Đề xuất phương án đầu tư tuyến kết nối Bình Phước với Đồng Nai

Chủ Nhật, 15/05/2022, 07:17

Ngày 14/5, ông Nguyễn Tấn Hùng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị vừa có Công văn số 292/SGTVT-HTGT tham mưu UBND tỉnh về phương án đầu tư tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai.

Theo Văn bản số 410/VCL-ATGT ngày 5/5/2022 thì Viện Chiến lược và Phát triển giao thông Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 phương án tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai.

Phương án 1: Tuyến cầu Mã Đà đi qua khu dự trữ sinh quyển. Điểm đầu tuyến tại ĐT.741 (thành phố Đồng Xoài) đi theo ĐT.753 (30km) qua suối Mã Đà, đi theo đường Bà Hào – Sân bay Rang Rang (13km) đến ĐT.761 (18km), ĐT.767 (18km) và kết nối với đường Vành đai 4 (Bình Dương). Tổng chiều dài 79km.

Phương án 2.1: Kết nối ĐT.753 với đường Đồng Phú – Bình Dương (Bình Phước) và đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (Bình Dương) kết nối về đường Vành đai 4 (Bình Dương). Hướng tuyến, đi từ thành phố Đồng Xoài, theo ĐT.753 (15km) đến tuyến ĐT.741B (Đồng Phú – Bình Dương), đi theo ĐT.741B (21km) kết nối với đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (19km), kết nối với ĐH.416 (3km) sau đó đi theo ĐT.746 (1km), đoạn tuyến cuối đi tránh khu đô thị (12km) và kết nối với đường Vành đai 4 (Bình Dương). Tổng chiều dài 71km.

Phương án 2.2: Mở mới tuyến từ ĐT.753 đến ĐH.416 kết nối về đường Vành đai 4 (tại Bình Dương). Hướng tuyến, đi từ thành phố Đồng Xoài, theo ĐT.753 (30km), mở 22km tuyến mới (đi theo ĐH.501B) kết nối vào ĐH.416 (11km), sau đó đi theo ĐT.746, đoạn tuyến cuối đi tránh khu đô thị (12km) và kết nối vào đường Vành đai 4 (Bình Dương). Tổng chiều dài 75km.

Phương án 3: Kết nối qua QL.56B về Vành đai 4 (Đồng Nai). Hướng tuyến, đi từ thành phố Đồng Xoài, theo ĐT.753 (30km), mở 22km tuyến mới (đi theo ĐH.501B) kết nối vào ĐH.416 (10km), sau đó đi theo ĐT.746 (đoạn QL56B theo quy hoạch), đi theo ĐT.767 và kết nối vào đường Vành đai 4 (Đồng Nai). Tổng chiều dài 105km.

Đề xuất phương án đầu tư tuyến kết nối Bình Phước với Đồng Nai -0
Lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước đi thực địa khảo sát nhằm tham mưu phương án đầu tư tuyến kết nối Bình Phước với Đồng Nai.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, qua phân tích ưu nhược điểm của các phương án tuyến nêu trên, Sở tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chọn phương án 1 là phương án tối ưu nhất kết nối Bình Phước và Đồng Nai. Đây là phương án tuyến ngắn nhất và nhanh nhất đi theo đường hiện hữu kết nối các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Bình Phước nói riêng đi Sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cùa 2 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cũng như khu vực Tây Nguyên và vùng kinh tế trong điểm phía Nam. Bên cạnh đó, sẽ góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất tiềm năng phía Đông Nam tỉnh Bình Phước, tận dụng được lợi thế về sự phát triển công nghiệp, dịch vụ lan tỏa từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Các phương án 2 và 3 có nhược điểm là hướng tuyến dài hơn và đi vòng quanh khu dự trữ sinh quyển dọc theo sông Mã Đà và không kết nối trực tiếp với tỉnh Đồng Nai mà phải đi qua tỉnh Bình Dương. Trong khi thực trạng và quy hoạch giữa 2 tỉnh đã có 5 trục kết nối chính nên về cơ bản nhu cầu kết nối giữa Bình Phước và Bình Dương đã đủ đáp ứng. Việc bổ sung thêm tuyến kết nối sẽ gia tăng thêm áp lực giao thông cho Bình Dương. Bên canh đó, phải đầu tư một số đoạn tuyến mới hoàn toàn làm tăng chi phí đầu tư và phải phụ thuộc vào nguồn lực của tỉnh Bình Dương.

“Tuyến ĐT.753 từ Bình Phước đi Đồng Nai là tuyến đường đối ngoại quan trọng của tỉnh Bình Phước. Đây là tuyến đường ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước đi Sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Tuyến có điểm đầu là thành phố Đồng Xoài, điểm cuối là cầu Mã Đà (ranh tỉnh Đồng Nai), cầu đã bị đánh sập trong chiến tranh, đến nay vẫn chưa được khôi phục, xây dựng lại. Ngoài ra, hằng năm vào mùa mưa lũ, người dân có nhu cầu lưu thông qua lại khu vực cầu Mã Đà rất khó khăn và đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra” – ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, về quy hoạch tuyến, tuyến ĐT.753 của Bình Phước kết nối với tuyến ĐT.761 tại cầu Mã Đà và ĐT.767 của tỉnh Đồng Nai ra QL.1 được quy hoạch là tuyến QL.13C đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021. Dọc tuyến ĐT.753 hiện đang được tỉnh quy hoạch khu công nghiệp rộng hơn 2.000ha. HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến ĐT.753 và khôi phục lại cầu Mã Đà tại Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 và Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 2/7/2021, quy mô đầu tư mặt đường rộng 19m, nền đường rộng 22m, tổng mức đầu tư 655 tỉ đồng. Do đó, tỉnh Bình Phước đảm bảo nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.753 đạt tiêu chuẩn QL.13C theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/9/2021.

Đức Trí
.
.
.