Vướng giải phóng mặt bằng, dự án chống ngập vốn “khủng” khó cán đích
- Dự án Khu di dân vùng triều cường chậm trễ do vướng giải phóng mặt bằng
- Nhiều tuyến đường thủ đô khó cán đích vì vướng giải phóng mặt bằng
- Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nút giao thông Túy Loan do đâu?
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư XD Trung Nam (Trung Nam Group), sau gần 1 năm khởi động, đến thời điểm này, dự án “giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” đã thực hiện giá trị xây lắp đạt 37%.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 6 cống ngăn triều và tuyến kè ven sông rạch, nhà thầu đã nhập về tổng cộng 67 ngàn tấn thép đặc chủng từ Nhật Bản để đảm bảo khả năng chịu đựng áp lực nước khi nạo vét sâu xuống lòng sông 20m.
Trung Nam Group cũng huy động 950 phương tiện cùng 1.850 kỹ sư, công nhân và đội ngũ chuyên gia làm việc trên các công trường. Cả 6 công trình cống ngăn triều và 4 đoạn đê bao đều được nhà đầu tư triển khai với tiến độ cao với quyết tâm hoàn thành trước ngày 30-4-2018.
Công trường thi công cống Mương Chuối đã sắp làm xong phần ngầm. |
Đại diện nhà đầu tư cho biết, đối với các công trình cận khu dân cư, việc thi công đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với người dân xung quanh khu vực. Ngoài tiếng ồn khi vận hành các loại thiết bị hạng nặng, việc thi công và một số phân đoạn thi công của các công trình đã gây xáo trộn đời sống dân cư, nhất là các hộ dân gần cống Bến Nghé, cống Tân Thuận, cống Phú Định và cống Phú Xuân.
Vì vậy, Trung Nam Group càng nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình thi công, Trung Nam Group đã phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố điều tiết giao thông thủy, phân luồng cho tàu thuyền của người dân, đơn vị doanh nghiệp qua lại được thuận lợi.
Về việc xử lý bùn nạo vét, theo ông Tiến do đa số bùn từ cửa sông, mức độ nguy hại không nhiều nên không phải qua xử lý. Trung Nam Group đã đổ bùn về bãi tập kết ở xã Phước Kiển, Hiệp Phước, huyện Nhà Bè và xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Điều lo lắng nhất hiện nay của nhà đầu tư là việc giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng kịp tiến độ thi công. Khi một số cống đã sắp được thi công xong phần ngầm, phần nổi trên mặt nước sẽ được đẩy nhanh tiến độ.
Thế nhưng, tại công trình cống kiểm soát triều Tân Thuận còn vướng 2 doanh nghiệp chưa được di dời; cống Phú Xuân còn vướng 14 hộ dân và 2 doanh nghiệp; cống Mương Chuối còn 99 hộ dân; cống Cây Khô còn 95 hộ và cống Phú Định là 16 hộ và 1 đơn vị. Mặt bằng để thi công kè ven sông hiện diện tích đất của hàng trăm hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng.
Chỉ tính riêng đoạn đê kè và công trình cống cầu Kinh, rạch Bà Bướm đã vướng 198 hộ và 12 doanh nghiệp. Riêng đối với tuyến kè sông, để giảm bồi thường, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thị công, phương án điều chỉnh ranh giới tuyến kè cũng đã được Sở NN&PTNT chấp thuận, hiện chỉ còn chờ thành phố xem xét, đồng ý.
Trước tình hình trên, để có đủ mặt bằng phục vụ tiến độ thi công, ở một số công trình Trung Nam Group đã tự thỏa thuận thuê đất ven sông của người dân trong thời gian chờ bồi thường.
Được biết, Dự án "Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được khởi công từ tháng 6-2016. Mục đích nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.