Chính phủ chính thức trình Quốc hội giao ACV đầu tư sân bay Long Thành

Thứ Năm, 24/10/2019, 17:59
Chính phủ đề xuất điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha đồng thời điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng


Chiều nay (24/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Báo cáo nêu rõ, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình duyệt, trong đó có việc chấp thuận hình thức đầu tư CHK quốc tế Long Thành.

ACV là nhà đầu tư- khai thác CHK Long Thành

Cụ thể, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước. ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không.

Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo nghiên cứu khả thi theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là đề xuất điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha đồng thời điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiến nghị mở rộng phạm vi xây dựng giai đoạn lên 1.810 ha để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của cảng như: kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, khu vực điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy, chữa cháy, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…

Để giải quyết giao thông kết nối từ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tới khu vực CHK quốc tế Long Thành, ngoài đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được triển khai thi công, Chính phủ sẽ chỉ đạo đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ với từng giai đoạn khai thác (25 triệu, 50 triệu, 100 triệu hành khách/năm) của CHK quốc tế Long Thành như: Mở rộng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; Xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Xây dựng đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và các công trình khác (cầu Cát Lái và đường tỉnh 25C)… Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông này.

Trước mắt để đáp ứng nhu cầu khai thác giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Tư vấn đã đề xuất đầu tư 2 tuyến đường bộ kết nối sân bay là tuyến kết nối trục chính cảng (đầu phía Tây) với QL51 và tuyến kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Cần có các giải pháp, chỉ đao quyết liệt để thực hiện

Trình bày báo cáo thẩm tra tại Hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành quy mô giai đoạn 1 của Dự án đã được nghiên cứu theo Nghị quyết 94, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu và đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Dự án để vừa bảo đảm tính cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực, vừa có thêm đường cất hạ cánh dự phòng cho đường cất hạ cánh thứ nhất để quá trình khai thác được liên tục, hiệu quả.

Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về kiến nghị điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế  đề nghị đưa diện tích đất thu hồi vào giai đoạn 1 của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để thi công nhanh 2 tuyến giao thông kết nối, trước mắt là đường công vụ phục vụ cho việc thi công các hạng mục của sân bay; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của Dự án.

 UBND  tỉnh Đồng Nai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung chính sách được Chính phủ phê duyệt khi thực hiện Nghị quyết 53 của Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc sử dụng diện tích đất dùng chung (480ha). Việc dùng chung diện tích đất này vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ hoàn thành vì sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, sau đó mới khởi công, thời gian cần thiết để hoàn thành còn khá dài. 

Mặt khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 của Quốc hội đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện, tính đến tháng 08/2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% mức vốn được giao. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để Dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua.

Phương Thuỷ
.
.
.