Tổng Công ty Cảng Hàng không nói về suất đầu tư sân bay Long Thành
- ACV đã có 25.000 tỷ đồng cho sân bay Long Thành
- Chính phủ chính thức trình Quốc hội giao ACV đầu tư sân bay Long Thành
Ngày 15-11, thông tin về về việc tổng vốn đầu tư sân bay Long Thành chênh lệch so với các sân bay cùng quy mô trên thế giới, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành có quy mô 5.000ha, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Phần đất dành cho dịch vụ hàng không chỉ vào khoảng 2.750ha.
“Riêng về số liệu một số sân bay như ĐBQH đưa ra, tôi cho rằng chưa hoàn toàn phù hợp. Các số liệu này cũng không đủ các thông tin khai thác chi tiết cụ thể như công suất khai thác hàng hóa, các công trình phụ trợ, dịch vụ thương mại, hay đối với từng mức dịch vụ của sân bay”, ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh và đưa ra ví dụ: như sân bay Heathrow (Anh) hiện tại với diện tích khoảng 1.200ha, khai thác 80 triệu hành khách, đây là sân bay cũ đã được phát triển mở rộng qua nhiều giai đoạn, đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng.
Sân bay Sydney ở Mascot, Úc cũng đã bắt đầu hoạt động từ những năm 1970 có diện tích khoảng 900ha, hiện đang khai thác 44 triệu hành khách với công suất 400.000 tấn hàng hóa/năm.
Công suất mà ĐBQH đề cập 74 triệu hành khách/năm là công suất thiết kế khi sân bay được quy hoạch phát triển mở rộng ở năm 2033. Sân bay Bắc Kinh diện tích 1.480ha với công suất 85 triệu hành khách/năm là sân bay cũ, hiện đã quá tải và hạn chế về cơ sở hạ tầng. Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng một CHK mới là Bắc Kinh - Đại Hưng với tổng diện tích đất khoảng 4.700ha, công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm, tương đương quy mô chung với CHK quốc tế Long Thành…
Các CHK Changi (Singapore), Barcelona (Tây Ban Nha), Western Sydney (Úc) cũng là các CHK quy hoạch và xây dựng từ trước đây, được xây dựng mở rộng theo từng giai đoạn, chủ yếu để tăng công suất khai thác hành khách.
Lý giải thêm về suất đầu tư, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, quy mô Dự án CHK Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm 4 đường cất/ hạ cánh (tức 2 cặp đường cất/ hạ cánh), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư 16,03 tỷ USD. Ngoài chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư, phần ứng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 15 tỷ USD.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách tương đương với suất đầu tư của các sân bay lớn trên thế giới. Cụ thể, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) giai đoạn 1 (vận hành khai thác từ tháng 9-2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD cho công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách. Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 14,93 tỷ USD/100 triệu hành khách.