Những cán bộ Công an tận tụy, hết lòng vì dân
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, toàn thể cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an TP Long Xuyên (An Giang) quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất mục tiêu kép đã đề ra, là “chống dịch, giúp dân”.
Những “tài xế cấp cứu” bất đắc dĩ
5h30 sáng 19/7, đang trong ca trực, Thượng úy Lê Minh Soàn, cán bộ Công an phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên) nhận được điện thoại của chị Nguyễn Thị Trang (SN 1992, trú tại khóm Thới Hòa, phường Mỹ Thạnh) cầu cứu: “Anh ơi cứu em, hình như đã “đẻ rớt” rồi. Em ở nhà chỉ một mình. Nhờ anh cứu em”.
Sau khi trấn an sản phụ cố gắng giữ bình tĩnh và chờ mình đến ứng cứu, Thượng úy Soàn bất chợt nhớ lại, đây là ngày đầu tiên thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên đường phố vắng hoe, không có xe cộ, taxi di chuyển. Tình huống cấp bách, Thượng úy Soàn vừa nổ máy chiếc xe tải chuyên dụng của Công an phường, vừa gọi cho một cán bộ Trạm Y tế phường đề nghị xuống địa bàn hỗ trợ.
“Do tôi làm Cảnh sát khu vực ở khóm Thới Hòa gần 2 năm nên nhanh chóng định vị nhà của chị Trang. Khi tới nơi, cùng với cán bộ y tế đưa sản phụ ra xe, sau đó tôi lái đến Bệnh viện Sản Nhi An Giang. Tôi giữ bình tĩnh, vững tay lái, với mong muốn đến bệnh viện kịp thời để y bác sĩ cấp cứu cho sản phụ”, Thượng úy Soàn cho biết.
Nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời, chị Trang đã hạ sinh 2 bé gái an toàn. Theo bác sĩ Hồ Thái Phong, Bệnh viện Sản Nhi An Giang, sản phụ mang song thai 26 tuần, chuyển dạ sinh non, nếu đến viện trễ chừng 15 phút thì rất nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.
Việc tốt lan tỏa, giờ đây hình ảnh chiếc xe ôtô chuyên dụng của lực lượng Công an phường trên địa bàn TP Long Xuyên hỗ trợ chuyển những bệnh nhân nguy cấp đến viện đã trở thành quen thuộc, làm ấm lòng người dân trong những ngày giãn cách, hạn chế về phương tiện vận tải.
Chỉ tính từ thời điểm Thượng úy Soàn “khai trương” làm “tài xế cấp cứu” đến nay, Công an phường Mỹ Thạnh cũng như các phường, xã khác trên địa bàn TP Long Xuyên đã tiếp nhận và hỗ trợ trên 10 trường hợp, trong đó có những trường hợp nếu chỉ cần đến bệnh viện chậm trễ vài phút là có thể mất mạng.
Như trường hợp tối 19/8, Công an phường Mỹ Thạnh nhận được điện thoại của người dân về việc có một nam thanh niên lấy dao tự đâm vào vùng ngực trái của mình và đang ra máu rất nhiều, nếu không đưa đi cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng, cần sự hỗ trợ của Công an.
Ban Chỉ huy Công an phường đã phân công 3 cán bộ điều khiển xe ôtô chuyên dụng xuống hiện trường, phối hợp cùng gia đình đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang cấp cứu, đồng thời lập hồ sơ sự việc ban đầu. Được biết, nguyên nhân vụ việc là do sau khi xảy ra mâu thuẫn với vợ, nạn nhân đã tự vào trong bếp lấy dao tự đâm vào vùng ngực trái của mình.
Sáng 22/2, chưa đầy một giờ đồng hồ, Công an phường Mỹ Thạnh đã hỗ trợ chuyển 2 người bệnh nguy cấp đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Khi 2 cán bộ và chiếc xe ô tô chuyên dụng của Công an phường đưa trường hợp thứ nhất đến bệnh viện chưa kịp quay về đến đơn vị thì tiếng chuông điện thoại trực ban lại vang lên.
Đầu dây bên kia một giọng nói rất lo lắng cho biết, người thân đột nhiên không nói chuyện được và tay chân bị liệt, hiện đang nằm ở nhà tại khóm Đông Thạnh, cần phải được vào viện gấp.
