Chủ tịch Interpol Mạnh Hồng Vĩ sa lưới

Thứ Sáu, 26/10/2018, 15:08
Ngày 7-10, Trung Quốc xác nhận đang điều tra Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) Mạnh Hồng Vĩ, người bị báo mất tích hồi tháng trước sau khi trở về quê nhà từ Pháp.


Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc đã ra một thông báo ngắn gọn lúc nửa đêm 7-10 với nội dung xác nhận Chủ tịch Interpol Mạnh Hồng Vĩ đang bị điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật nhà nước: “Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hồng Vĩ hiện đang bị Ủy ban Giám sát Quốc gia điều tra vì nghi ngờ vi phạm pháp luật”.

Interpol sau đó cũng đưa ra thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng ông Mạnh đã từ chức Chủ tịch với “hiệu lực ngay tức khắc”. Theo đó, Phó Chủ tịch phụ trách châu Á tại Ủy ban điều hành Interpol Kim Jong Yang sẽ thay thế ông Mạnh giữ quyền Chủ tịch Interpol cho tới khi tân chủ tịch được chọn ra trong cuộc họp tổ chức tại Dubai tới đây.

Trong thông cáo đăng trên trang chủ ngày 8-10-2018, Bộ Công an Trung Quốc xác nhận, ông Mạnh Hồng Vĩ đang bị giam giữ để điều tra vì hành vi "nhận hối lộ và tình nghi phạm pháp" và khẳng định hành vi của ông "gây tổn hại nghiêm trọng" cho đảng và ngành công an.

“Hùm xám” thứ 18

Tờ South China Morning Post hôm 5-10 trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay ông Mạnh Hồng Vĩ  đã bị “bắt đi” và bị thẩm vấn bởi các nhà chức trách kỷ luật “ngay sau khi bước chân vào Trung Quốc”. Nhiều nguồn tin cho rằng ông Mạnh đã trở thành mục tiêu tiếp theo của chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” - chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Nhiều quan chức Trung Quốc thường mất tích vài tuần, thậm chí vài tháng trước khi chính quyền Trung Quốc xác nhận bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng.

Andrew Wedeman, nhà khoa học chính trị tại Đại học Georgia, người chuyên nghiên cứu về đề tài tham nhũng tại Trung Quốc, cho biết chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã “hạ nhiệt” sau giai đoạn đỉnh cao vào năm 2015; tuy nhiên Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục hạ gục “những con hổ” - cụm từ được Trung Quốc sử dụng để ám chỉ những quan chức cấp cao “ngã ngựa”.

“Theo suy đoán của tôi, năm nay họ đã hạ được 17 "con hổ" và ông Mạnh có thể là "con hổ" thứ 18. Cảm nhận của tôi đó là giai đoạn tăng tốc của chiến dịch chống tham nhũng đã qua và Trung Quốc đang quay trở lại cấp độ bình thường. Tuy vậy, chiến dịch săn hổ chắc chắn vẫn tiếp diễn”, giáo sư Wedeman nhận định.

Các nhà phân tích cho rằng việc ông Mạnh biến mất đột ngột có thể tổn hại không chỉ nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng thỏa thuận hợp tác với các nước khác về pháp lý và thực thi pháp luật, mà còn khiến cho các quan chức của nước này mất đi cơ hội được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao trong các tổ chức toàn cầu.

Tuy nhiên, có lẽ họ đã nhận thức rõ những rủi ro đó trước khi hành động theo cách này, tờ SCMP trích lời nhà phê bình chính trị gốc Trung Quốc, Zhang Lifan: “Tôi chắc chắn họ đã biết trước sẽ nhận được phản ứng bất thường từ cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra quyết định như vậy”, và: “Tôi đoán một điều gì rất nguy cấp đã xảy ra. Đó là lý do tại sao chính quyền Trung Quốc chọn hành động ngay lập tức như vậy, trước nguy cơ bị mất mặt trên sân khấu quốc tế”. 

“Nếu những gì mà ông Mạnh tham gia chỉ là một vụ tham nhũng bình thường, thì các nhà chức trách có lẽ sẽ không cần xử lý theo cách như vậy”, ông Zhang nói thêm.

Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc ở London, nói rằng với thâm niên của ông Mạnh, bất kỳ quyết định giam giữ nào đều phải được ban hành từ cấp cao nhất của Chính phủ Trung Quốc. “Theo chính sách đối ngoại của Trung Quốc, phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản là quan trọng nhất và là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, hình ảnh của Trung Quốc và vị thế của nước này trong các tổ chức quốc tế chỉ là vấn đề được quan tâm thứ hai sau Đảng”, ông Steve Tsang nói.

Sự nghiệp

Ông Mạnh Hồng Vĩ là người Hán, sinh tháng 11-1953 tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật  Đại học Bắc Kinh và lấy bằng Thạc sĩ Kỹ thuật tại Đại học Công nghiệp Trung Nam.

Năm 1975, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, và từng đảm nhiệm các chức vụ: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Quản lý Giao thông, Bộ Công an. Tháng 4-2004, Mạnh Hồng Vĩ  lần lượt đảm nhiệm các vị trí: Ủy viên Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Trung tâm Quốc gia Trung Quốc thuộc Interpol.

Tháng 3-2013, Mạnh Hồng Vĩ được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Hải dương Nhà nước kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát biển.

Ngày 10-11-2016, ông được bầu làm Chủ tịch Interpol, thay thế người tiền nhiệm là Mireille Ballestrazzi - người Pháp. Mạnh Hồng Vĩ trở thành người Trung Quốc đầu tiên giữ chức vụ này với nhiệm kỳ 4 năm.

Tháng 1-2018, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc khóa XIII nhiệm kỳ 2018-2023. Theo BBC tiếng Trung, trang web của Bộ Công an Trung Quốc tháng 4-2018 đã xóa tên Mạnh Hồng Vĩ khỏi danh sách cán bộ Đảng ủy Bộ Công an (tức chức vụ Ủy viên Đảng ủy Bộ Công an) nhưng ông vẫn có tên cho đến ngày 5-10-2018 với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

Tối 4-10-2018, vợ của Mạnh Hồng Vĩ đang sống ở Pháp - nơi Interpol đặt trụ sở, đã thông báo về sự mất tích của chồng sau nhiều ngày mất liên lạc kể từ khi ông trở về Trung Quốc, và cho biết bà nhận được những đe dọa từ mạng xã hội và điện thoại.

Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock đăng trên Twitter cho biết, “thông qua các kênh hành pháp chính thức, Interpol đã yêu cầu các cơ quan chức năng Trung Quốc làm rõ tình trạng của Chủ tịch Interpol Mạnh Hồng Vĩ”. Interpol đã mở cuộc điều tra về sự biến mất của ông Mạnh, đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ dành cho vợ con ông.

Như Sơn
.
.
.