2018 Hy vọng bán đảo Triều Tiên sẽ bình yên

Thứ Tư, 14/02/2018, 10:00
Bán đảo Triều Tiên năm 2018 vẫn đối mặt nguy cơ bùng phát chiến tranh, song triển vọng về các cuộc đàm phán đã được nhen nhóm, đặc biệt với các cuộc đàm phán về Thế vận hội mùa Ðông ở PyeongChang giữa 2 miền mới đây.


Theo Quartz, 2018 có thể là năm mà CHDCND Triều Tiên đạt được khả năng phóng tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân thực sự đủ sức vươn tới đất liền Mỹ, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định "điều đó sẽ không xảy ra".

Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử ICBM?

Trả lời phỏng vấn trang tin Atlantic, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho biết khả năng Tổng thống Trump sử dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên là 30%. Nhưng tỷ lệ này sẽ tăng lên 70% nếu Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân khác.

Hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy CHDCND Triều Tiên sẽ dừng việc thử nghiệm vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trong năm 2018. Sau lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thứ ba hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên cuối cùng đã "hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia".

Cuối tháng 12-2017, một nhóm gần 60 đô đốc và tướng quân đội Mỹ về hưu đã cùng ký vào một bức thư gửi lên Tổng thống Trump, cảnh báo "biện pháp quân sự không thể là lựa chọn ưu tiên" trong xử lý khủng hoảng Triều Tiên và Mỹ phải "khởi xướng cũng như dẫn dắt một nỗ lực cấp bách và khẩn trương nhằm đóng băng chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời giảm căng thẳng ở khu vực".

Một cuộc diễu binh của CHDCND Triều Tiên.

Triều Tiên trong năm qua đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể về năng lực quân sự, nhưng còn một điều mà nước này chưa thực hiện để chứng minh năng lực hạt nhân: Phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) theo chiều ngang.

Trước yêu cầu đưa ra dự đoán về cuộc khủng hoảng tên lửa Triều Tiên trong năm 2018 từ News.com.au, chuyên gia nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Evan Medeiros nhận định phóng tên lửa theo phương ngang sẽ là bước đi tiếp theo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. "Tôi không tin Triều Tiên hiện tại có khả năng đó và ông Kim Jong-un cũng khó lòng thuyết phục các nước khác nếu chưa tiến hành một vụ phóng tên lửa theo phương ngang", ông Medeiros cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Medeiros, nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa, Mỹ chắc chắn không khoanh tay đứng nhìn. "Mỹ, đồng minh và cả Trung Quốc sẽ áp đặt những động thái gây áp lực lớn nhất và thắt chặt vòng phong tỏa đối với Triều Tiên", ông Medeiros nhấn mạnh.

Hy vọng đàm phán

Bộ Thống nhất Hàn Quốc trước đó cho rằng chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ chấp nhận "đàm phán với Mỹ nhưng vẫn tìm kiếm cơ hội để được công nhận là một quốc gia hạt nhân" trong năm 2018. Khi những biện pháp trừng phạt "khắc nghiệt nhất" đối với Bình Nhưỡng bắt đầu phát huy tác dụng, Triều Tiên có lẽ không còn cách nào khác là phải ngồi vào bàn thảo luận, giới phân tích đánh giá.

Hiện Hàn - Triều đã có những bước đột phá qua các cuộc đàm phán về Thế vận hội, và người ta hy vọng đây là bước khởi đầu để hai bên có những cuộc đàm phán về quân sự. Về phía Mỹ, Washington cũng đã phần nào cho thấy họ mong muốn một cuộc đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các cuộc thảo luận hiện nay và tiếp theo chỉ là những bước đi chập chững của em bé tập đi trong bức tranh toàn cảnh, và không rõ liệu chúng sẽ giúp cả hai bên hướng tới một giải pháp nào hay không.

"Những tháng tiếp theo sẽ rất quan trọng và liệu chúng ta có đi theo con đường đàm phán hoặc đi xuống dưới con đường mạo hiểm hơn nữa tùy thuộc vào một vài yếu tố khác nhau, nhưng nó sẽ phụ thuộc vào cách mà các cuộc đàm phán liên Triều này tiến hành trước", theo ông Jean Lee, cựu Trưởng Văn phòng Báo chí AP, hiện là thành viên toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Học giả Quốc tế Woodrow Wilson.

Anh Kiệt

.
.
.