Vi phạm hành lang an toàn đường sắt: “Đánh đu” với… tử thần

Thứ Hai, 27/11/2017, 11:21
Lấn chiếm hàng lang an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS) đang diễn ra khá phổ biến. Những vi phạm như: dựng lều lán - kinh doanh gần đường ray, mở đường ngang trái phép, phớt lờ biển cảnh báo của ngành Đường sắt… đang khiến số vụ va chạm, tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) thời gian qua có chiều hướng gia tăng.


Đánh giá của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, hiện trên toàn quốc có hơn 5.500 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó, có 1.516 điểm đường ngang hợp pháp và trên 4.000 điểm đường ngang dân sinh. Tại các điểm đường ngang dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất ATGTĐS. 

Khảo sát trên dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn các quận, huyện của thành phố Hà Nội như: Đống Đa, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên…, chúng tôi thấy, tình trạng vi phạm hành lang ATGTĐS đang diễn ra phổ biến. Chỉ chưa đầy 1km, trên dọc tuyến đường sắt (đoạn song song với đường Lê Duẩn) xuất hiện gần chục điểm đường ngang dân sinh. 

Tại nhiều vị trí có các cửa hàng kinh doanh hoạt động còn xuất hiện thêm bậc tam cấp nối đường Lê Duẩn lên khu vực có đường sắt đi qua. Hệ thống bậc tam cấp này không ngoài mục đích tạo điều kiện cho khách hàng “vượt” rào bảo vệ hành lang ATGTĐS thuận tiện hơn.

Các cơ quan chức năng cần sớm xóa bỏ đường ngang dân sinh - những nhánh đường tử thần.

Ở khu vực đường Ngọc Hồi – huyện Thanh Trì (Hà Nội), chúng tôi thấy một nhóm tiểu thương tập kết, kinh doanh dừa ngay sát đường ray. Cùng với tình trạng lấn chiếm hành lang ATGTĐS, nhiều vị trí hệ thống hộ lan - hàng rào đảm bảo hành lang ATGTĐS đã bị “xé” để mở đường ngang dân sinh xuất hiện trên dọc tuyến đường sắt đi qua địa phận huyện Thanh Trì, Thường Tín…

Sáng 24-11, trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) tỏ ra lo ngại về thực trạng đáng báo động trên. 

Đại tá Trần Sơn nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, đường sắt là tuyến đường ưu tiên hoạt động. Khi đi qua đường sắt, các phương tiện giao thông đường bộ phải tuân thủ các quy định về đảm bảo hành lang ATGTĐS, nhường đường cho tàu hỏa, bất luận đó là đường ngang dân sinh hay đường ngang có rào chắn, có phòng vệ. 

Bởi đoàn tàu có trọng lượng lên đến hàng trăm tấn, cự ly hãm dài (dao động từ 400-800m) trong khi tốc độ của tàu luôn cao. Bất kỳ một vi phạm nào xảy ra trên đường sắt cũng sẽ dẫn đến những hậu quả đau lòng. Nhẹ thì thiệt hại tài sản, nặng thì gây thương vong về người. Do vậy, Luật Đường sắt 2005 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã quy định rõ các nội dung nhằm đảm bảo an toàn cho tàu chạy cũng như người, phương tiện lưu thông giao nhau với đường sắt. 

Như tại Điều 12, Luật Đường sắt 2005 nghiêm cấm các hành vi: “Lấn chiếm hành lang ATGTĐS, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; Tự ý mở đường ngang, xây dựng cầu vượt, hầm chui, cống hoặc các công trình khác qua đường sắt…”. Quy định là thế, song hiện tình trạng dựng lều quán, trồng cây xanh, tập kết vật liệu xây dựng, mở đường ngang dân sinh trái phép… xâm phạm an toàn đường sắt vẫn xảy ra ở khắp nơi.

Đâu là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm hành lang ATGTĐS nhức nhối như hiện nay? Đại tá Trần Sơn cho rằng, trước hết là do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Số người này không thấy được hết những hệ lụy khôn lường đi kèm với hành vi vi phạm của mình. 

Thứ đến, chính quyền địa phương một số nơi còn buông lỏng công tác quản lý, còn đứng ngoài cuộc và cho rằng trách nhiệm chính là của ngành Đường sắt. Để rồi khi hậu quả xảy ra thì đã quá muộn. Lực lượng chức năng cần phối hợp với ngành đường sắt, chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa các vi phạm hành lang ATGTĐS, chống tái lấn chiếm. Đối với các điểm nhức nhối, thường xuyên xảy ra va chạm, TNGTĐS thì cần sớm triển khai đề án xây dựng hệ thống đường gom dân sinh”.

Liên quan đến đoạn clip ghi lại hình ảnh một số người dân (được cho là ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) treo các bao rác lên thành tàu hỏa khi đoàn tàu sắp lăn bánh với mục đích “gửi” rác đến nơi khác khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” trong mấy ngày qua, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Sơn khẳng định: 

Đây là hành động thiếu ý thức. Treo như vậy, lúc tàu chạy, số bao rác này sẽ lủng lẳng rơi xuống dọc đường, văng vào người đi đường khiến môi trường xung quanh, sức khỏe, tính mạng người đi đường bị ô nhiễm, ảnh hưởng. Đây là hiện tượng mới xuất hiện. Chính quyền và Công an các địa phương cần tuyên truyền, có biện pháp giáo dục răn đe, tránh để hành vi trên tái diễn.

Trần Huy
.
.
.