Afghanistan: Mớ bòng bong bỏ lại

Chủ Nhật, 22/03/2020, 14:06
9/3/2020 là một ngày sẽ rất khó quên trong lịch sử Afghanistan. Một ngày đặc biệt, theo một cách khá… kỳ quặc, và còn pha trộn cả hương vị của sự hoảng loạn. Đó cũng là ngày những người lính viễn chinh Mỹ đầu tiên chính thức lên đường rời khỏi mảnh đất lắm đau thương này, theo thỏa thuận được ký với những kẻ cựu thù Taliban, sau 18 năm hiện diện tại quốc gia Trung Á ấy.


Lễ nhậm chức vô tiền khoáng hậu

Cùng thời điểm và hoàn toàn có thể nói là cùng địa điểm (tại khu tổ hợp Dinh Tổng thống Afghanistan), hai vị tân Tổng thống tổ chức song song hai lễ nhậm chức, long trọng và nghiêm chỉnh như nhau.

Người thứ nhất là Mohammad Ashraf Ghani - người được Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan xác nhận là đắc cử vào cuối tháng 2/2020, dựa trên kết quả kiểm phiếu cuối cùng của cuộc bầu cử diễn ra ngày 28/9/2019. Ông Ghani, theo kết quả đó, đã giành được tới 50, 64% số phiếu bầu. Và tham dự lễ nhậm chức của ông ngày 9-3-2020, trong số hàng loạt quan chức ngoại giao nước ngoài, có cả Đặc phái viên phụ trách các vấn đề về Afghanistan của Mỹ - Zalmay Khalilzad.

Hai ông Ghani và Abdullah, nếu vì Afghanistan, đáng lẽ họ phải cùng nhìn về một hướng.

Tuy nhiên, tất cả những sự thừa nhận rộng rãi đó đều không thay đổi được quyết tâm "đòi lại công bằng" của người thứ hai - ông Abdullah Abdullahh.

Đối thủ chính của đương kim Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, một quan chức cao cấp cũ (tương đương Thủ tướng) của chính quyền Kabul, được xác định là chỉ đạt 39, 52% số phiếu ở vòng 2. Có điều, ngay từ ngày 30/9 năm ngoái, sau lần bỏ phiếu thứ nhất, ông Abdulallah đã tự tuyên bố mình là người chiến thắng, đòi hỏi Ủy ban bầu cử độc lập không tổ chức cuộc bỏ phiếu lần thứ hai - "điều không cần thiết".

Và hiện tại, "kiên định" với việc không thừa nhận kết quả của vòng bỏ phiếu đó (bất chấp Ủy ban bầu cử độc lập đã nhắc nhở rằng: Không ứng viên nào có quyền tự tuyên bố thắng cử, và chỉ Ủy ban bầu cử mới có tư cách xác nhận ai chiến thắng), bằng một cách nào đó, ông Abdullah vẫn tập hợp được những người ủng hộ mình, tiến vào Khu tổ hợp Dinh Tổng thống Afghanistan, để tự tổ chức lễ "khải hoàn" của mình.

Vấn đề là, cuối cùng, có một diễn biến chấn động đã xảy đến khiến cả hai buổi lễ đều không thể kết thúc trọn vẹn: Hàng loạt tiếng nổ vang lên ở cả hai khu vực tổ chức lễ nhậm chức. Cử tọa và cả đám đông hàng nghìn người bên ngoài rùng rùng tháo chạy, bỏ lại hai vị tân Tổng thống.

Trong thời khắc đó, người quen với vị trí Tổng thống hơn - ông Ashraf Ghani - đã thể hiện giàu sức thuyết phục hơn, khi tuyên bố: "Tôi không có áo chống đạn. Tôi chỉ có chiếc sơ-mi này. Nhưng dù phải hy sinh tính mạng, tôi vẫn sẽ ở lại". Tuy vậy, với những gì đã và đang  xảy đến trong thực tế, có lẽ vẫn chẳng nhà quan sát quốc tế nào dám khẳng định: Quyền lực thực thụ tại Afghanistan đang nằm trong tay ai?

Phủi tay

Câu trả lời thật khó có thể tìm thấy quanh những hòm phiếu và quanh những bậc thềm của Dinh Tổng thống Afghanistan. Những phác thảo về nó hiện lên rõ ràng hơn trong tuyên bố của những đại diện một siêu cường đến từ bên kia đại dương, và trong hành động của những kẻ đã từng bị đánh bật khỏi trung tâm quyền lực để nhường chỗ cho chính quyền Kabul hiện tại gần hai thập kỷ trước - lực lượng Taliban.

Ngày 1/3, Taliban và Mỹ ký một "thỏa thuận lịch sử" (theo cách dùng từ của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump). Theo đó, "cuộc chiến tranh dài nhất lịch sử nước Mỹ" sẽ chấm dứt, với việc "đưa những người lính Mỹ về nhà", và tạo tiền đề cho việc Taliban trở lại tham gia các giải pháp chính trị dành cho Afghanistan.

