Cảnh sát nữ Ấn Độ chống “yêu râu xanh”

Thứ Năm, 03/08/2017, 15:46
Nhằm ngăn ngừa vấn nạn quấy rối và tấn công tình dục, chính quyền thành phố Jaipur, bang Rajasthan, miền bắc Ấn Độ đã quyết định thành lập đội nữ cảnh sát đặc nhiệm để bảo vệ phụ nữ trước “yêu râu xanh”.


Bởi nạn nhân thường e ngại khi trình báo các vụ quấy rối hay tấn công tình dục với nam cảnh sát. Bên cạnh đó là lo sợ bị xã hội đánh giá và cảnh sát nam không tin vào lời khai của họ, nên nạn nhân không dám trình báo sau khi bị tấn công tình dục.

Những thành viên của đội nữ cảnh sát đều được đào tạo về pháp luật và võ thuật tổng hợp và họ thường xuyên đi tuần quanh các điểm nóng như trường học, bến xe buýt, công viên. "Nếu một người phạm pháp và bị trừng phạt, những tên khác sẽ biết sợ khi định làm chuyện xấu.

Đó là lý do tôi nghĩ đây là chuyện tuyệt vời", anh Ram Lal Gujar, cư dân trong thành phố Jaipur nói khi được hỏi về sự xuất hiện của đội nữ cảnh sát đặc nhiệm kể trên.

Theo giới truyền thông, tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 5, nhưng đội nữ cảnh sát này đã gây ấn tượng tốt với dư luận, khi tình trạng quấy rối ở các điểm nóng đã giảm đáng kể.

Được biết, bất kể mưa hay nắng, những nữ cảnh sát đặc nhiệm đều tuần tra trên những con phố ở Jaipur. Ngoài ra, họ còn có nhiệm vụ phổ biến kiến thức chống quấy rối và tấn công tình dục cho phụ nữ và trẻ em. Những nữ cảnh sát này cũng thông báo, nạn nhân có thể liên lạc với họ bằng WhatsApp bất kỳ lúc nào.

Theo thống kê, trung bình cứ 15 phút lại có 1 phụ nữ Ấn Độ bị cưỡng bức, nên sự ra đời của đội nữ cảnh sát kể trên được coi là bước tiến lớn trong nỗ lực ngăn tình trạng đang lan rộng tại quốc gia Nam Á này.

Người đứng đầu đội nữ cảnh sát đặc nhiệm Kamal Shekhawat hy vọng, sự có mặt của nữ cảnh sát sẽ giúp nhiều phụ nữ ở Jaipur mạnh dạn báo cáo về những kẻ lạm dụng và cưỡng bức họ.

"Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới là không khoan nhượng đối với tội ác chống lại phụ nữ", Kamal Shekhawat tuyên bố. Sau quyết định của thành phố, thành phố Udaipur cũng muốn triển khai đội đặc nhiệm nữ cảnh sát vào tháng 10-2017.

Theo ông Arun Kumar Gupta, Giám đốc cảnh sát bang Uttar Pradesh, chỉ có gần 6.500 nữ cảnh sát, chiếm chưa tới 2% lực lượng cảnh sát của bang. Tại mỗi trạm cảnh sát trong 75 quận của bang Uttar Pradesh chỉ có 1 nữ cảnh sát và họ không phải lúc nào cũng có mặt và đó là một trong những hạn chế khi thành lập những đơn vị toàn nữ để chống yêu râu xanh.

Thành viên của đội nữ cảnh sát đặc nhiệm.

Trong một diễn biến liên quan, doanh nhân Moninder Singh Pandher và người làm vườn Surinder Koli vừa bị tòa kết án tử hình hôm 24-7 vì tội cưỡng hiếp và giết chết cô Pinki Sarkar, người giúp việc bị mất tích từ tháng 10-2006. Moninder Singh Pandher và Surinder Koli bị cáo buộc giết hại và hãm hiếp nhiều trẻ em cùng các phụ nữ ở khu ổ chuột gần tư dinh của mình.

Theo hồ sơ tại tòa, Surinder Koli đã giết và chặt đầu nạn nhân, rồi vứt xuống cống rãnh gần đó. Mẫu ADN của chiếc đầu được tìm thấy trùng khớp với ADN của người thân cô Pinki Sarkar.

Bộ xương của cô Pinki Sarkar được phát hiện cùng với gần 70 chiếc túi đựng 18 thi thể, trong đó có nhiều trẻ em, nằm dưới cống nước thải ở Nithari, bang Uttar Pradesh.

Điều đáng nói là cả 2 tên kể trên từng bị kết án tử hình năm 2009 với cáo buộc sát hại thiếu nữ 14 tuổi, nhưng Moninder Singh Pandher đã được một tòa án cấp cao tuyên trắng án sau đó.

Trong khi đó, tờ Hindustan Times số ra ngày 20-7 dẫn phán quyết của Thẩm phán Poonam Joshi, theo đó bé gái 10 tuổi buộc phải sinh con, bất chấp việc gia đình kiện con họ là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp. Hung thủ là cậu ruột - cưỡng hiếp cháu gái tại nhà 6-7 lần và vụ việc bị phanh phui sau khi nạn nhân mang thai.

Trước đó, một bé gái 10 tuổi cũng bị cha dượng cưỡng hiếp khiến nạn nhân mang thai. Vụ việc xảy ra ở thành phố Rohtak, bang Haryana.

Gần 1 tháng trước (4-7), tờ Daily Mail đưa tin, các bà mẹ tại Ấn Độ đã trói và đánh một nghi phạm tấn công tình dục trẻ em, cho tới khi cảnh sát xuất hiện và nói chuyện với đám đông.

Theo giới truyền thông, Ấn Độ là một trong những nước có số vụ cưỡng hiếp cao, chỉ riêng Thủ đô New Delhi trong năm 2015 đã ghi nhận 2.199 vụ việc. Và mỗi năm có gần 40.000 vụ cưỡng hiếp xảy ra ở Ấn Độ và con số thực tế được cho còn cao hơn. Giới truyền thông cho rằng, khoảng 80% phụ nữ Ấn Độ thường gặp rắc rối và nguy hiểm theo nhiều mức độ bởi hiện tượng "Eve teasing" - có thể là trêu ghẹo, gạ gẫm, hoặc bám đuổi bởi những kẻ lạ mặt. 4 năm trước (2013-2017), Quốc hội Ấn Độ đã phê chuẩn dự luật thực thi các hình phạt nghiêm khắc, và mức cao nhất là tử hình, đối với tội phạm hiếp dâm. 

Phạm Huy Anh
.
.
.