Trước tình huống nguy cấp, Trung tá Huỳnh Thanh Đảo, Trưởng Công an phường Mỹ Thạnh đã trực tiếp lái xe ôtô đang được trưng dụng làm công tác phòng, chống dịch, đến chốt trực đón 2 cán bộ đến nhà đưa bệnh nhân Trần Anh Dũng (SN 1964, ngụ khóm Đông Thạnh) đến bệnh viện cấp cứu kịp thời…
Trung tá Huỳnh Thanh Đảo chia sẻ, hằng ngày, CBCS của đơn vị được phân thành nhiều tổ công tác, vừa phối hợp kiểm soát, phân luồng phương tiện tại chốt cửa ngõ, vừa đảm bảo ANTT tại 2 điểm cách ly tập trung, đồng thời thực hiện tuần tra, xử lý vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
“Thời điểm dịch bệnh, dù công tác có nhiều vất vả hơn, nhưng CBCS Công an phường Mỹ Thạnh luôn cảm thấy tự hào và là động lực để hoàn thành nhiệm vụ khi được người dân tin tưởng. Số điện thoại trực ban Công an phường giờ đây là “số nóng” được người dân trên địa bàn bấm gọi đầu tiên khi có sự việc hay khó khăn”, Trung tá Đảo cho biết.
“Phiên chợ 0 đồng”
Trung tá Nguyễn Đức Hậu, Trưởng Công an TP Long Xuyên cho biết, với mong muốn trực tiếp là cầu nối để các nhà hảo tâm sẻ chia, lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chung tay giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Ban Chỉ huy Công an thành phố đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ của đơn vị triển khai mô hình “Phiên chợ 0 đồng”.
Thượng uý Đặng Thanh Phong, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP Long Xuyên chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ triển khai “Phiên chợ 0 đồng”, Đoàn Thanh niên phối hợp cùng Hội Phụ nữ triển khai thùng góp quỹ với ý nghĩa “Cho đi là còn mãi” đặt tại đơn vị.
Đầu tiên, CBCS đơn vị đóng góp, phong trào lan tỏa, các ngành, các cấp, nhà hảo tâm chung tay góp quỹ. Có được nguồn quỹ, tranh thủ thời gian sau ca trực, CBCS chia thành từng nhóm nhỏ, tổ chức thu mua hàng hóa mang về cắt rửa, phân chia, đóng gói cẩn thận. Đảm bảo mỗi phần quà được trao đến tay người dân phải đầy đủ dinh dưỡng tối thiểu cho bữa ăn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua gần 2 tháng hoạt động, mô hình “Phiên chợ 0 đồng” đã vận động, trao tặng trên 7.300 phần quà, với hơn 90 tấn gạo, các nhu yếu phẩm và tiền mặt, tổng kinh phí thực hiện trên 2,6 tỷ đồng và đang được tiếp tục phát huy hiệu quả.
Là người trực tiếp tham gia triển khai “Phiên chợ 0 đồng”, Trung tá Đinh Thị Thu Quỳnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP Long Xuyên cho biết, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, “Phiên chợ 0 đồng” được bố trí trên xe ôtô, cơ động đến từng hộ gia đình trên địa bàn thành phố nơi mà phiên chợ đỗ bến, chuyển từng phần lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.
Thấu hiểu và chia sẻ một phần khó khăn, kịp thời động viên, hỗ trợ để những người hoàn lương an tâm hòa nhập cộng đồng, xây dựng lại cuộc sống mới, bỏ qua mặc cảm, tự ti của quá khứ, ngày 23/8, “Phiên chợ 0 đồng” đã trao tặng 202 phần quà (mỗi phần quà gồm 10kg gạo, thịt heo, rau củ, các nhu yếu phẩm và 100 ngàn đồng tiền mặt).
Trung tá Nguyễn Đức Hậu chia sẻ, thực tế, đa phần những người hoàn lương trên địa bàn đều bắt đầu cuộc sống mới bằng những công việc nặng nhọc như: làm thuê, sửa xe, bán vé số,… Với họ, việc mưu sinh thường ngày vốn đã khó khăn, vất vả với nỗi lo cơm áo, gạo tiền thì nay khó khăn lại chồng chất khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phần quà tuy không lớn về vật chất nhưng sẽ là động lực để họ vươn lên trong cuộc sống, trước mắt là vượt qua khó khăn của dịch bệnh…
Với mong muốn “phủ sóng” đến tất cả các gia đình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn, “Phiên chợ 0 đồng” thực sự đã cứu cánh cho người dân khó khăn trên địa bàn TP Long Xuyên...