“Cơ hội vàng” để thắp sáng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Thứ Hai, 15/01/2018, 08:51
Tính tới thời điểm hiện tại, có thể nói, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã và đang tận dụng khá hiệu quả “cơ hội vàng” đối thoại cấp cao, diễn ra hôm 9-1 vừa qua tại làng đình chiến Panmunjom sau hơn 2 năm gián đoạn, để giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ liên Triều. Điều này được thể hiện ở chỗ, cả hai bên đều đang thể hiện thái độ xây dựng và thiện chí, tránh mọi động thái đối đầu.

Trong những ngày qua, truyền thông CHDCND Triều Tiên liên tục truyền đi nhiều thông điệp trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa giải và đoàn kết giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời kêu gọi mở rộng các hoạt động giao lưu liên Triều theo cách có lợi cho việc tái thống nhất.

Nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 14-1 nhấn mạnh: “Điều quan trọng là thực hiện hòa giải và đoàn kết giữa người dân nhằm cải thiện mối quan hệ CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc và tạo bầu không khí có lợi cho tái thống nhất. Cánh cửa đối thoại và tiếp xúc sẽ vẫn mở cho bất kỳ ai ở Hàn Quốc, kể cả những người thuộc đảng cầm quyền và đối lập cũng như những người thuộc các nhóm khác nhau hay những cá nhân riêng lẻ”.

Đài truyền hình Hàn Quốc đưa tin về cuộc đối thoại cấp cao liên Triều hôm 9-1.

Rodong Sinmun cũng kêu gọi các chính trị gia ở Hàn Quốc ủng hộ và chấp nhận đề nghị hòa giải của Bình Nhưỡng. Trước đó, phía CHDCND Triều Tiên đã kêu gọi Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự với Mỹ và cho rằng, đây chính là nguyên nhân gốc rễ làm gia tăng tình trạng căng thẳng liên Triều.

Bình Nhưỡng nêu rõ: “Hai miền Triều Tiên không thể loại bỏ sự bất tin và đối đầu, cũng như không thể tiến tới thống nhất trong bối cảnh tình trạng căng thẳng quân sự kéo dài”.

Về phía Hàn Quốc, Seoul tuyên bố sẽ cân nhắc tạm thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng để tạo điều kiện cho đoàn thể thao CHDCND Triều Tiên tham dự Thế vận hội (Olympic) mùa Đông từ ngày 9 – 25-2 do Hàn Quốc đăng cai tổ chức tại Pyeongchang.

Bộ Thống Nhất Hàn Quốc ngày 14-1 cho biết, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ tiến hành đàm phán cấp chuyên viên trong tuần này để bàn về những chi tiết liên quan đến việc Bình Nhưỡng tham dự Olympic Pyeongchang. Theo bộ trên, cuộc đàm phán dự kiến tổ chức vào ngày 15-1 này sẽ tập trung chủ yếu vào kế hoạch của CHDCND Triều Tiên đưa một đoàn nghệ thuật đến tham dự Thế vận hội mùa Đông.

Tất cả những tín hiệu đáng mừng này đều xuất phát từ kết quả tích cực vượt ngoài kỳ vọng thu được từ cuộc đối thoại hôm 9-1. Kết quả trên cũng là minh chứng cho thấy, bằng thiện chí và chân thành, các bên có thể vượt qua được rất nhiều bất đồng để tìm được tiếng nói chung.

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang tới ngưỡng nguy hiểm trong suốt cả năm 2017, việc cả Bình Nhưỡng và Seoul “chìa cành ôliu” cho nhau ngay những ngày đầu năm 2018 đang phát đi những tín hiệu đáng mừng và cũng đang nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Bởi một khi thành công, đây sẽ là động thái hạ nhiệt căng thẳng hữu hiệu, thậm chí còn có thể là một bước đi tích cực tạo cơ sở cho các cuộc đối thoại trong tương lai nhằm tháo gỡ hàng loạt vấn đề bất đồng vốn khởi nguồn những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Những cam kết và nhất trí giữa hai bên trong cuộc đối thoại đã tạo ra một tiền đề mới để cả Seoul và Bình Nhưỡng có thể tiếp tục đối thoại và thương thảo về những vấn đề mang tính cốt lõi và thực tế hơn. Thực tế đã chứng minh, cuộc đàm phán cấp cao liên Triều đã nhận được sự hoan nghênh của nhiều quốc gia cũng như tổ chức quốc tế.

Hơn thế nữa, cuộc đối thoại này còn có thể coi như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Thành công của cuộc đối thoại thực sự là “món quà” Năm mới nhiều ý nghĩa không chỉ đối với nhân dân hai miền Triều Tiên, mà còn đối với khu vực nói chung. Đối thoại mở ra đối thoại, đây đang là cách tiếp cận tạo khả năng phá vỡ bế tắc trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Tất nhiên, như tất cả các bên liên quan đều thừa nhận, cuộc đối thoại liên Triều hôm 9-1 mới chỉ là bước khởi đầu. Những gì tiếp sau mới có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực mang lại hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận thực tế rằng, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vẫn hết sức phức tạp và khó có thể dự đoán trước, nhất là khi nó không chỉ có quan hệ trực tiếp tới hai miền Triều Tiên mà còn dính líu tới nhiều bên, nhất là các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.   

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.