55 năm sau vụ sát hại Thủ tướng Congo Patrice Lumumba

Thứ Hai, 18/01/2016, 11:10
55 năm trước (17-1-1961 - 17-1-2016), Thủ tướng Congo đầu tiên do dân bầu, ông Patrice Lumumba đã bị sát hại tại tỉnh Katanga trước sự chứng kiến của giới chức bang Katanga và quan chức Bỉ.


Hơn 40 năm sau (5-2-2002), Ngoại trưởng Bỉ Louis Michel mới thay mặt chính phủ nước này chính thức gửi lời xin lỗi tới Cộng hoà dân chủ Congo về sự dính líu của Bỉ đối với cái chết của Thủ tướng Congo Patrice Lumumba. Và để bày tỏ sự nuối tiếc của mình, chính phủ Bỉ khi đó đã quyết định chi 3,27 triệu USD và 500.000 USD/năm để thành lập quỹ Lumumba.

Trách nhiệm đạo lý

Khi đó, Ngoại trưởng Bỉ Louis Michel tuyên bố "Chính phủ Bỉ cho rằng, việc bày tỏ sự nuối tiếc một cách sâu sắc, chân thành tới gia đình ông Patrice Lumumba và nhân dân Congo là hoàn toàn đúng đắn". Và ông Francois Lumumba, con trai trưởng của Thủ tướng Patrice Lumumba (lãnh đạo phe đối lập tại Congo, khi đó đang công du tại Bỉ) đã lập tức hoan nghênh động thái này của chính phủ Thủ tướng Guy Verhofstadt. 

15 năm trước (2001-2016), dư luận Bỉ từng xôn xao sau khi nước này chiếu bộ phim "Lumumba". Và sự chú ý cùng mối quan tâm của dư luận đối với cái chết của Thủ tướng Congo Patrice Lumumba càng gia tăng khi cuốn sách "Ám sát Lumumba" được bày bán khắp đất nước Bỉ sau đó. 

Thủ tướng Patrice Lumumba.

Tại thời điểm đó, còn có tin đồn cho rằng, Quốc vương Bỉ Baudouin trực tiếp tham gia vào kế hoạch sát hại Thủ tướng Congo Patrice Lumumba; người chỉ huy đội hành quyết là quan chức của quân đội Bỉ; và người huỷ xác ông Patrice Lumumba cũng là người Bỉ và thậm chí nhân vật này còn giữ lại 2 chiếc răng của nạn nhân để làm kỷ niệm! 

Trước những tin đồn cùng sức ép của dư luận, một ủy ban của Quốc hội Bỉ đã được thành lập để điều tra, làm rõ những cáo buộc cho rằng "chính phủ của Thủ tướng Gaston Eyskens và Quốc vương Baudouin có liên quan tới cái chết của Thủ tướng Patrice Lumumba".

Và gần 15 năm trước (tháng 11-2001), ủy ban kể trên đã đưa ra kết luận, theo đó Bỉ phải chịu trách nhiệm về mặt đạo lý trước cái chết của Thủ tướng Patrice Lumumba. Bởi khi đó Quốc vương Baudouin và Thủ tướng Gaston Eyskens chỉ biết trước về kế hoạch ám sát ông Patrice Lumumba, nhưng không tham gia hoạch định việc này. 

Dư luận cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chính phủ Bỉ khi đó đứng ra nhận trách nhiệm đối với cái chết của Thủ tướng Patrice Lumumba sau một thời gian dài im lặng là nhằm thích nghi với trào lưu thời đại. Bởi trước đó, nhiều quốc gia như Đức, Nhật Bản, Pháp... đã công khai xin lỗi những quốc gia từng là nạn nhân của chiến tranh trước đây. Hơn nữa tại thời điểm đó, chính phủ Bỉ chỉ nhận trách nhiệm về mặt đạo lý bởi Thủ tướng Gaston Eyskens "không chủ định sát hại Thủ tướng Patrice Lumumba".

