Bất đồng về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết

Chủ Nhật, 04/11/2018, 10:17
Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia sẽ là quốc gia có quyền xét xử vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hiện vẫn chưa có câu trả lời. Bởi tất cả nghi can đều ở Saudi Arabia, và họ chỉ có thể bị xét xử ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được chuyển giao. 

Cho đến nay, Saudi Arabia tiếp tục khẳng định, họ sẽ tự điều tra và trừng phạt những người liên quan. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cũng từng tuyên bố, nước này sẽ xét xử các thủ phạm. Và chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ của Bộ trưởng Tư pháp Saudi Arabia Saud al-Mojeb đang được dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm. 

Bởi cho đến nay, Saudi Arabia vẫn chưa công bố nơi giấu xác nhà báo Jamal Khashoggi, bất chấp yêu cầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Recep Tayyip Erdogan cũng đã yêu cầu Saudi Arabia chuyển 18 nghi can cho Thổ Nhĩ Kỳ điều tra, xét xử. 

Bộ trưởng Tư pháp Saudi Arabia Saud al-Mojeb (đội khăn) tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29-10.

Bởi theo ông Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu nhiều chứng cứ hơn những gì đã công khai, nhưng chưa công bố vì muốn Saudi Arabia có động thái tích cực trong vấn đề này. Theo hãng Fox News, yêu cầu dẫn độ của ông Recep Tayyip Erdogan là động thái tăng áp lực đối với Saudi Arabia.

Việc khước từ trao đổi thông tin với Bộ trưởng Tư pháp Saud al-Mojeb cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn Saudi Arabia biết họ đang có những tài liệu gì xung quanh vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn tiết lộ “nguồn cung cấp tin” của họ bởi Riyadh muốn Istanbul cung cấp tất cả những gì họ thu thập được như bằng chứng, lời khai và các đoạn phim có liên quan. 

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa công khai đoạn băng ghi âm được cho là bằng chứng cho thấy ông Jamal Khashoggi đã bị tra tấn rồi bị giết chết trong tòa lãnh sự Saudi Arabia, thi thể sau đó bị phi tang. Bên cạnh đó là bằng chứng về sự liên lạc giữa Thái tử Mohammed bin Salman với các sát thủ. 

Giới truyền thông cho rằng, vì sự thiếu tin tưởng lẫn nhau nên cuộc gặp giữa ông Saud al-Mojeb với Trưởng công tố Istanbul chỉ kéo dài 75 phút hôm 29-10. Theo NTV, ông Saud al-Mojeb có cuộc hội đàm thứ 2 với công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ Irfan Fidan tại trụ sở tòa án hôm 30-10. Mấy ngày trước (25-10), ông Saud al-Mojeb từng tuyên bố, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi được lên kế hoạch từ trước, trái với giải thích “tử vong do ẩu đả” do nước này đưa ra trước đó.

Được biết, Giám đốc CIA Gina Haspel đã báo cáo với Tổng thống Donald Trump về vụ nhà báo Jamal Khashoggi ngay sau khi trở về Mỹ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi bà Gina Haspel đã được Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp toàn bộ bằng chứng về vấn đề này. 

Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi gặp Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir bên lề diễn đàn an ninh tại Bahrain đã đề nghị Riyadh cần tiến hành cuộc điều tra minh bạch về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. 

Ông chủ Lầu Năm Góc còn nhấn mạnh, Mỹ không chấp nhận hành động bịt miệng nhà báo Jamal Khashoggi bằng bạo lực. Nhưng ông Adel al-Jubeir cho rằng, thế giới quá vội vàng đổ lỗi cho họ về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi khi cuộc điều tra chưa kết thúc. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng từng kêu gọi Saudi Arabia hợp tác để làm sáng tỏ chân tướng vụ án đang thu hút sự quan tâm của thế giới. Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini gọi vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết là “sự vi phạm gây sốc” đối với Điều 55 của Công ước Vienna về các quan hệ lãnh sự. 

Hatice Cengiz, vợ chưa cưới người Thổ Nhĩ Kỳ của nhà báo Jamal Khashoggi.

Theo giới truyền thông, mặc dù cho đến lúc này Riyadh không đòi quyền miễn trừ ngoại giao cho 18 nghi can (3 nhân viên lãnh sự và 15 sỹ quan an ninh), nhưng Saudi Arabia vẫn tuyên bố, nhà báo Jamal Khashoggi chết là tai nạn trong quá trình thẩm vấn, ẩu đả.

Theo tờ Sunday Express, trước khi mất tích, nhà báo Jamal Khashoggi tỏ ra lo lắng, bồn chồn vì có bằng chứng cho thấy, Saudi Arabia dùng vũ khí hóa học ở Yemen. Trước đó, chuyên gia về chiến tranh hóa học của Anh cũng từng cáo buộc Saudi Arabia sử dụng phốt pho trắng do Mỹ cung cấp để chống lại quân đội và thậm chí là dân thường Yemen.

Theo nguồn tin từ Cơ quan Tình báo Tín hiệu Anh (GCHQ), tình báo Anh biết kế hoạch của nhóm sát thủ Saudi Arabia khoảng 3 tuần trước khi nhà báo Jamal Khashoggi tới lãnh sự quán. Cơ quan tình báo Anh MI6 cũng đã cảnh báo Saudi Arabia nên hủy kế hoạch này, nhưng bất thành. 

Trong khi đó, hãng Sputnik dẫn lời bà Hatice Cengiz, vợ chưa cưới người Thổ Nhĩ Kỳ của nhà báo Jamal Khashoggi cho rằng, Chính phủ Saudi Arabia biết thi thể nạn nhân ở đâu và họ nên đáp lại yêu cầu của một hôn thê, của một người theo đạo Hồi. Đồng thời tuyên bố, người ra lệnh phải đứng trước công lý. Bà Hatice Cengiz cũng bày tỏ sự thất vọng với cách tiếp cận vấn đề của Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump nên giúp tiết lộ sự thật và đảm bảo công lý được thực thi.

Phạm Huy Anh
.
.
.