9,5 tỷ USD cho vụ bê bối gian lận khí thải Volkswagen

Thứ Hai, 07/09/2020, 18:43
9,5 tỷ USD là số tiền bồi thường mà Tập đoàn xe hơi Volkswagen Đức phải chi ra để dàn xếp các vụ kiện tại Mỹ liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải. Đây là con số thống kê do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) công bố ngày 27-7-2020. Vụ bê bối khiến Volkswagen từ bỏ tham vọng trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới vào năm 2018.


Hành vi gian dối

Mọi việc bắt nguồn từ năm 2013, khi một nhóm giáo sư và sinh viên tại Đại học Tây Virginia, Mỹ phát hiện ra lượng khí thải từ các chiếc xe chạy bằng diesel do Volkswagen sản xuất cao hơn một cách đáng ngờ so với số liệu chính thức. Tìm hiểu sâu hơn, nhóm này cùng với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã phát hiện ra một bí mật động trời: động cơ diesel của Volkswagen đã được cố tình thiết kế để đánh lừa các phép đo về khí thải.

Một trong những xu hướng quan trọng nhất của ngành ôtô trong thời gian gần đây là việc phát triển các mẫu xe có lượng khí thải thấp và tiết kiệm nhiên liệu, nhằm đáp ứng các quy định ngày càng ngặt nghèo của Mỹ và châu Âu. Trong khi các hãng xe khác chọn lựa chiến lược phát triển dòng xe hybrid (kết hợp động cơ xăng với động cơ điện), thì Volkswagen lại quyết định phát triển các dòng xe dùng dầu diesel. Theo số liệu của Volkswagen, có tới 23% số xe mà họ bán ra tại Mỹ trong tháng 8-2015 là xe chạy bằng diesel.

Hình ảnh tượng nữ thần công lý cùng Logo của Volkswagen đăng trên Deutsche Welle.com.

Tuy động cơ diesel có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn nhiều so với động cơ xăng, nhưng nó lại có vấn đề là tạo ra nhiều khí thải có hại hơn. Đây là rào cản cực kỳ nghiêm trọng nếu Volkswagen muốn tiến vào Mỹ, vì nước này có ngưỡng tiêu chuẩn khí thải cho phép thấp hơn châu Âu đến 10 lần. Trên thực tế, động cơ diesel của xe Volkswagen có lượng khí thải nitơ oxit (NO và NO2) cao gấp 40 lần giới hạn cho phép của Mỹ.

Lẽ ra, Volkswagen đã có thể dùng tới một giải pháp thông dụng là lắp hệ thống phun dung dịch urê để giảm bớt lượng khí thải nitơ. Hệ thống này đã được hãng dùng cho các loại xe thể thao và xe tải nhẹ của họ. Tuy nhiên, đối với các loại xe cỡ nhỏ hơn thì công ty lại muốn giảm bớt trọng lượng và độ phức tạp. Chính vì thế, họ đã chọn con đường tắt là dùng thủ thuật đánh lừa các thiết bị đo.

Thủ thuật mà các kỹ sư của Volkswagen đã sử dụng là viết thêm một đoạn mã bí mật vào phần mềm điều khiển hệ thống để nhận biết khi nào xe đang được kiểm tra về lượng khí thải. Khi đó, đoạn mã này sẽ làm giảm bớt công suất thực của động cơ và từ đó giảm đi lượng khí thải để đánh lừa thiết bị đo. Một khi quá trình đo kết thúc, động cơ sẽ hoạt động bình thường trở lại và tiếp tục sản sinh ra lượng khí thải vượt giới hạn quy định.

Theo ước tính, bộ phần mềm này đã được Volkswagen cài đặt vào 11 triệu chiếc xe trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có một phần trong đó là được kích hoạt đoạn mã trên. Có khoảng nửa triệu chiếc xe như thế đã được bán ra tại Mỹ. Bà Cynthia Giles, một quan chức cao cấp của EPA, đã gọi đây là hành vi “phạm pháp và đe dọa sức khỏe cộng đồng”.

Sau khi phát hiện này được công bố, giá cổ phiếu của Volkswagen đã giảm gần 30%, khiến cho giá trị vốn hóa bị bay hơi hết 30 tỉ euro chỉ trong 2 ngày. Nó còn kéo theo việc giảm giá một loạt cổ phiếu của các hãng xe khác như Renault hay Nissan, vì giới đầu tư lo ngại rằng các tập đoàn này cũng đang nằm trong diện điều tra.

Cố gắng vượt qua giông bão

Volkswagen đã nhất trí với yêu cầu mua lại hoặc sửa chữa hơn 500.000 xe sử dụng phần mềm gian lận khí thải tại Mỹ sau khi sự việc bị phát giác năm 2015. Theo thỏa thuận, mỗi chủ xe sử dụng động cơ diesel 2.0 bị ảnh hưởng sẽ được nhận khoản tiền bồi thường từ 5.100 USD đến 10.000 USD nếu để hãng sửa chữa lại. Nếu như khách hàng bán thẳng xe cho công ty mà không muốn sửa, họ sẽ nhận 12.500 USD đến 44.000 USD, tùy thuộc vào kiểu xe, độ tuổi, trang trí, và khu vực.

Volkswagen phải mua lại 85% tổng số xe trước tháng 6-2019, nếu không, họ phải trả nhiều hơn để tài trợ cho các dự án cải thiện môi trường. Nhà sản xuất ô tô này cũng phải chi 2 tỷ đô la trong 10 năm tới để đầu tư vào ô tô năng lượng xanh và điện, bao gồm cả việc trả tiền cho các trạm sạc công cộng mới và các chương trình giáo dục cộng đồng.

Trong báo cáo cuối cùng liên quan đến cái gọi là "chương trình bồi thường cho khách hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ" FTC cho biết, hơn 86% trong số người hoàn tất quá trình kiện tụng với Volkswagen, đã lựa chọn phương án trả lại ôtô cho nhà sản xuất này, hơn là việc gửi đi sửa chữa.

Mặc dù đã 5 năm kể từ khi vụ bê bối gian lận khí thải bị "lộ sáng," tập đoàn Volkswagen, hiện sở hữu các thương hiệu như Porsche, Seat và Skoda, vẫn đang gặp khó khăn về pháp lý ở trong và ngoài nước.

Tính đến thời điểm này, hãng đã mất hơn 30 tỷ euro (33,4 tỷ USD) để chi trả cho các khoản tiền phạt, mua lại và bồi thường, bao gồm cả việc dàn xếp với khách hàng tại Mỹ. Đầu tháng 1-2020, Volkswagen tuyên bố sẽ khởi động đàm phán để giải quyết vụ kiện của khoảng 400.000 chủ xe tại Đức.

Cái tên Volkswagen từ đỉnh cao vinh quang bỗng chốc được xem là gánh nặng không chỉ của ngành công nghiệp ôtô mà còn của cả nền kinh tế Đức. Tại Đức, hãng có 29 nhà máy và 274.000 nhân viên, chiếm gần phân nửa tổng số nhân sự của Tập đoàn. Doanh thu hàng năm của Volkswagen tương đương gần 6% GDP của toàn bộ nước Đức. Ngoài ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế, hãng còn có mối quan hệ khá chặt chẽ với bộ máy chính phủ.

Đỗ Tiến
.
.
.