Tuy sinh ra (2-7-1925) trong một gia đình khá đông con ở Katakokombe, nhưng ngay từ thời niên thiếu, ông Patrice Lumumba đã gắn với giáo hội và từng làm nhân viên bưu điện, nhân viên giới thiệu sản phẩm bia tại địa phương. Mặc dù mới bước vào tuổi 30 (1955), nhưng ông Patrice Lumumba đã được bầu làm Chủ tịch Công hội. Và chỉ 3 năm sau (1958), ông Patrice Lumumba đã sáng lập đảng Phong trào Nhân dân và do những hoạt động chính trị kể trên nên chàng thanh niên này đã bị bắt. Nhưng chính phủ Bỉ đã phải phóng thích ông Patrice Lumumba trước sức ép từ nhiều phía. 

Thủ tướng Patrice Lumumba.

Và ngày 30-6-1960, ông Patrice Lumumba đã trở thành Thủ tướng đầu tiên do dân bầu trong lịch sử tại Congo. Nhưng chính phủ của Thủ tướng Patrice Lumumba vừa thành lập không bao lâu đã xảy ra động loạn, rồi nội chiến. Điều đáng nói là viên tướng do Thủ tướng Patrice Lumumba chỉ định đứng đầu quân đội lại quay ra làm phản. 

Cho tới nay, giới phân tích vẫn cho rằng, tại thời điểm đó Congo vừa mới thoát khỏi ách thống trị của Bỉ nên trong nước còn nhiều bất ổn, và nhiều bang không tuân theo chính quyền trung ương, đòi ly khai, điển hình nhất là tỉnh Katanga. Và chính phủ Bỉ lập tức lợi dụng triệt để tình hình kể trên để có thể duy trì ảnh hưởng, cũng như lợi ích của mình tại Congo. Chính vì vậy nên nhiều người đã coi cái chết của Thủ tướng Patrice Lumumba là cuộc đảo chính quân sự trá hình tại Congo do Bỉ dựng lên.

Không những tại thời đó mà hiện nay Congo (quốc gia nằm ở phía  Tây châu Phi với diện tích bằng cả Tây Âu) vẫn luôn là đất nước nổi tiếng với những mỏ vàng, đồng, kim cương vào bậc nhất thế giới; riêng sản lượng Uranium chiếm tới 50% tổng sản lượng thế giới. Và chính vì nguồn tài nguyên phong phú kể trên nên Congo trở thành một trong những tiêu điểm tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, ông Patrice Lumumba là người có công lớn trong việc chấm dứt 75 năm thống trị của thực dân Bỉ tại quốc gia này, nhưng không hoạt động theo "cây gậy" của Mỹ và phương Tây.

Sát thủ thực sự

Theo những tài liệu được giải mật 10 năm trước (2006-2016) cho thấy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower cũng có dính líu tới cái chết của Thủ tướng Patrice Lumumba. Bởi ông Patrice Lumumba nhậm chức Thủ tướng Congo trong bối cảnh quân đội nổi loạn, còn các nhóm ly khai tại tỉnh Katanga gia tăng hoạt động chống đối. Và ông Patrice Lumumba đã đưa ra quyết định khiến London và Washington phải động thủ, khi Thủ tướng Congo nhờ tới sự giúp đỡ của Liên Xô. Khi đó, London và Washington đều lo ngại Moskva sẽ có một chỗ đứng vững chắc ở châu Phi giống như ở Cuba. 

Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã họp với Hội đồng An ninh Quốc gia (mùa hè năm 1960) và sử dụng cụm từ "loại bỏ" khi nói với Giám đốc CIA về những gì ông muốn thực hiện đối với Thủ tướng Congo Patrice Lumumba. Và CIA lập tức lên kế hoạch, kể cả bắn tỉa và đầu độc Thủ tướng Patrice Lumumba nhằm "loại bỏ" nhà lãnh đạo Congo. Nhưng các kế hoạch này không được thực hiện vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của Larry Devlin, cựu nhân viên cao cấp của CIA. 

Trong cuốn sách "Chief of Station Congo" của mình, Larry Devlin cho biết, lệnh ám sát Thủ tướng Patrice Lumumba do Phó giám đốc CIA Dick Bissel đưa ra. Và vai trò của Mỹ trong vụ sát hại ông Patrice Lumumba được công khai nhắc đến lần đầu trong một buổi điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện. Khi đó, ông Robert Johnson, cựu quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia đã tiết lộ về một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Dwight Eisenhower với các quan chức tình báo, trong đó đưa ra quyết định phải thủ tiêu Thủ tướng Patrice Lumumba.

