Vì sao xử lý lối đi tự mở qua đường sắt mãi bế tắc?

Thứ Năm, 01/08/2024, 08:09

Thời gian gần đây, các vụ tai nạn giao thông đường sắt có liên quan đến lối đi tự mở liên tục xảy ra. Có những vụ để lại hậu quả đau lòng cả về người và của, song cũng có những vụ người dân may mắn không bị thương. Thế nhưng, nguy cơ thì vẫn rình rập, hiện hữu khi hàng nghìn lối đi tự mở tồn tại trong nhiều năm nhưng khả năng khắc phục triệt để vẫn trong tình trạng… “khó tìm thuốc chữa”.

Thiếu nghiêm trọng vốn xóa lối đi tự mở

Thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên các tuyến đường sắt quốc gia còn tồn tại 3.262 vị trí lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 68% tổng giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Đây là những vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 358 phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (Đề án 358). Trong đó, nêu rõ các hạng mục công trình và lộ trình thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở.

Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2020: Xây dựng 29,7km đường gom, hàng rào ngăn cách; Xây dựng mới 8 đường ngang. Giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025: Xây dựng 645,93km đường gom, hàng rào ngăn cách; Xây dựng mới 297 đường ngang, 149 hầm chui, 2 cầu đường bộ vượt đường sắt và 1 cầu đường sắt vượt đường sắt.

Vì sao xử lý lối đi tự mở qua đường sắt mãi bế tắc? -0
Trên dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam còn tới cả nghìn lối đi tự mở, tiềm ẩn tai nạn.

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, sau quá trình triển khai thực hiện Đề án 358, đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, đã xóa bỏ tổng cộng 838 vị trí lối đi tự mở, đạt 20,4% so với yêu cầu; trong đó 6 tháng đầu năm 2024 đã xóa bỏ 66 vị trí. Xây dựng được 22.634m đường gom, 16.966m rào ngăn cách, góp phần đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông qua đường sắt.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách đường bộ - đường sắt, đường ngang, hầm chui, cầu vượt đạt tỷ lệ thấp so với lộ trình: Xây dựng đường gom 22,634/650,219km, đạt 3,4%; Xây dựng đường ngang 4/297 đường ngang, đạt 1,3%; Xây dựng hầm chui 2/149 hầm, đạt 1,3%.

Mặt khác, trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 4 điểm đen, giảm 1 điểm so với thời điểm ngày 30/12/2023; 1.010 điểm tiềm ẩn tai nạn, giảm 77 điểm so với thời điểm ngày 30/12/2023. Tình hình vi phạm đất dành cho đường sắt còn tồn tại phức tạp (chủ yếu do lịch sử để lại), nguy cơ lan rộng cùng tốc độ đô thị hóa tại các địa phương có đường sắt đi qua. Vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được giải tỏa là 11.551 vị trí; vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt là 4.882 vị trí.

"Hầu hết các địa phương chưa xây dựng đầy đủ hệ thống đường gom, hàng rào theo Quyết định số 358. Nguy cơ cao không hoàn thành việc xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt theo Đề án 358", Cục Đường sắt Việt Nam nhận định và cho biết, nguyên nhân do nhiều địa phương chưa ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện xây dựng hàng rào, đường gom xóa bỏ lối đi tự mở. Cùng đó, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình phụ trợ như cầu vượt, hầm chui, đường ngang, hàng rào/đường gom... chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình của Quyết định số 358.

Vừa qua, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026-2031 làm đường ngang, hầm chui để xóa lối đi tự mở, giảm tai nạn đường sắt. Theo đó, sẽ tiến hành xây dựng 297 đường ngang và 149 hầm chui. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.

Xóa lối đi tự mở là giải pháp căn cơ

Trong khi tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt tại một số địa phương còn diễn biến phức tạp, chưa được chính quyền địa phương cấp xã, huyện giải quyết triệt để, điển hình là tại Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên...

Cục Đường sắt Việt Nam cũng cho biết hiện vẫn tồn tại một số vị trí điểm đen tai nạn đường sắt tại Km 8+042 (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội); Km 81+487 (thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định); Km 109 + 350 (xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định); Km 266+180 (xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)…

Theo chuyên gia giao thông, giải quyết vấn đề hành lang ATGT đường sắt đã triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt tập trung xử lý các lối đi tự mở. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng các lối đi tự mở qua đường sắt bị xóa bỏ rất ít so với số lượng mới mọc thêm. Từ năm 2015 đến nay, TNGT liên quan đến đường sắt đã giảm dần cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy vậy, các vụ TNGT xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 37-48%.

TS Khương Kim Tạo - nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho biết, giải quyết vấn đề hành lang ATGT đường sắt đã triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt tập trung xử lý các lối đi tự mở. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng các lối đi tự mở qua đường sắt bị xóa bỏ rất ít so với số lượng mới mọc thêm.

Ở một số đoạn lối đi tự mở qua đường sắt mọc san sát nhau ảnh hưởng đến tốc độ tàu chạy cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu lại. Xác định xóa bỏ lối đi tự mở là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất TNGT đường sắt, thời gian qua Cục Đường sắt Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên công tác tổ chức lập kế hoạch, lộ trình tổng thể để xóa bỏ lối đi tự mở của một số địa phương còn chậm.

Khó khăn về kinh phí là lý do được nhiều địa phương đưa ra để lý giải cho việc chậm trễ thực hiện Quyết định 358 về xóa lối đi tự mở. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, khó khăn về kinh phí chỉ là một lý do, thực chất, ở một số địa phương còn thiếu sự quyết tâm trong việc đặt ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi từ kinh nghiệm của một số địa phương cho thấy, với tiến độ chậm trễ này, dù có kịp bố trí kinh phí, việc hoàn thành mục tiêu gần như bất khả thi.

Cũng theo các chuyên gia giao thông, đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với hành lang an toàn giao thông đường sắt và phải có biện pháp với những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.

Đặng Nhật
.
.
.