Những tin nhắn giết người hay “tự do ngôn luận”?

Thứ Hai, 23/07/2018, 12:03
Nội dung tin nhắn và những lời phát biểu của một cô gái ở tiểu bang Massachusetts, Mỹ đã đẩy bạn trai tuổi teen của mình tự sát nên được nhìn nhận như “tự do ngôn luận” chứ không phải tin nhắn giết người, các luật sư của cô gái nói trong kháng nghị của họ tìm cách lật ngược một phán quyết của tòa án rằng cô gái có tội ngộ sát không tự nguyện.


Cô Michelle Carter, 21 tuổi, bị kết án 15 tháng tù sau vụ tự sát năm 18 tuổi của Conrad Roy III, người đã chết trong chiếc xe tải nhỏ của mình do ngộ độc carbon monoxide - một hành động mà các công tố viên nói Carter, khi đó 17 tuổi, ủng hộ và khuyến khích trong một loạt tin nhắn và các cuộc hội thoại bị phơi bày ra ánh sáng sau cái chết của Roy.

Conrad Roy III. 

Kháng cáo, được đệ trình vào ngày 29-6, không phủ nhận hành động của Carter. Nhưng kháng cáo chống lại tuyên bố của Thẩm phán Tòa án vị thành niên quận Bristol, Lawrence Moniz, người kết luận rằng “hành động của Carter và sự thất bại của cô trong việc khuyên ngăn Roy, đã góp phần dẫn dắt Roy đến hành vi liều lĩnh, tìm đến cái chết”.

Michelle Carter.

Michelle Carter và luật sư của cô tại phiên tòa.

Thẩm phán đã nhấn mạnh hai tiết lộ từ phiên tòa của Carter. Roy từng bày tỏ mong muốn hủy bỏ kế hoạch tự sát của mình bằng cách ra khỏi xe tải, nhưng Carter nói với cậu là phải đi vào trở lại, Moniz nói. Sau đó, lúc đầu Carter không nói cho ai biết về vụ tự sát. 

“Cô ta bảo Roy quay trở lại xe tải, dù biết rõ tất cả những cảm xúc mà cậu ta đã trao đổi với cô ta: sự mơ hồ của cậu ấy, nỗi sợ hãi của cậu ấy và mối quan tâm của cậu ấy”, Moniz nói. 

Thẩm phán nói thêm: “Cô ấy chẳng làm gì cả. Cô ấy không gọi cho cảnh sát hay gia đình Roy. Cuối cùng, cô ấy không đưa ra một lời khuyên bổ sung đơn giản cho Roy: 'Ra khỏi xe tải'”.

Kháng cáo của Carter nhắm vào các phát biểu của thẩm phán Moniz. "Bởi vì thẩm phán kết án Carter trên những gì cô ấy nói, hoặc không nói, không phải những gì cô ấy đã làm, trường hợp này vi phạm tự do ngôn luận theo Tu chính án Đầu tiên”, luật sư của cô đã viết. 

Vụ án của Carter một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu một người nào đó có thể bị kết tội hình sự một cách hợp pháp trong trường hợp họ không có mặt tại hiện trường hay không. Nếu vụ án của Carter diễn ra như thẩm phán nói, “Massachusetts sẽ là tiểu bang duy nhất duy trì một kết tội ngộ sát không tự nguyện, nơi bị cáo vắng mặt, với lời nói một phía, khuyến khích một người khác tự sát”, luật sư của Carter viết.

Kháng cáo cho rằng các công tố viên đã "chọn lọc ác ý" các đoạn tin nhắn văn bản để miêu tả tương tác của Carter với Roy theo hướng nhằm chống lại cô. 

Carter đã gởi đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao.

Theo tờ khai, thông điệp mà Carter thừa nhận cô đã bảo Roy “quay lại” chiếc xe tải của mình sau khi anh ta rời đi sau khi muốn từ bỏ ý định tự sát, thực ra được cô gửi cho bạn bè vài tháng sau đó, mặc dù bị đơn cho rằng các công tố viên đã trình bày như thể cô ấy gửi tin nhắn cho Roy trực tiếp. "Đó là Roy, không phải Carter, người nghiên cứu ý tưởng, phát triển các chi tiết, sưu tập các thiết bị cần thiết, chọn chỗ đỗ xe tải của mình, và đưa kế hoạch chết người của mình vào hành động" kháng cáo viết.

Carter đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Các công tố viên cho biết Carter và Roy đã trao đổi hơn 1.000 tin nhắn văn bản trong tuần trước khi Roy chết. Trong số đó có những tin Carter gửi cho Roy: "Anh luôn nói rằng anh sẽ làm điều đó, nhưng anh không bao giờ làm. Em chỉ muốn chắc chắn tối nay điều đó là thực sự ". "Anh chỉ cần làm điều đó". Và "Nó không đau và nhanh chóng".

Trọng Nhân
.
.
.