Trong khi đó, quan chức Bộ Ngoại giao Anh Howard Smith cũng được giao nhiệm vụ lên kế hoạch loại bỏ ông Patrice Lumumba. Bởi trước khi chết hồi tháng 3-2010, "nữ hoàng gián điệp", nhân viên tình báo của MI-6 Daphne Park từng thú nhận, bà đã tổ chức giết hại Thủ tướng Patrice Lumumba. 

Và lời thú nhận này được Thượng nghị sỹ Công đảng Lord Lea đưa ra. Huân tước Lea khẳng định, không lâu trước khi chết, nữ nam tước Daphne Park, người từng làm việc cho MI-6 gần 30 năm, đã thú nhận chính bà tổ chức vụ ám sát ông Patrice Lumumba. 

“Nữ hoàng gián điệp” Daphne Park.

Bà Daphne Patrk từng là nhân viên lãnh sự và Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Anh tại Leopoldville (tên gọi thủ đô của Congo khi đó) đã thú nhận vụ việc trước khi qua đời. Nhưng khi trả lời phỏng vấn với đài BBC, bà Daphne Park lại phủ nhận việc MI-6 bí mật ra lệnh giết chết ông Patrice Lumumba. Theo giới truyền thông, trước khi được phái tới châu Phi, bà Daphne Park từng hoạt động ở Nga 1 năm. Và sự nghiệp của nữ nam tước Daphne Park chỉ được biết đến vào giữa thập niên 1990, gần 20 sau khi bà rời MI-6.

Trong khi đó, Quốc vương Baudouin chỉ biết kế hoạch giết hại Thủ tướng Patrice Lumumba, và Bỉ đã chi gần 6 triệu euro để thủ tiêu vị Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Congo. Và lãnh đạo thân phương Tây ở tỉnh Katanga là Moise Tshombe từng tuyên bố, ly khai và chỉ cam kết ngừng cuộc nổi loạn nếu ông Patrice Lumumba từ chức Thủ tướng. 

Trước sức ép của lãnh đạo thân phương Tây ở tỉnh Katanga cùng sự chống đối của lực lượng quân đội, Thủ tướng Patrice Lumumba đã quyết định từ chức và bị quản thúc tại nhà riêng. Nhưng thủ lĩnh các đảng phái chủ chốt trong Quốc hội vẫn ủng hộ và yêu cầu khôi phục ghế Thủ tướng cho ông Patrice Lumumba. Tuy nhiên, lính của Liên hợp quốc khi đó vẫn bỏ qua quyết định của Quốc hội Congo, thẳng tay bắt giữ người đứng đầu hợp pháp của chính phủ nước này. 

Ông Patrice Lumumba bị giải tới tỉnh Katanga, bị tra tấn, bị bắn chết mà không qua xét xử. Vụ hành quyết do binh lính tại tỉnh Katanga thực hiện diễn ra dưới sự chứng kiến của quan chức người Bỉ. Ban đầu thi thể của ông Patrice Lumumba được chôn ngay tại hiện trường, nhưng sau đó xác bị khai quật và hỏa táng để xóa dấu vết tội ác.

Có thông tin nói rằng, Thủ tướng Patrice Lumumba đã bị tra tấn và hành hình bởi 2 người đàn ông có mối quan hệ gần gũi với CIA và MI-6, nên dư luận không thể bỏ qua sự hoài nghi của mình. Nhưng câu trả lời cuối cùng về vai trò của Anh và Mỹ trong cái chết của ông Patrice Lumumba vẫn bị bỏ ngỏ bởi không có bằng chứng về vấn đề này. Và có thể nói vụ sát hại ông Patrice Lumumba là một trong những nghi án nổi tiếng còn sót lại của thế kỷ 20. 

Điều đáng nói nhất là tại thời điểm đó, chính quyền trung ương Congo (quốc gia có diện tích lớn thứ hai ở châu Phi) bị chia thành 2 nhóm chính, một số ủng hộ thể chế liên bang của Tổng thống Kasanubu và những người còn lại ủng hộ chế độ của Thủ tướng Patrice Lumumba. Mãi tới năm 1965, Tướng Mobutu lên nắm quyền sau cuộc đảo chính, mới mở ra thời kì tương đối ổn định cho Cộng hòa dân chủ Congo.

Tuệ Sỹ-Trọng Hậu
.
.
.