Trong thỏa thuận này có điều khoản: Sau khi tiến hành giai đoạn 1: Giảm quân số từ 12.000 xuống còn 8.600 binh sĩ Mỹ trong vòng 135 ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ dừng lại, đánh giá tình hình trước khi tiếp tục triệt thoái toàn bộ lực lượng đồn trú. Nghĩa là, nói một cách ngắn gọn, Lầu Năm Góc vẫn giữ lại những lựa chọn mang tính răn đe.

Có điều, ngay trong đêm 2/3, lời hăm dọa kín đáo đó đã bị thử thách. 13 trên tổng số 34 tỉnh của Afghanistan chứng kiến những cuộc tấn công của Taliban vào các lực lượng vũ trang của chính quyền Kabul. 

Đáp trả, trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lớn tiếng: "Nếu Taliban không tuân thủ thỏa thuận, các lực lượng chiến đấu nước ngoài sẽ không rút khỏi Afghanistan!"; thì Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhẹ nhàng: "Đó chỉ là những cuộc tấn công nhỏ, nhằm vào các chốt kiểm soát. Taliban đã ký kết một loạt điều kiện trong thỏa thuận mới nhất và những điều khoản này không hề bị vi phạm bất chấp tình hình bạo lực hiện nay. Cụ thể, Taliban đã không thực hiện vụ tấn công nào tại thủ đô Kabul, hay 34 thủ phủ của các tỉnh. Không có vụ tấn công liều chết, cũng như không có vụ tấn công nào nhằm vào lực lượng Mỹ hay liên quân".

Ngày 9/3, tiến trình triệt thoái quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vẫn được tiến hành như kế hoạch. Chuyện Taliban, bằng cả tuyên bố và hành động, công kích chính quyền Kabul dường như đã thực sự trở thành "chuyện riêng" của quốc gia Trung Á ấy.

Trái ngược với suốt hai thập kỷ qua…

Hành trình vô định

Sẽ là không thừa, khi nhắc lại nhận định của một chuyên gia về Afghanistan, người giữ vai trò cố vấn cấp cao về quốc gia này của nước Mỹ dưới thời hai triều Tổng thống Gorge W.Bush và Barack Obama - ông Carter Malkasian: "Sau khi Mỹ rút quân, Taliban sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cân bằng lực lượng và không tuân thủ các cam kết". 

Cũng sẽ giúp soi sáng nhiều góc cạnh hơn, nếu chúng ta biết trước khi Taliban và Mỹ ký "thỏa thuận lịch sử", giữa lực lượng đối lập đó với Tổng thống Ashraf Ghani đã tồn tại một điểm tranh cãi không thể khoan nhượng: Taliban xem việc trao đổi tù nhân với Chính phủ Kabul là điều kiện tiên quyết để tiến hành vòng đàm phán của riêng hai phía, song Ashraf Ghani từ chối.

Ông từ chối, trong bối cảnh sự "chây lì" của đối thủ Abdullah chứng minh rằng sự đồng thuận trong nội bộ chính quyền Kabul vẫn chỉ là một giả thuyết; những tiếng nổ trong lễ nhậm chức kỳ quặc kia chứng minh rằng khả năng bảo đảm an ninh của chính quyền Kabul là vô cùng mong manh; còn các vụ tấn công "dằn mặt" đêm 2/3 chứng minh rằng Taliban đủ mạnh để ngang nhiên thách thức cũng như đòi hỏi quyền lực - thứ xưa kia vốn thuộc về họ.

Nếu quân đội Mỹ (và tất cả các lực lượng nước ngoài khác theo gương họ) rút khỏi Afghanistan, chính quyền Kabul phải làm thế nào để đứng vững trước "thù trong giặc ngoài"?

Nếu bắt buộc phải thỏa hiệp, thì Tổng thống Ashraf Ghani có thể chấp nhận thỏa hiệp đến đâu với Taliban? Và liệu Taliban lẫn cả Abdullah Abdullah có chấp nhận thỏa hiệp với ông?

Với tất cả những gì đang diễn ra, thì một giải pháp chính trị lâu dài cho Afghanistan - như Liên hợp quốc kêu gọi - có là quá xa vời?

Và nếu Afghanistan lại một lần nữa đối diện nguy cơ tan hoang khi lửa thù hận được khơi lên từ những khoảng trống quyền lực, thì liệu các lực lượng quốc tế có kịp thời trở lại để kiểm soát tình hình hình?  

Đừng quên, ngày 6/3, chính truyền thông Kabul xác nhận rằng lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng sau lưng cuộc tấn công khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và 61 người bị thương, cuộc tấn công vào một buổi lễ tưởng niệm mà ngài Abdullah Abdullah cũng góp mặt (và thoát chết trong gang tấc).

Chẳng có gì tốt lành, cho bất cứ mảnh đất nào, khi âm hưởng chết chóc của cái tên ấy vang lên…

Thiên Thư
.
.
.