Dương.

Công an xã Xuân Tình luôn bám cơ sở, gần dân.

Khắc phục khó khăn

So với các tỉnh đồng bằng, việc triển khai Đề án đưa Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở tỉnh miền núi, biên giới khó khăn hơn. Theo Thượng tá Đường Hồng Hà, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Lạng Sơn, khi triển khai Đề án, Lạng Sơn đang gặp 4 khó khăn lớn, đó là: Cơ sở vật chất thiếu thốn; giải quyết lực lượng bán chuyên trách; công việc và nguồn cán bộ; tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. 

Hiện nay hầu hết tại các địa bàn, nơi làm việc và sinh hoạt của Công an xã không có. Có nơi may mắn thì được một phòng làm việc ở UBND xã, còn chỗ ở của CBCS đều tận dụng ở tạm, trong khi lực lượng phải ứng trực 24/24h.

Từ thực tế đó, thời gian qua, Công an tỉnh Lạng Sơn vừa triển khai Đề án, vừa hoàn thiện từng bước một, vướng mắc ở đâu thì tìm giải pháp để tháo gỡ, khắc phục đến đó. Theo Thượng tá Đường Hồng Hà, việc báo cáo đề án, xây dựng đề án rất kỳ công, mất 5 tháng. 

Công an tỉnh Lạng Sơn chọn 72 xã để đưa Công an chính quy về, theo đồng chí Hà, vì tình hình ANTT địa bàn phải bố trí ngay, các xã này đang trống Trưởng Công an xã. Khi triển khai Đề án, Công an tỉnh Lạng Sơn đã đi khảo sát thực tế từng địa bàn, đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể, địa bàn nào phức tạp, cần gấp thì phải bố trí ngay.

Lạng Sơn có 44 xã, thị trấn là địa bàn trọng điểm về ANTT (14 thị trấn, 30 xã). Trong thời gian qua, có một số xã có sự thay đổi về nhân sự, thiếu trưởng Công an xã nên đã bố trí điều động Trưởng Công an xã xuống địa bàn. Chẳng hạn Công an huyện Chi Lăng đã bố trí được 5 xã với 9 đồng chí gồm 5 đồng chí Trưởng Công an xã, thị trấn, 2 Phó trưởng Công an thị trấn và 2 đồng chí Công an viên. 

“Việc triển khai chính quy hóa lực lượng Công an xã góp phần xây dựng địa bàn cơ sở ngày càng an toàn, vững mạnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, loại trừ những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương”, Thượng tá Đường Hồng Hà nhấn mạnh.

Công an tỉnh Lạng Sơn đã đưa 62 đồng chí Công an chính quy về 37 xã, thị trấn.

Thượng tá Đường Hồng Hà cho biết, khi triển khai điều động, bổ nhiệm Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã, thị trấn, Công an tỉnh Lạng Sơn đã vận động trên tinh thần tự nguyện sau đó là bổ nhiệm phân công phụ trách. Tổ chức giao thì các đồng chí đều chấp hành, tuy nhiên việc bố trí lực lượng xuống cơ sở còn một số vướng mắc về các tiêu chí, như khi tham gia cấp uỷ thì cần có trung cấp lý luận chính trị.

Lạng Sơn hiện đang có chủ trương giảm từ 226 xã xuống còn 195 xã, theo đó sẽ dôi dư rất nhiều cán bộ, công chức xã. Do vậy, để sắp xếp công việc cho những lực lượng bán chuyên trách cũng rất nan giải. Đến hết năm 2020-2021, Công an Lạng Sơn sẽ “phủ sóng” toàn bộ 226 xã, thị trấn có Công an chính quy về xã trên địa bàn.

Thực tế việc lựa chọn cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đúng tiêu chuẩn quy định, năng lực đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng Công an xã, giải quyết nhanh những vụ việc ANTT ngay tại cơ sở, phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn nông thôn đạt hiệu quả. Vì vậy việc đưa ra các tiêu chí đánh giá, lựa chọn cán bộ là việc cần thiết. Từ đó có lựa chọn cán bộ phù hợp đối với từng địa bàn khi Công an chính quy được tăng cường về giữ các chức danh Công an xã.

Lưu Hiệp – Trần Hằng
.
.
.