Những nữ bác sĩ Công an kiên cường trong tâm dịch COVID-19

Thứ Sáu, 22/10/2021, 00:19

Khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 5 đợt lực lượng y tế CAND với hàng trăm y, bác sĩ đã xung phong tình nguyện lên đường chống dịch. Góp phần không nhỏ trong cuộc chiến cam go ấy là rất nhiều nữ y, bác sĩ CAND - họ thực sự là những chiến binh dũng cảm trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Vừa trở về sau gần 2 tháng chi viện cho tỉnh Long An chống dịch, Trung tá Phùng Thị Hải Vân, Phó trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) chia sẻ, thời điểm tình hình dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang bùng phát phức tạp nhất, các ca F0 tăng nhanh từng ngày, cùng với những “chiến sĩ áo trắng” cả nước, hàng trăm y, bác sĩ CAND cũng xung phong tình nguyện lên đường vào tâm dịch.

Tham gia đợt thứ 2 của lực lượng y tế CAND chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện YHCT có 15 thành viên, trong đó quá nửa là nữ. Nhiều đồng chí nữ còn đang nuôi con nhỏ, cha mẹ già yếu nhưng cũng không nề hà, sẵn sàng xung phong tình nguyện lên đường mang theo trọng trách của những lương y và tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái.

Thời điểm đó, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh phía Nam cũng trở thành điểm nóng về dịch, trong đó có Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Toàn bộ 15 y, bác sĩ Bệnh viện YHCT đợt đó đã được phân công về chống dịch tại các địa bàn cơ sở của tỉnh Long An. Còn nhóm bác sĩ Bệnh viện 19-8 được chia đều xuống địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Cảm phục những nữ bác sĩ Công an chiến đấu trong tâm dịch COVID-19 -0
Các y, bác sĩ CAND đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc.

Trung tá Phùng Thị Hải Vân cho biết, điều trị cho người dân mắc COVID-19 đối với các y, bác sĩ khối dân sự vốn đã vất vả, thì đối với các chị - những nữ chiến sĩ áo trắng của lực lượng y tế CAND còn khó khăn, vất vả hơn nhiều. Bởi do đặc thù là lực lượng cán bộ y tế trong ngành Công an, các y, bác sĩ CAND không chỉ tham gia điều trị cho người dân mắc COVID-19 mà họ còn phải đảm nhiệm trọng trách điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 là các can, phạm nhân tại các trại giam giữ. Trong đó, chị và điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng, Khoa khám bệnh được cử trực tiếp tăng cường cho lực lượng cán bộ y tế Công an huyện Đức Hòa, trực tiếp điều trị cho các can phạm nhân ở Trại tạm giam, tạm giữ Công an huyện Đức Hòa.

Chị Vân tâm sư, tiếp xúc với các đối tượng F0 là can, phạm nhân có những đặc thù rất riêng. Lúc đầu, nhiều bệnh nhân là các phạm nhân tỏ ra bất hợp tác, đôi khi có thái độ, lời nói bất cần khi tiếp xúc với các y, bác sĩ, mặc dù có cán bộ quản giáo đi cùng. “Dù điều kiện làm việc, khám chữa bệnh trong môi trường rất đặc thù như vậy nhưng chúng tôi vẫn không nản lòng, kiên trì động viên, tận tụy chăm sóc, chữa trị. Nhờ vậy, nhiều can phạm nhân nhanh chóng khỏi bệnh, dần coi chúng tôi như người thân trong nhà” - chị chia sẻ.

Không chỉ trực tiếp điều tra các bệnh nhân mắc COVID-19 là các can phạm nhân, các y, bác sĩ CAND còn cùng với lực y tế cơ sở tham gia công tác lấy mẫu, xét nghiệm truy vết, tham gia vào công tác chống nhiễm khuẩn của địa phương; đồng thời điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến bất chấp muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Bên cạnh công tác điều trị, các y, bác sĩ vẫn luôn chú ý để đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật công tác chống nhiễm khuẩn để tránh lây chéo.

Từ Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc - Bệnh viện dã chiến do Bộ Công an thiết lập, quản lý và vận hành điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, cũng gần 2 tháng phải xa con, Thiếu úy Nguyễn Thị Hà, điều dưỡng Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện YHCT tâm sự, dù nhớ nhà nhớ các con da diết nhưng khi nhìn thấy hàng trăm bệnh nhân đang hàng ngày hàng giờ chiến đấu với tử thần, cần được chăm sóc điều trị, chị không quản ngại tiếp tục xung phong ở lại.

Ở bệnh viện dã chiến, khi chứng kiến rất nhiều số phận éo le, nhất là khoa của Hà chuyên phụ trách điều trị các ca bệnh nặng, điều trị ICU, trong đó, nhiều bệnh nhân nặng nằm mê man, trong khi không có người thân chăm sóc. Bởi bản thân người thân của họ cũng bị nhiễm bệnh COVID-19 đang phải nhập viện điều trị hoặc đã qua đời vì dịch COVID-19 khiến Hà không cầm lòng được.

Cảm phục những nữ bác sĩ Công an chiến đấu trong tâm dịch COVID-19 -0
Các bác sĩ CAND làm thủ thuật cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải thở máy.

Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện nay Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc đang có khoảng 40 bệnh nhân được điều trị tích cực ICU. Đây là những đối tượng bệnh nhân nặng, phải thở máy hoặc thở oxy dòng cao. Đa số họ là những người dân ở khu vực huyện Nhà Bè và một số bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các bệnh viện khác dồn sang điều trị do quá tải.

Số lượng bệnh nhân lớn nhưng hiện chỉ có 5 điều dưỡng và 3 bác sĩ đảm trách bởi vậy trách nhiệm và công việc rất nhiều. Tất cả mọi việc từ việc cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh đến chăm sóc thuốc men đều do các điều dưỡng và y, bác sĩ đảm nhiệm. Tuy nhiên, vốn là điều dưỡng của Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện YHCT nên với Hà việc phải thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nặng đã có nhiều kinh nghiệm.

Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, Hà cho biết, cả hai vợ chồng chị đều là cán bộ trong CAND, Hà là điều dưỡng viên Khoa Điều trị tích cực, còn chồng Hà là anh Lê Hồng Thanh là cán bộ của Cục Hậu cần. Hà đang có hai con nhỏ, con trai đầu 14 tuổi và bé út chưa đầy 2 tuổi. Trước khi lên đường tình nguyện vào Nam chống dịch, vợ chồng Hà đã gửi hai con về quê Hà Nam nhờ ông bà nội chăm sóc.

Tranh thủ tan ca trực, Hà mới gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe ông bà và trò chuyện động viên các con. Hà cho biết, vì xa mẹ lâu ngày trong khi bé Thảo lại quá nhỏ nên những ngày đầu khi gọi điện về, bé Thảo không nhận ra, cứ khóc, nhất quyết không chịu nói chuyện. Lâu dần bọn trẻ quen dần với những cuộc gọi xa nên bây giờ mỗi lần mẹ gọi điện thoại về, hai anh em lại tranh nhau nghe điện thoại, luôn hỏi bao giờ mẹ về nhà. Mỗi lần nghe các con hỏi, Hà lại rơm rớm nước mắt. Nhưng vì nhiệm vụ chung, vì những người bệnh nặng đang hàng ngày, hàng giờ phải chiến đấu với “tử thần”, Hà nén nỗi nhớ nhà, nhớ con quyết tâm xin ở lại, tiếp tục giúp các bệnh nhân chiến thắng dịch COVID-19.

Tâm Phạm
.
.