CIA vào cuộc vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại

Thứ Hai, 29/10/2018, 14:13
"Washington đã xác định 1 số cá nhân đứng sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, nên đã thông báo hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết. Và những biện pháp trừng phạt này không phải "lời cuối" của Mỹ trong vấn đề này bởi Washington không dung thứ và tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp đối với những người phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.


Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, sẽ có 21 người Saudi Arabia (đến từ Cơ quan tình báo, Tòa án hoàng gia, Bộ Ngoại giao và nhiều bộ ban ngành khác) bị hủy thị thực hoặc không đủ tư cách xin thị thực vào Mỹ trong tương lai. 

Đây là động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay của Washington đối với quốc gia đồng minh thân cận. Và quyết định kể trên diễn ra sau khi Giám đốc CIA Gina Haspel đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia điều tra vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Bà Gina Haspel đã yêu cầu được nghe đoạn ghi âm liên quan vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi.

Ngày 23-10, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi là "một trong những vụ che đậy tội ác tồi tệ nhất trong lịch sử". Trước đó (22-10), khi trả lời phỏng vấn tờ USA Today, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông tin cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi là một "âm mưu thất bại", nên đã cử các quan chức tình báo hàng đầu đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Thái tử Mohammad bin Salman và nhà báo Jamal Khashoggi.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng khẳng định, Washington muốn biết mọi chi tiết về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Cùng ngày 22-10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã hội đàm kín với Thái tử Mohammed bin Salman ở thủ đô Riyadh. Việc này diễn ra khi Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai được tổ chức từ 23 đến 25-10 tại Saudi Arabia, với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu.

Về phần mình, phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, quyền miễn trừ ngoại giao không phải là "lá chắn" cho tội giết người. Đồng thời yêu cầu 18 đối tượng tình nghi mà Saudi Arabia đã bắt giữ cần bị đưa ra xét xử tại Istanbul. Ông Tayyip Erdogan còn cho biết, không hài lòng với cách đổ lỗi của chính quyền Saudi Arabia cho một số nhân viên tình báo gây ra cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.

Bởi theo ông Tayyip Erdogan, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy, vụ việc dẫn tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước - hệ thống camera giám sát tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul đã bị vô hiệu hóa trước khi xảy ra vụ việc. Và ông Tayyip Erdogan đã kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra độc lập để làm rõ cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội chiều 23-10, ông Tayyip Erdogan đã tiết lộ một số thông tin liên quan đến cuộc điều tra vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị chết, nhưng không hề đề cập đến Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman. Liên quan đến "nhân vật đóng thế", Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, người này (là Mustafa al-Madani, 1 trong những nghi phạm kể trên) đã được thuê để đóng giả nhà báo Jamal Khashoggi. Giới truyền thông cho biết, kế hoạch dùng kẻ thế thân nhà báo Jamal Khashoggi thất bại vì lỗi nhầm giày.

Lãnh đạo đảng Yêu nước quốc gia (VATAN) Thổ Nhĩ Kỳ Dogu Perincek cho biết, thi thể của nhà báo Jamal Khashoggi đã được tìm thấy trong chiếc giếng tại nơi ở của Tổng lãnh sự Saudi Arabia ở thành phố Istanbul. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tìm thấy chiếc Mercedes-Benz 2011 E-Series màu đen của Lãnh sự quán Saudi Arabia bỏ lại tại bãi đỗ xe ngầm trong công viên ở Istanbul.

Hãng Reuters vừa dẫn nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sau khi lăng mạ nhà báo Jamal Khashoggi qua Skype, ông Saud al-Qahtani, trợ lý hàng đầu của Thái tử Mohammed bin Salman đã lệnh cho nhóm đặc vụ (15 nhân viên an ninh và tình báo) xử lý ông. Trước sức ép của Mỹ và các nước phương Tây, Saudi Arabia đã sa thải ông Saud al-Qahtani và 4 quan chức khác.

Tờ Daily Mail dẫn lại Kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ công bố đoạn video cho thấy, các nhân viên tại lãnh sự quán Saudi Arabia đã đốt giấy tờ nghi là bằng chứng có liên quan tới nhà báo bị mất tích. Ngày 23-10, Saudi Arabia cam kết, sẽ mạnh tay với những kẻ đứng sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cũng khẳng định, Riyadh cam kết mở cuộc điều tra kỹ lưỡng và toàn diện để tìm ra sự thật đằng sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia cho biết, Quốc vương Saudi Arabai Salman và Thái tử Mohammed bin Salman đã có buổi tiếp thân nhân nhà báo Jamal Khashoggi tại thủ đô Riyadh. Hãng Reuters và Sputniknews cũng vừa dẫn tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moskva đã nhận được lập trường chính thức của Saudi Arabia về việc này - Hoàng gia không liên quan tới vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Trịnh Huyền My
.
.
.